TIN THỦY SẢN

Điểm tựa phát triển

Nguồn vốn của Agribank hỗ trợ hàng ngàn hộ nuôi tôm hùm có của ăn của để Bài và ảnh Chí Thiện

Để ngành thủy sản phát triển, cùng với sự tài trợ vốn của ngân hàng, Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ giá nhiên liệu, tiền mua bảo hiểm vật chất thân tàu và các bảo hiểm rủi ro cho ngư dân khi ra khơi đánh bắt.

Chế biến cá ngừ đại dương, nuôi tôm hùm, ốc, cua, ghẹ… được coi là thế mạnh của Phú Yên. Theo ông Huỳnh Hữu Phương, Phó giám đốc Agribank Phú Yên, thời gian qua chi nhánh đã đầu tư vốn để ngư dân mua sắm trang thiết bị đánh bắt như tàu thuyền, ngư lưới cụ; phương tiện hỗ trợ sản xuất, nuôi trồng thủy sản và xem đây là mục tiêu trọng yếu.

Gần đây, trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế, Agribank Phú Yên vẫn duy trì tập trung vốn phát triển ngư nghiệp. Năm 2013, nguồn vốn đầu tư đối với ngành thủy sản của chi nhánh chiếm hơn 50% thị phần trên địa bàn. Kinh tế địa phương vẫn tăng trưởng khá (GDP 10,67%)… thì kinh tế biển đóng góp từ 53-55% GDP và chiếm 55-60% kim ngạch xuất khẩu.

 Để có được kết quả đó, Agribank Phú Yên đề ra nhiều giải pháp căn cơ đầu tư vốn đúng trọng tâm, trọng điểm; tạo điều kiện cho bà con ổn định sản xuất như đầu tư vốn để ngư dân cải hoán, đóng mới tàu thuyền; mua sắm ngư cụ, lồng bè ươm, nuôi trồng thủy sản… Điều đó cho thấy, một lượng lớn tín dụng chảy vào khu vực thủy sản, giúp ngư dân làm giàu từ kinh tế biển.

Cũng từ nguồn vốn này, hàng ngàn hộ ngư dân từ đánh bắt với phương tiện thô sơ, gần bờ, trở thành các ông chủ với những con tàu lớn trên 90CV đánh bắt tại những ngư trường xa bờ… hàng ngàn hộ dân trước đây nuôi trồng nhỏ lẻ ở thị xã Sông Cầu, huyện Đông Hòa, TP. Tuy Hòa… giờ đây với hàng trăm lồng nuôi tôm hùm, hàng hecta mặt nước nuôi tôm sú, tôm thẻ chân, ốc hương… doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Với hơn 150 lồng nuôi tôm hùm, cho doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm, “tỷ phú tôm hùm” Nguyễn Văn Thậm, thị xã Sông Cầu cho hay, chỉ tính vốn đầu tư lồng bè lên đến hơn 1 tỷ đồng. Vào cao điểm, mỗi con giống hơn 400 ngàn đồng, mỗi lồng cần nuôi 55 con, riêng tiền đầu tư con giống lên trên 3,3 tỷ đồng.

Tiền đầu tư nhiều như thế, nếu không có ngân hàng hỗ trợ thì ngư dân chỉ biết đứng nhìn, chứ đầu tư sao nổi, đó là chưa tính đến tiền thức ăn cho tôm hàng ngày. Bởi vậy, vốn ngân hàng rất quan trọng đối với bà con ngư dân trên địa bàn. Còn anh Trần Văn Nở, cũng ở thị xã Sông Cầu khẳng định, nguồn tín dụng của Agribank Phú Yên góp phần đáng kể vào việc thay đổi nhận thức của ngư dân từ khai thác, đánh bắt, đến nuôi trồng thủy sản.

Ngư dân biết liên kết thành những tổ đội, nghiệp đoàn đánh bắt để cùng vay vốn, đầu tư phương tiện hiện đại, phục vụ việc đánh bắt dài ngày, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thiết nghĩ, để ngành thủy sản phát triển, cùng với sự tài trợ vốn của ngân hàng, Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ giá nhiên liệu, tiền mua bảo hiểm vật chất thân tàu và các bảo hiểm rủi ro cho ngư dân khi ra khơi đánh bắt.

Chính quyền địa phương cần có chính sách bao tiêu sản phẩm đánh bắt thủy sản cho ngư dân, tránh trường hợp các thương lái ép giá. Đồng thời, tập trung nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp để ngân hàng cho vay, tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm bám biển.

Bài và ảnh Chí Thiện Thời Báo Ngân Hàng, 28/03/2014