Điêu đứng vì cá tra bột
Một người nuôi đã rút ra bài học "xương máu": Giá 1 tấn cá thành phẩm bằng 1 tấn thức ăn, đó là chưa tính đến tiền thuốc, tiền công chăm sóc. Nếu tính ra, người nuôi lỗ chắc 100%.
Những năm gần đây, người dân ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An như Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Thạnh Hóa… chuyển diện tích đất trồng lúa sang đào ao nuôi cá tra bột, trong khi chưa nắm vững kiến thức, kỹ thuật về ương nuôi. Phần lớn người nuôi chủ yếu học hỏi kinh nghiệm cá nhân, chưa có nguồn vốn đầu tư nhiều và thị trường tiêu thụ ổn định, dẫn đến nguy cơ thất bại cao.
Anh Phạm Văn Bé Bảy, ấp Tân Long, xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An cho biết, năm 2018, thấy một số hộ nuôi cá trên địa bàn thu hoạch lợi nhuận cao, anh Bảy liền chuyển hơn 9.000 m2 đất lúa của mình sang đào ao và thả gần 20 triệu con giống cá tra bột. Tuy nhiên, anh gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh, giá cả thị trường xuống thấp, thời tiết không thuận lợi. Vì vậy, sau 4 lần thu hoạch, anh chỉ hoà hoặc lỗ vốn. Hiện anh đang có hướng chuyển đổi qua nuôi con khác. Anh Bảy không dự định lấp ao sạ lúa vì cho rằng lúa không phát triển tốt như đất bình thường do phá vỡ mặt bằng của đất đai.
Còn ông Ngô Văn Định, xã nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh than thở: “Thấy bà con nuôi cá có lời lớn, tôi hào hứng cuốc đất, thả cá bột để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do không nắm kỹ thuật nuôi cá, chỉ học hỏi kinh nghiệm của những người nuôi trước, đến khi dịch bệnh xảy ra toàn bộ diện tích trên 5.000 m2 với khoảng 5 triệu con cá bột của gia đình bị chết, lỗ vốn hơn 200 triệu đồng.”
Do thua lỗ, ông buộc phải lấp đất lại để trồng lúa. Ông Định cũng khuyên người dân xung quanh vùng không nên phát triển cá bột, bởi tại thời điểm hiện nay vì giá 1 tấn cá thành phẩm bằng 1 tấn thức ăn, đó là chưa tính đến tiền thuốc, tiền công chăm sóc. Nếu tính ra, người nuôi lỗ chắc 100%.
Trường hợp của anh Hồ Văn Bế, ấp Trung, xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh đang lâm vào cảnh bi đát vì cá đã quá thời gian bán, nhưng vẫn còn nằm trong ao. Hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, ruộng lại ít, thấy bà con nuôi cá cho hiệu quả cao, anh mới lên ao nuôi. Sau 1 - 2 lần đầu nuôi, anh cũng thu nhập cao hơn so với trồng lúa gấp 2 lần. Thấy có lời, đầu năm 2019, anh Bế thả nuôi cá trên diện tích 4.500 m2, với khoảng 6 triệu con cá giống. Tuy nhiên, đến nay đã quá thời gian bán cá hơn 4 tháng, anh vẫn không bán được do giá rẻ, thương lái không mua.
Anh Bế cho biết, giá cả hiện chỉ 18.000 đồng/kg, chưa được 1 kg thức ăn, tính ra anh lỗ khoảng 150 triệu đồng. Đó là chưa tính tiền thuốc, các khoản chi phí khác (trong khi giá thành nếu cá bán được giá 30.000 đồng/kg, anh chỉ mới đủ hòa vốn).
“Hiện tôi đang chờ thương lái đến thu mua cá, vì bình quân cứ mỗi tháng cá chưa bán được, tôi mất thêm 15 triệu đồng tiền thức ăn. Tôi bây giờ vô cùng khó khăn do vừa lỗ tiền nuôi cá lại vừa chịu tiền nợ ngân hàng”, anh Hồ Văn Bế than vãn.
Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh Nguyễn Tấn Tài cho biết, hiện những hộ nuôi cá tại xã có 2 chiều hướng: lấp ao để làm lúa lại và lấp để cải tạo, trồng cây ăn quả. Toàn xã có 250 ha nuôi cá, người dân đã lấp hơn 30 ha ao và việc lấp ao này đang có chiều hướng tăng lên.
Trước tình hình này, lãnh đạo UBND xã khuyến cáo người dân hãy bình tĩnh, chuyển nuôi cá tra bột sang nuôi những thủy sản khác như mô hình nuôi cá trê, ếch, cá lóc, hoặc trồng cây ăn quả có lợi nhuận cao hơn. Còn lấp ao trở lại làm ruộng, lãnh đạo xã cũng không khuyến cáo vì khi lấp xuống, tầng đất phá vỡ gây khó khăn trong thu hoạch sắp tới.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, diện tích nuôi cá tra giống trên khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh khoảng 3.500 ha; trong đó, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Tân Hưng và Tân Thạnh. Từ đầu năm đến nay, giá cá tra giống liên tục giảm và người nuôi lỗ vốn. Nguyên nhân do hầu hết các hộ nông dân thiết kế ao nuôi chưa đúng kỹ thuật, nhất là không có hệ thống ao lắng để lọc nước đầu vào và ao xả thải, gây ô nhiễm môi trường; nuôi không theo khu tập trung gây khó khăn trong việc quản lý kiểm soát dịch bệnh. Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến không thuận lợi tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển như vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng làm cho hiệu quả nuôi không ổn định.
Ngoài ra, chất lượng con giống không đảm bảo, cá bột do các cơ sở sản xuất bột cá tra hoặc các trại sản xuất tích cực ép cá bố mẹ để lấy bột bán cho người dân mà không chú ý đến chất lượng cá bố mẹ. Điều này dẫn đến tỉ lệ cá sống không cao, hoặc cá bột bị thoái hóa như cá không kỳ, có một kỳ trên nên thương lái không mua.
Trước thực trạng này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp nuôi cá tra thương phẩm trên địa bàn tỉnh để bàn về giải pháp liên kết tiêu thụ. Các doanh nghiệp thống nhất lên kế hoạch sẽ thả các giống vào thời điểm phù hợp, số lượng thả để các huyện chủ động và họ yêu cầu xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã.
Đặc biệt, cá tra là mặt hàng xuất khẩu do đó phải kiểm soát thật tốt nguồn kháng sinh, vật tư đầu vào phục vụ chăn nuôi để đảm bảo không dự lượng kháng sinh trong quá trình nuôi.
Hiện các Công ty Vĩnh Hoàn, Công ty Vạn Đức và Công ty Đại Thành đã có kế hoạch liên kết với các hộ dân trên địa bàn huyện Tân Hưng, Tân Thạnh, Kiến Tường. Tuy nhiên diện tích này không nhiều, phần còn lại vẫn tiêu thụ cho các tỉnh có vùng nuôi truyền thống là An Giang, Đồng Tháp.
Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, cho hay, do diện tích phát triển quá nhanh, dẫn đến con giống không đảm bảo chất lượng theo yêu cầu. Vì vậy, ngành nông nghiệp cũng đề nghị các địa phương quản lý việc nuôi, trong đó không để phát triển diện tích đào ao ồ ạt. Khuyến cáo nông dân không được nuôi tự phát, phải nuôi theo quy hoạch, nuôi theo chuỗi liên kết doanh nghiệp, hộ nông dân và có tư vấn kỹ thuật nuôi của các nhà khoa học.
“Bài học tự phát dẫn đến nuôi thua lỗ đã thấy trước mắt và một số hộ dân trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu lấp ao nuôi hoặc chuyển sang nuôi đối tượng khác. Đây cũng là bài học cho việc phát triển quá nóng, không tuân theo sự khuyến cáo của cơ quan chuyên môn”, bà Đinh Thị Phương Khanh cho biết thêm.