TIN THỦY SẢN

Diễn biến tình hình vật tư nông nghiệp, sản phẩm thủy sản năm 2013 và dự báo năm 2014

Ảnh minh họa Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản

Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn nhất cả nước, hình thức nuôi chủ yếu là quảng canh (không cho ăn, không sử dụng thuốc, hóa chất). Tuy nhiên gần đây mức độ thâm canh hóa ngày càng cao, do đó nhu cầu sử dụng vật tư nông nghiệp phục vụ nghề nuôi ngày càng tăng, việc cung ứng các sản phẩm VTNN ngày càng đa dạng.

1. Thực trạng về tình hình VTNN và sản phẩm thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau trong thời gian qua.

Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn nhất cả nước, hình thức nuôi chủ yếu là quảng canh (không cho ăn, không sử dụng thuốc, hóa chất). Tuy nhiên gần đây mức độ thâm canh hóa ngày càng cao, do đó nhu cầu sử dụng vật tư nông nghiệp phục vụ nghề nuôi ngày càng tăng, việc cung ứng các sản phẩm VTNN ngày càng đa dạng. Mức độ sử dụng VTNN tùy thuộc vào mức độ đầu tư thâm canh, qua khảo sát thực tế hình thức nuôi thâm canh sử dụng 100 % VTNN cho vụ sản xuất, hình thức nuôi tôm quảng canh cải tiến sử dụng 10 % VTNN/đơn vị diện tích so với hình thức thâm canh, nuôi truyền thống mức độ sử dụng khỏang 10 %  so với quãng canh. Căn cứ vào diện tích, hình thức nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Cà Mau năm 2013, sức tiêu thụ VTNN quy ra thành tiền ước khoảng 8.000 tỷ đồng, giá VTNN trong năm luôn biến động theo chiều hướng tăng (khoảng 10 % so với đầu năm) làm tăng giá thành sản xuất sản phẩm tôm, tuy nhiên người nuôi vẫn có lợi nhuận cao nhờ giá nguyên liệu tăng đột biến vào những tháng cuối năm và hiện tại giá tôm vẫn còn giữ ở mức cao, là cơ hội kích thích phát triển nuôi trồng thủy sản trong thời gian tới.
Diễn biến cung-cầu VTNN trong nuôi trồng thủy sản trên thị trường khá phức tạp, nhất là các vùng nuôi tôm thâm canh (công nghiệp). Theo phản ánh của một số địa phương tình trạng len lõi tiếp thị các sản phẩm VTNN chưa được chứng nhận, sản phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn có xảy ra ở một số nơi, gây khó khăn cho công tác quản lý, nguy cơ cao cho người nuôi, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm của tỉnh. Qua kết quả thống kê tình hình xuất khẩu tỉnh Cà Mau của Cơ quan Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, năm 2013 số lô hàng thủy sản xuất khẩu của Cà Mau bị các nước nhập khẩu cảnh báo là 20 lô, trong đó 50 % số lô bị nhiễm hóa chất, kháng sinh cấm vượt mức cho phép ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của tỉnh nói riêng, cả nước nói chung. Danh mục các chỉ tiêu hóa học cần kiểm soát đối với lô hàng xuất khẩu (theo Quyết định số 1471/QĐ-BNN-QLCL ngày 20/6/2012 của Bộ NN & PTNT). Trong đó các thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc quy định kiểm soát đối với các nhóm kháng sinh như Chloramphenicol, Nitrofuran, Enrofloxacin, …, ngoài ra, riêng thị trường Nhật kiểm soát thêm chất Ethoxyquin, mức giới hạn không quá 0,2 ppm, đòi hỏi các ngành, các cấp tăng cường quản lý, kiểm soát nhằm hạn chế các rủi ro cho xuất khẩu thủy sản của tỉnh.
Hiệu quả sử dụng vật tư nông nghiệp trong nuôi trồng thủy sản thời gian qua:
- Đối với thức ăn, hóa chất, chất cải tạo, xử lý môi trường: Trên thị trường về chất lượng thức ăn, chất cải tạo môi trường tương đối ổn định, các công ty sản xuất về mặt chất lượng tương đương nhau. Hiện nay, một số loại thức ăn nuôi tôm được người nuôi sử dụng nhiều, phổ biến nhất trên thị trường hiện tại như UP, CP, Grobest, Tomboy….
- Đối với nhóm thuốc trị bệnh, chế phẩm sinh học: Hiện nay trên thị trường Cà Mau một số đại lý kinh doanh có uy tín, phân phối những sản phẩm có chất lượng, đem lại hiệu quả cho người nuôi. Tuy nhiên cũng có nhiều chủng loại sản phẩm mà các đơn vị chức năng không thể thống kê và kiểm soát được, hàng hóa chưa có đăng ký vẫn lưu hành trên thị trường, làm cho người dân không xác định được chất lượng, dễ bị ngộ nhận giữa hàng có chất lượng và hàng kém chất lượng. Ngoài ra, còn có không ít sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc được tiếp thị đến tận đầm nuôi tôm để bán với giá rẻ và có nhiều ưu đãi như cho nợ trả chậm, tặng khuyến mãi…, nhiều hộ dân do thiếu thông tin, không am hiểu kỹ thuật, cả tin, chủ quan, không nhận thức đúng tầm quan trọng của việc lựa chọn chất lượng vật tư đầu vào, nên một số hộ chịu hậu quả khó lường. Điển hình trong năm 2013, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đội Thanh tra liên ngành tổ chức thanh tra, kiểm tra được 43 đợt với 111 sơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN, phát hiện vi phạm và xử lý 77 vụ, thu phạt trên 500 triệu đồng; thu 59 mẫu VTNN kiểm soát chất lượng, tịch thu hàng hóa vi phạm 85 sản phẩm, trong đó: Không nằm trong danh mục 75 sản phẩm, không đạt chất lượng 03 sản phẩm, hàng hóa giả 07 sản phẩm.
