Dịch bệnh cá tra: Một số vấn đề cần quan tâm
Theo báo cáo từ các địa phương, năm 2023 diện tích nuôi cá tra bị dịch bệnh trên 435 ha, giảm 13% so với năm 2022 nhưng vẫn xuất hiện khá rộng khắp tại 76 xã của 25 huyện ở ĐBSCL. Trong lúc công tác phòng chống dịch bệnh toàn ngành còn nhiều hạn chế, Cục Thú y khuyến cáo một số biện pháp cụ thể.
Những bệnh thường gặp
Thứ nhất là bệnh xuất huyết (đốm đỏ, bệnh nhiễm trùng máu) do vi khuẩn Aeromonas hydrophila gây ra; không thuộc “Danh mục bệnh động vật thủy sản phải công bố dịch” nhưng nguy hiểm, gây nhiều thiệt hại cho người nuôi. Năm 2023, xảy ra tại 63 xã thuộc 23 huyện với tổng diện tích 217 ha; trong đó diện tích cá giống nhiễm bệnh chiếm 43%.
Vi khuẩn Aeromonas hydrophila luôn tồn tại sẵn trong môi trường ao nuôi và có thể truyền lây từ cá bệnh hoặc lây trực tiếp từ môi trường cho cá khỏe mạnh. Bệnh xuất hiện quanh năm, ở tất cả giai đoạn phát triển của cá; tuy nhiên bùng phát nhiều hơn trong mùa khô vào tháng 2-3 âm lịch, tháng 7-8 mùa nước lũ và tháng 11 mùa nước rút. Cá nhiễm bệnh nặng, tỷ lệ chết có thể tới 90%.
Thứ hai là bệnh gan thận mủ, do vi khuẩn Edwardsiella ictaluri gây ra; thuộc “Danh mục bệnh động vật thủy sản phải công bố dịch” theo quy định tại Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT. Năm 2023, bệnh xảy ra tại 34 xã thuộc 16 huyện với tổng diện tích 156 ha; trong đó diện tích cá giống bị nhiễm bệnh chiếm trên 31%.
Bệnh gan thận mủ thường xảy ra từ mùa xuân đến mùa thu, khi môi trường giàu dinh dưỡng tạo thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn E. ictaluri luôn tồn tại sẵn nước ao nuôi và bùn đáy ao. Vi khuẩn truyền lây từ cá bệnh hoặc lây trực tiếp từ môi trường cho cá khỏe. Trước đây bệnh thường xuất hiện nhiều vào tháng 7 và 8 âm lịch; những năm gần đây bệnh xuất hiện rải rác quanh năm, ở tất cả các giai đoạn phát triển của cá tra. Cá nhiễm bệnh có thể chết từ 10-50%.
Thứ ba là bệnh do ký sinh trùng, lây nhiễm qua môi trường nước ao nuôi, khi nhiễm với số lượng lớn sẽ làm cá sinh trưởng chậm, thậm chí chết hàng loạt, đặc biệt ở giai đoạn cá giống. Bệnh này còn tạo điều kiện cho các vi khuẩn, vi rút, nấm xâm nhập, gây bệnh và làm chết cá. Năm 2023, bệnh xảy ra tại 22 xã thuộc 9 huyện với diện tích 54 ha; trong đó diện tích cá giống thiệt hại chiếm 45,8%.
Bệnh ký sinh trùng thường gây thiệt hại cho cá tra từ giai đoạn ương giống đến nuôi thương phẩm. Ở giai đoạn cá nhỏ thường là nhóm ngoại ký sinh trùng và ở giai đoạn nuôi thương phẩm thường bị nhiễm một số nhóm nội ký sinh trùng có vòng đời phát triển cần ký chủ trung gian như sán lá, sán dây, giun tròn.
Cục Thú y đánh giá, các bệnh trên tuy không gây thiệt hại lớn tại một thời điểm nuôi nhưng tính chung trong cả vụ nuôi thì thiệt hại là không nhỏ.
