Điểm danh một số đối thủ của ngành nuôi cá tra Việt Nam
Thương hiệu thủy sản được xem là mặt hàng thủy sản quốc gia, bởi trong nhiều năm liền, xuất khẩu cá tra được bạn bè quốc tế yêu thích bởi chất lượng và giá cả phải chăng. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt về mặt hàng này. Hãy cùng Tép Bạc điểm qua một số đối thủ cạnh tranh ngành nuôi cá tra với nước ta nhé!.
Tình hình xuất khẩu cá tra tại nước ta
Dựa theo số liệu thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep) và Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA). Kim ngạch xuất khẩu cá tra trong 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 725 triệu USD, tăng 2% nếu so sánh với cùng kỳ năm 2023.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ thêm, Mỹ hiện tại đang là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Tiếp theo là Trung Quốc, châu Âu và một số thị trường Nam Mỹ khác. Trong đó, Mỹ đang tăng cường nhập khẩu cá tra chế biến, với giá trị gia tăng gấp 8.5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Ngược lại, xuất khẩu cá tra đông lạnh sang Mỹ giảm do nhu cầu của người tiêu dùng giảm.
Cá tra phi lê đông lạnh vẫn là mặt hàng chủ lực trong xuất khẩu cá tra sang Mỹ. Tính đến hết tháng 5/2024, xuất khẩu cá tra phi lê đông lạnh sang Mỹ đạt hơn 120 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm 98% tỷ trọng trong tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ.
Dự báo của ngành cá tra Việt Nam cho thấy giá xuất khẩu cá tra có thể tăng 10% trong quý III/2024. Sự tăng trưởng này được kỳ vọng nhờ vào sự cải thiện trong các yếu tố như nhiên liệu, chi phí logistics và lãi suất ngân hàng. Đây là cơ hội tốt cho toàn ngành cá tra, có thể thúc đẩy sự phát triển và tăng cường lợi nhuận cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Cá tra Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt
Đứng trước miếng mồi ngon này, hiện nay một số quốc gia đang hướng đến xuất khẩu cá tra và cạnh tranh trực tiếp. Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trong xuất khẩu cá tra do sự cạnh tranh gia tăng từ các quốc gia khác và các rào cản phi thuế quan. Những rào cản này bao gồm thuế chống bán phá giá tại Mỹ và chương trình giám sát dư lượng kháng sinh, chất cấm tại châu Âu và các thị trường khác.
Sự cạnh tranh từ các quốc gia này có thể ảnh hưởng đến thị phần và giá cả của cá tra trên thị trường quốc tế. Dưới đây là một số điểm quan trọng mà các quốc gia này đang chú trọng:
Thái Lan: Với sự nổi bật trong sản xuất cá basa (cá tra), Thái Lan không chỉ cải thiện công nghệ nuôi trồng mà còn mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo ra áp lực cạnh tranh cho cá tra Việt Nam.
Ấn Độ: Đầu tư vào công nghệ nuôi trồng và chế biến cá da trơn giúp Ấn Độ gia tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, từ đó tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Bangladesh: Mặc dù còn mới mẻ trong ngành nuôi cá da trơn, Bangladesh đang tích cực cải thiện chất lượng sản phẩm và mở rộng hoạt động để chiếm lĩnh thị trường.
Indonesia: Đầu tư vào công nghệ và kỹ thuật nuôi trồng cá tra đang giúp Indonesia gia tăng sản lượng và chất lượng, làm tăng sức cạnh tranh so với các nước khác.
Đứng trước thách thức về cạnh tranh, mới thấy rằng việc nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng công nghệ mới và cải thiện quy trình sản xuất là những chiến lược quan trọng để giữ vững vị thế của cá tra Việt Nam trên thị trường toàn cầu.