2. Một số khó khăn, hạn chế trong quản lý chất lượng VTNN
- Công tác kiểm tra, thanh tra của các cơ quan chức năng chỉ mới tập trung tại các điểm phân phối, đại lý lớn, còn những cơ sở nhỏ lẻ và những tiếp thị trôi nổi chưa tập trung quyết liệt, kiểm tra, quản lý; việc kiểm soát, giám sát chất lượng VTNN thiếu thường xuyên, chưa được cảnh báo và phản ánh kịp thời để người dân nhận biết và phòng tránh.
- Nhiều đại lý phân phối thức ăn, thuốc, hóa chất không đăng ký kinh doanh, bán theo kiểu tạp hóa, chất lượng không đảm bảo, khó kiểm soát và khó xử lý.
- Lực lượng làm công tác kiểm tra, quản lý chất lượng VTNN phục vụ trong nuôi trồng thủy sản còn mỏng, yếu về chuyên môn.
- Các đại lý sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp sử dụng đội ngủ kỹ thuật tiếp thị không được quản lý, tổ chức các hoạt động Hội thảo, tập huấn, quảng bá sản phẩm không xin phép, làm ảnh hưởng rất lớn cho người nuôi, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là công tác khuyến ngư.
- Còn không ít người dân nuôi tôm chưa nhận thức sâu về chất lượng đầu vào để phục vụ cho quá trình nuôi, từ đó lực lượng làm công tác tiếp thị lợi dụng để đưa những sản phẩm trôi nổi, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc mời gọi, thuyết phục người nuôi tiêu thụ sản phẩm bằng nhiều thủ đoạn.
- Giá cả thị trường VTNN  tăng nhanh, do nhu cầu của người nuôi lớn làm cho chi phí sản xuất tăng, lợi nhuận sẽ giảm nhưng chưa có cơ quan chức năng quan tâm can thiệp. Người dân thiếu vốn sản xuất, trong khi các doanh nghiệp chế biến thủy sản vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay, cũng là bất lợi cho nuôi trồng thủy sản của tỉnh.
- Việc cung ứng giống và quản lý chất lượng giống còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, nhà sản xuất và người sử dụng giống ít có cơ hội gặp gỡ trực tiếp mà còn phải qua nhiều tầng nấc trung gian đối với tôm thẻ, vì vậy còn thiếu trách nhiệm khi xảy ra rủi ro trong quá trình sản xuất, người nuôi luôn chịu thiệt.
3. Dự báo trong năm 2014
- Dự báo sức tiêu thụ vật tư nông nghiệp sẽ tăng mạnh trong năm 2014, có thể tăng khoảng 20% so với năm 2013, chủ yếu do diện tích nuôi tăng mạnh và một phần tăng năng suất. Hội chứng tôm chết sớm đã được kiểm soát tốt hơn tại các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Mexico, Ấn Độ… từ đó sản lượng tôm của các nước này sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, ngành tôm có thể phải đối mặt với nguy cơ đổ xô nuôi ồ ạt, không theo quy hoạch sẽ gây ra tình trạng dư thừa kéo theo giá giảm, gây thiệt hại cho người nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu.
- Năm 2014, do diện tích nuôi tôm trong tỉnh tăng mạnh, nhu cầu sử dụng vật tư nông nghiệp là rất lớn, dó đó giá cả vật tư nông nghiệp cũng có xu hướng tăng theo khoảng 10-20%. Mặt khác, tình trạng chất lượng vật tư nông nghiệp phục vụ cho nuôi tôm sẽ diễn biến phức tạp, sản phẩm kém chất lượng, trôi nổi không rõ nguồn gốc vẫn còn diễn ra, khó quản lý. Trong khi, môi trường nuôi ngày càng bị ô nhiễm, ý thức sử dụng thuốc, hóa chất của người nuôi chưa được nâng cao, vẫn còn tâm lý chuộng “giá rẻ”, sử dụng không theo quy định.
- Ngành tôm Việt Nam nói chung và tôm của Cà Mau nói riêng, đặc biệt tôm thẻ chân trắng có thể phải đối mặt với sự thắt chặt kiểm tra chất lượng từ các thị trường nhập khẩu, do đó năm 2014 sẽ có sự kiểm soát chặt chẽ hơn về chất lượng con giống, hóa chất, kháng sinh, đặc biệt là tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu đang gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng và uy tín của sản phẩm tôm.
4. Những giải pháp quản lý trong thời gian tới