Thực tế khó khăn, tồn tại
Cục Thú y đánh giá, một số địa phương bố trí kinh phí còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, có địa phương không bố trí kinh phí gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch bệnh. Công tác quan trắc môi trường chưa gắn liền với giám sát dịch bệnh nên hiệu quả không cao, không phản ánh mối liên hệ giữa môi trường và dịch bệnh cũng như không phân tích được tác động qua lại giữa môi trường và dịch bệnh một cách đầy đủ.
Dịch bệnh xảy ra nhiều từ nguồn cá tra giống nhưng việc kiểm soát vận chuyển giống cá tra còn nhiều bất cập, nhất là địa bàn giáp ranh giữa các tỉnh. Một số địa phương khi thực hiện kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển ra khỏi tỉnh cho cá tra giống không thông báo cho địa phương nơi đến theo quy định. Công tác xây dựng vùng, cơ sở, chuỗi sản xuất cá tra an toàn dịch bệnh, hướng dẫn việc sử dụng vắc xin phòng bệnh cho cá tra chưa được quan tâm đúng mức.
Đặc biệt, hiện nay, cả nước chưa có cơ sở sản xuất giống cá tra, nuôi cá tra thương phẩm đăng ký với Cơ quan thú y để xây dựng, được chứng nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh; việc sử dụng vắc xin để chủ động phòng bệnh gan thận mủ, xuất huyết cho cá tra chưa được ứng dụng rộng rãi. Hầu hết các cơ sở nuôi khi có cá bị bệnh thường xả thải nước ao bệnh ra môi trường, dẫn đến các loại mầm bệnh phát tán rộng. Các cơ sở nuôi không khai báo bệnh cho cơ quan chuyên môn dẫn đến thiếu thông tin dịch bệnh nên việc đánh giá và dự báo dịch bệnh gặp nhiều khó khăn.
Cục Thú y khuyến cáo biện pháp xử lý
Đối với bệnh xuất huyết. Trường hợp cá còn bắt mồi, nên chọn loại thuốc kháng sinh phù hợp trộn vào thức ăn và cho cá ăn liên tục ít nhất là 5-7 ngày. Cần lưu ý đến hiện tượng kháng thuốc của vi khuẩn A. hydrophila nên ngoài việc xác định chính xác tác nhân gây bệnh thì phải dựa theo kết quả kháng sinh đồ để chọn loại kháng sinh có hiệu quả, điều trị đúng liều và đúng thời gian. Trường hợp cá hương hoặc cá giống bị bệnh, điều trị thuốc kháng sinh bằng cách trộn vào thức ăn chỉ có kết quả khi cá mới chớm bệnh. Do vậy, phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm là rất quan trọng.
Đối với bệnh gan thận mủ. Điều trị càng sớm càng tốt mới có thể hạn chế tỉ lệ cá chết. Cá tra nhiễm vi khuẩn E.ictaluri sẽ dễ mắc các bệnh khác do ký sinh trùng, bệnh xuất huyết và bệnh trắng gan, trắng mang. Trường hợp tỷ lệ cá chết trên 50% trong vài ngày thì cơ sở cần xử lý kịp thời theo hướng dẫn; đồng thời dừng cho cá ăn, không sử dụng thuốc, hóa chất, không xả nước ao ra ngoài. Chủ cơ sở nuôi phải thông báo cho các cơ sở nuôi cá xung quanh để phòng bệnh kịp thời tránh lây lan diện rộng, thông báo với cán bộ thú y.
Đối với bệnh do ký sinh trùng. Tẩy dọn vệ sinh ao nuôi ngăn chặn vật chủ trung gian gây bệnh. Vào mùa mưa, mùa nước nổi ở khu vực ĐBSCL là mùa sinh sản của các loài ký sinh trùng, chúng phát triển mạnh. Do vậy, cần xổ ký sinh trùng cho cá định kỳ.
“Trước thực trạng dịch bệnh trên cá tra diễn biến còn phức tạp, ngày càng nhiều nước sử dụng quyền của mình theo quy định của quốc tế về giám sát dịch bệnh để tạo ra các hàng rào kỹ thuật, gây khó khăn cho việc xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Cho nên, các cơ sở nuôi cần chủ động xây dựng và triển khai chương trình giám sát dịch bệnh”, Cục Thú y nhấn mạnh.