Điều cần lưu ý trong vụ nuôi tôm biển năm 2012
Từ đầu vụ đến nay, tình hình dịch bệnh trên tôm biển nuôi diễn biến khá phức tạp. Qua kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đã có trên 150ha tôm chết. Nhằm kịp thời ngăn chặn, hạn chế dịch bệnh xảy ra trong thời gian tới, Sở NN&PTNT khuyến cáo người nuôi cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
Mô hình nuôi tôm biển (Ảnh minh họa)
1. Tạm ngưng, không thả giống vào thời điểm hiện nay tại các xã: Phú Long, Đại Hòa Lộc, Thạnh Trị, Thạnh Phước, Bình Thắng (Bình Đại); Tân Xuân, Bảo Thuận, Bảo Thạnh (Ba Tri). Thường xuyên theo dõi thông tin về điều kiện môi trường, thời tiết, kết quả quan trắc môi trường của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, các khuyến cáo của ngành, khi nào môi trường nuôi thật sự ổn định mới tiếp tục thả giống.
2. Thực hiện đúng qui trình kỹ thuật cải tạo ao nuôi, trong đó cần chú ý các trường hợp sau:
* Trường hợp ao bị bệnh đốm trắng:
- Dùng chlorine để xử lý ao nuôi với hàm lượng 30ppm (với chlorine có hàm lượng 70%), ít nhất sau 15 ngày mới rút nước khỏi ao chứa vào ao chứa nước thải.
- Vớt sạch tôm chết ra khỏi ao để tiêu hủy, sau đó tiến hành cải tạo đáy ao và phơi ao, thời gian 1 tháng.
- Dùng hóa chất để tiêu diệt mầm bệnh còn lại trong ao như: formol với hàm lượng 100ppm phun đều khắp ao và phun vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối; hoặc dùng chlorin với hàm lượng 50ppm phun đều khắp ao vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối. Việc phun hóa chất có thể lập lại 2 - 3 lần trong thời gian phơi ao.
- Sau quá trình cải tạo, cách ly ít nhất 1 tháng có thể tiến hành thả nuôi trở lại.
* Trường hợp ao bị bệnh gan tụy:
- Có thể thu hoạch nếu tôm lớn và còn tươi sống, ngược lại nếu tôm còn nhỏ và chết nhiều có thể ngưng cho ăn, ngưng quạt nước hoặc thổi khí, dùng hóa chất sát khuẩn mạnh (như: formol, GDA, BKC...) để sát khuẩn ao nuôi, có thể 2 - 3 ngày lặp lại 1 lần, ít nhất sau 15 ngày mới rút nước khỏi ao chứa vào ao chứa nước thải.
- Vớt sạch tôm chết ra khỏi ao để tiêu hủy, tiến hành cải tạo đáy ao và bón vôi nung (CaO) hoặc vôi tôi Ca(OH)2 với liều 50kg-70kg/1.000m2, sau đó tiến hành phơi ao (khoảng 1 tháng).
- Dùng hóa chất để tiêu diệt mầm bệnh còn lại trong ao như: formol với hàm lượng 100ppm phun đều khắp ao và phun vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối hoặc dùng chlorine với hàm lượng 50ppm phun đều khắp ao vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối. Việc phun hóa chất có thể lặp lại 2 - 3 lần trong thời gian phơi ao.
- Sau quá trình cải tạo, cách ly ít nhất 1 tháng có thể tiến hành thả nuôi trở lại. Chú ý cần ngâm rửa đáy ao cho đến khi pH ổn định trước khi lấy nước vào ao.
Lưu ý: Tuyệt đối không sử dụng các chất diệt giáp xác có nguồn gốc là thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình cải tạo ao, xử lý nước.
Đối với tôm đang nuôi, người nuôi cần thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, môi trường, tình hình dịch bệnh để có biện pháp quản lý ao nuôi phù hợp, bổ sung một số khoáng chất cần thiết nhằm tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi, đặc biệt thường xuyên theo dõi kết quả quan trắc môi trường để có biện pháp quản lý ao nuôi cho tốt.
Khi tôm nuôi có dấu hiệu bị nhiễm bệnh, người nuôi không được tự ý xả nước thải, xác tôm chết ra môi trường tự nhiên, phải báo ngay cho Ban quản lý vùng nuôi, UBND xã hoặc Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hoặc Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bến Tre để được hướng dẫn cách ly, tiêu hủy kịp thời, tránh lây lan trên diện rộng.