- Để thủy sản đặc biệt là ngành tôm phát triển hiệu quả và bền vững, năm 2014 cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền về nhận thức môi trường cho người nuôi. Khuyến cáo tuân thủ lịch mùa vụ, thận trọng không thả nuôi ồ ạt, phải thăm dò thị trường để có hướng sản xuất phù hợp. Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường quản lý dịch bệnh đầu vào, xác định vùng ưu tiên đầu tư, nghiên cứu, thực hiện các biện pháp đồng bộ.
- Đẩy mạnh thực hiện tốt công tác kiểm soát lưu thông giống, vật tư nông nghiệp; giám sát, kiểm tra, quản lý và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân làm ăn bất chính, tạo được sự phát triển và cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiêp sản xuất, nhằm cung cấp nguồn giống, vật tư nông nghiệp có chất lượng cho người nuôi.
- Hỗ trợ chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho người nuôi, nhất là tổ chức phân tích chất lượng nước vùng nuôi tôm thường xuyên nhằm dự báo, khuyến cáo cho người nuôi. Bên cạnh, xây dựng lộ trình quản lý chất lượng tôm giống đầu vào hiệu quả để người nuôi yên tâm.
- Thường xuyên cập nhật danh mục hóa chất, kháng sinh cấm và phổ biến cho người nuôi, các đại lý thu mua tôm nguyên liệu, tăng cường kiểm soát, ngăn chặn tạp chất, để sản phẩm đầu ra chất lượng, tạo được uy tín, phát triển thị trường, thúc đẩy giá sản phẩm tăng.
- Cải tiến và làm tốt hơn công tác thông tin, thống kê, dự báo thị trường theo xu hướng có lợi nhất để phát triển sản xuất cho người nuôi.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra quản lý chất lượng sản phẩm đầu ra.
- Các doanh nghiệp có nhu cầu tập huấn, Hội thảo cho người dân được Chi cục Nuôi trồng thủy sản cho phép với nội dung cụ thể, đồng thời phải phối hợp với Khuyến ngư, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tổ chức và giám sát theo đúng nội dung nhằm mang lại lợi ích cho người dân.
- Các cơ quan chuyên ngành trực thuộc Sở đẩy mạnh đào tạo, tập huấn, tuyên truyền cho người dân để có nhận thức trong việc chọn VTNN và con giống, kiểm soát sử dụng hóa chất, kháng sinh, tạp chất trong nguyên liệu đầu ra.
- Đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP (Quyết định 1503) nhằm bảo vệ môi trường nuôi bền vững.
- Kiện toàn hệ thống thanh tra chuyên ngành tại các Chi cục để đi vào hoạt động, nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp, chất lượng con giống đầu vào và sản phẩm đầu ra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, răn đe các đối tượng kinh doanh bất chính. Mặt khác các ngành, các cấp, đơn vị có chức năng  cần quan tâm đẩy mạnh công tác phối hợp kiểm tra, thanh tra, kiểm soát chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp và sản phẩm thủy sản trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.
- Sớm định hướng, điều chỉnh quy hoạch cụ thể cho ngành nuôi tôm của tỉnh phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng địa phương và tạo được cân bằng về môi trường, sinh thái và đối tượng nuôi.
- Các đơn vị có liên quan cần phải chú trọng triển khai thực hiện Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT đồng bộ, có hiệu quả từ tỉnh đến huyện, xã và phải xem công tác này như là một nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị.
5. Đề xuất, kiến nghị
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chỉ đạo thống nhất, đồng bộ cho các địa phương áp dụng quy định bắt buộc và kiểm tra chứng chỉ chuyên môn, nghiệp vụ đối với các đối tượng hoạt động hành nghề tiếp thị, hướng dẫn kỹ thuật, phân phối vật tư nông nghiệp phục vụ nuôi trồng thủy sản tại các vùng nuôi.
- UBND huyện, thành phố xem xét cấp kinh phí và chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện tốt Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT.
- Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, Phòng Kinh tế thành phố Cà Mau phối hợp cùng chính quyền địa phương và nhân dân tại các vùng nuôi theo dõi tình hình sản xuất, mua bán, sử dụng vật tư nông nghiệp trên địa bàn, kịp thời phát hiện việc kinh doanh, tiếp thị sản phẩm vật tư nông nghiệp không rõ nguồn gốc, trôi nổi, chưa được phép sử dụng của Bộ Nông nghiệp và PTNT, … để báo ngay cho cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý ngăn chặn kịp thời, hạn chế rủi ro cho người sản xuất.

 

Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Sở NN&PTNT Cà Mau, 14/03/2014