TIN THỦY SẢN

Điểm sáng xuất khẩu năm COVID-19 là "động lực" tăng trưởng năm 2021

Việt Nam xuất khẩu lô gạo thơm đầu tiên 1.600 tấn mở màn năm 2021. Ảnh: NNVN Anh Tuấn

Với kim ngạch xuất nhập khẩu ấn tượng qua 1 năm đầy khó khăn đang tạo đà, tạo lực bứt phá cho công tác xuất nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn tới. Trong đó, tháng đầu tiên của năm 2021 đã ghi nhận những lô hàng về nông, thuỷ sản xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng như Mỹ, EU, Nhật Bản, hứa hẹn một năm xuất khẩu đầy sôi động.

Xuất khẩu đầu năm 2021 sôi động

Ngày 13.1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) và UBND tỉnh Cần Thơ đã phối hợp tổ chức lễ xuất khẩu lô gạo thơm đầu tiên của năm 2021.

Đây là lô gạo xuất khẩu đầu tiên của năm 2021 với tổng khối lượng 1.600 tấn theo hợp đồng đã ký kết sang Singapore 450 tấn và Malaysia 1.150 tấn, gồm 2 loại gạo Jasmine 85 với giá 680 USD/tấn và gạo Hương Lài giá 750 USD/tấn, do Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) thực hiện.

Đây là sự kiện có ý nghĩa tích cực ngay sau khi nước ta ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) ngày 15.11.2020, bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã ký Hiệp định Thương mại tự do.

Những ngày đầu tháng 1.2021 cũng ghi nhận hơn 160 tấn tôm do Công ty Cổ phần thuỷ sản Minh Phú Hậu Giang (Khu Công Nghiệp Sông Hậu, giai đoạn 1, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) xuất khẩu sang các thị trường EU, Mỹ và Nhật Bản.

Ngày 8.1, Công ty Cổ phần chế biến xuất nhập khẩu thủy sản BR-VT (Baseafood) cũng đã xuất khẩu lô hàng, gồm 8 container các mặt hàng: mực, cá ngừ, bạch tuộc, tôm mũ ni, với tổng trị giá 700 nghìn USD, xuất sang Canada, Mỹ, Australia…

Việc hàng loạt các lô hàng thuộc ngành nông nghiệp xuất khẩu trong tháng 1.2021 khẳng định cho quyết tâm tăng tốc ngay từ đầu năm nhằm hướng đến mục tiêu xuất khẩu 44 tỉ USD mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra cho toàn ngành khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2020.

Cần đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá chất lượng cao

TS Nguyễn Minh Phong - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội cho biết, năm 2021, trong bối cảnh thực thi EVFTA, CPTPP và các FTA khác, kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để phục hồi, khởi sắc hơn và xuất khẩu chắc chắn cũng tăng mạnh.

Trong năm 2021, theo TS Nguyễn Minh Phong, Việt Nam cần tiếp tục nhanh chóng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cả về tài chính, tiền tệ và thông tin thị trường; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành hàng, sản phẩm và doanh nghiệp; nâng cao năng lực đổi mới công nghệ và cạnh tranh của hàng xuất khẩu.

Hoạt động xúc tiến xuất khẩu cần tập trung ở các nhóm ngành hàng chủ lực, có tiềm năng phát triển, như nhóm nông sản, bao gồm thực phẩm, thủy sản, trái cây, chè, càphê, hạt điều, hồ tiêu, cao-su, gạo) và nhóm công nghiệp chế biến (dệt may, da giày và túi xách, đồ gỗ...

Ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) cho hay, mặc dù Việt Nam xuất khẩu nhiều mặt hàng và nhóm hàng khác nhau, nhưng giá trị gia tăng xuất khẩu Việt Nam vẫn thấp khi chủ yếu là gia công xuất khẩu.

Chính vì vậy, trong năm 2021 và những năm tiếp theo, Việt Nam cần tập trung nâng cao về chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh.

Muốn vậy cần chuyển sang sản xuất, xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng công nghệ; tỉ lệ nội địa cao hơn bằng cách phát triển công nghiệp hỗ trợ, cùng với đó là chiến lược xây dựng thương hiệu cho hàng hóa.

Anh Tuấn Báo Lao Động