Di dời lồng bè nuôi thủy sản tại Vũng Rô: Cần có lộ trình, thời gian
Để đảm bảo cuộc sống, từng bước chuyển đổi nghề nghiệp khác cho các hộ nuôi thủy sản tại Vũng Rô theo lộ trình di dời trả lại mặt nước, Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện Đông Hòa đã có văn bản, tờ trình gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho phép huyện Đông Hòa quy hoạch diện tích mặt nước khoảng 150ha từ Bãi Bàng đến Bãi Nhãn để sắp xếp tạm thời cho các hộ nuôi thủy sản tại Vũng Rô.
DI DỜI CHƯA DỨT ĐIỂM
Trước đó, UBND tỉnh Phú Yên đã chấp nhận cho các doanh nghiệp và hộ gia đình nuôi thủy sản trái phép tại Vũng Rô (Đông Hòa) nuôi đến hết vụ nuôi và phải kết thúc trước tháng 10/2013. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo UBND huyện Đông Hòa phối hợp với các ngành chức năng triển khai thực hiện nghiêm công tác giải tỏa lồng, bè nuôi trồng thủy sản ở khu vực này, nếu hộ dân nào không chấp hành thì lập kế hoạch và các thủ tục để thực hiện cưỡng chế. Thế nhưng đến nay, công tác di dời lồng, bè nuôi trồng thủy sản trái phép ở khu vực Vũng Rô vẫn chưa thực hiện dứt điểm. Bà Đỗ Thị Rơi ở huyện Tuy An, cho biết: “Gia đình tôi hiện còn nuôi trên 100 lồng cá bớp, nuôi được 9 tháng nhưng giá cá rất thấp (khoảng 90.000 đồng/kg loại 1) nếu xuất bán thì bị lỗ vốn, mà giờ bán cũng không ai mua. Tiền đầu tư đến nay đã trên 500 triệu đồng, gia đình tôi đã liên hệ nhiều vùng nuôi khác nhưng các địa phương này không chấp nhận cho kéo bè tới…”. Còn ông Nguyễn Em ở xã An Ninh Đông (Tuy An), cho biết: “Việc bắt buộc di chuyển lồng bè nuôi thủy sản tại Vũng Rô trước tháng 10/2013 khiến nhiều người nuôi gặp khó khăn. Bè nuôi tôm hùm của gia đình tôi hiện có 40 lồng, tôm nuôi đến nay được 15 tháng, tổng vốn đầu tư hơn 2,5 tỉ đồng. Vốn liếng bỏ cả vào lồng bè nuôi tôm, thậm chí nhà cũng thế chấp ngân hàng để vay vốn. Để di dời mỗi bè đi nơi khác, chi phí từ 40 đến 50 triệu đồng, nhưng ở Tuy An không có nơi nào nuôi tôm hùm thương phẩm được. Nếu kéo bè đến địa phương khác sẽ gặp trở ngại vì địa phương đó không cho phép. Các hộ nuôi thủy sản chúng tôi rất mong được tỉnh và huyện Đông Hòa cho phép nuôi đến hết mùa vụ này, khi thu hoạch xong chúng tôi sẽ thực hiện di dời…”.
Theo UBND huyện Đông Hòa, tính đến đầu tháng 10/2013 có 74 hộ và 2 doanh nghiệp đã di dời 74 bè với 1.431 lồng nuôi thủy sản ra khỏi khu vực Vũng Rô, hiện còn 271 hộ và 1 doanh nghiệp chưa thực hiện di dời 282 bè với 7.229 lồng. Ông Đỗ Tấn Thành, cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, cho biết: “Trong 7.229 lồng đã có 1.930 lồng nuôi thủy sản thu hoạch dứt điểm, hiện còn lại 5.299 lồng đang nuôi. Tổng sản lượng thủy sản nuôi tại khu vực Vũng Rô còn lại khoảng trên 230 tấn, trong đó tôm hùm có kích cỡ từ 0,7 đến 0,9kg/con và cá từ 1 đến 4kg/con, thời gian nuôi đến hết kỳ thu hoạch khoảng 4 đến 6 tháng nữa”.
CẦN CÓ LỘ TRÌNH, THỜI GIAN
Mới đây, UBND huyện Đông Hòa tổ chức cuộc họp mời các sở, ngành của tỉnh tham gia góp ý dự thảo kế hoạch vận động, tổ chức di dời lồng bè nuôi trồng thủy sản trái phép tại Vũng Rô. Theo đó, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch với 2 phương án thực hiện di dời. Phương án 1, thực hiện di dời, giải tỏa 100% với giải pháp được đưa ra là tổ chức kiểm tra, ra quyết định xử phạt hành chính tất cả các lồng bè nuôi thủy sản tại Vũng Rô, buộc phải tự di dời trả lại mặt nước như hiện trạng ban đầu, thời gian dự kiến 20 ngày. Sau đó, địa phương tổ chức kiểm tra và ra quyết định cưỡng chế đối với các hộ không thực hiện quyết định xử phạt hành chính tự di dời trả lại mặt nước, thời gian dự kiến thực hiện 25 ngày. Bước tiếp theo là việc tổ chức cưỡng chế, thời gian dự kiến 40 ngày. Tuy nhiên, công việc cưỡng chế gặp khó khăn, phức tạp, ảnh hưởng đến cuộc sống của người nuôi trồng thủy sản.
Phương án 2 là chỉ định tạm thời 150ha mặt nước từ Bãi Bàng đến Bãi Nhãn rồi phân lô, sắp xếp theo thứ tự di dời cho các hộ dân trong tỉnh về vị trí nuôi mới. Các hộ dân tự chịu chi phí di dời về vị trí nuôi mới và phải cam kết bảo vệ môi trường, cam kết tự di dời ra khỏi Vũng Rô khi Nhà nước yêu cầu trả lại mặt nước mà không có sự đền bù. Phương án này đưa ra có thời gian, lộ trình di giãn phù hợp và tổ chức cho thuê mặt nước theo thời hạn 1 năm để có kinh phí thực hiện tốt khâu quản lý mặt nước, lồng bè, an ninh trật tự và môi trường vùng nuôi. Còn các hộ dân ngoài tỉnh nuôi thủy sản tại khu vực Vũng Rô thì buộc phải di dời theo phương án 1. Phương án này tận dụng một phần diện tích mặt nước để nhân dân có điều kiện nuôi thủy sản, đảm bảo cuộc sống, từng bước chuyển đổi nghề nghiệp khác theo lộ trình di dời trả lại mặt nước để tỉnh thực hiện dự án…
Ông Lưu Bá Hạnh, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Hòa cho biết: “Qua phân tích 2 phương án trên, các đại biểu ở các sở, ngành cũng đồng quan điểm như huyện Đông Hòa chọn phương án 2. Lý do là dự án lọc dầu trước đây quy hoạch xây dựng tại Vũng Rô, nay chuyển ra xã Hòa Tâm và đã quy hoạch xây dựng cảng nước sâu tại Bãi Gốc. Đồng thời, phương án 2 tạo điều kiện phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho bà con nhân dân để thực hiện lộ trình giải tỏa, di dời”.