Điêu đứng vì tôm hùm chết hàng loạt
Từ đầu tháng 2 đến nay, dịch bệnh trên tôm hùm bùng phát tại Nam Trung bộ, nhất là hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa khiến người dân điêu đứng. Trong đó, thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) và xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) là hai địa phương nặng nhất. Theo Cục Thú y, dịch bệnh đã làm chết gần 365 nghìn con, thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Tôm hùm chết hàng loạt (Ảnh minh họa)
Có hộ thiệt hại tới 30 tỷ
Theo ông Nguyễn Khắc Dũng, một người nuôi tôm tại Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), năm ngoái thấy tôm hùm được giá từ 800 nghìn đến 1,5 triệu đồng/kg, có khi 2,3 - 2,5 triệu/kg, gia đình ông dốc hết vốn, đồng thời vay ngân hàng 150 triệu đồng để thả 4.000 con tôm giống. Đến thời điểm này, số tôm của gia đình đã chết hơn 2.000 con, trọng lượng từ 0,7 - 0,9kg/con và chưa có dấu hiệu dừng lại. Ước thiệt hại gần tỷ đồng. Ở Phú Yên, ông Nguyễn Điền, thôn Xuân Tự, thị xã Sông Cầu cho biết, mặc dù gia đình ông tuân thủ đúng mọi khuyến cáo của ngành thủy sản nhưng tôm vẫn chết gần 3.000 con, thiệt hại khoảng 30 tỷ đồng.
Ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu khẳng định, vùng tôm hùm chết nặng nhất ở xã Xuân Thịnh, tỷ lệ tôm chết từ 50 - 70%. Vụ nuôi thủy sản năm nay, xã có khoảng 8.700 lồng, với gần 610.000 con tôm hùm thương phẩm, tập trung ở ba thôn Phú Dương, Vịnh Hòa và Từ Nham.
Đi tìm nguyên nhân
Nguyên nhân trực tiếp gây tôm hùm chết, theo Chi cục Thú y Khánh Hòa, Phú Yên là bệnh sữa do vi khuẩn ký sinh nội bào lúc đầu chiếm 80% tỷ lệ chết ở tôm, bệnh đen mang và long đầu do nấm. Còn bệnh đỏ thân là do một loài virus gây ra, bệnh này ngày càng lan nhanh, đến nay chiếm 40%.
Theo ông Nguyễn Huy Điền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản kiêm Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản, vùng nuôi tôm hùm Nam Trung bộ, người nuôi không tuân thủ quy định, nuôi quá dày nên làm tăng nhanh độ ô nhiễm vùng, bệnh xuất hiện nhiều. Theo quy định, 1 ha mặt nước chỉ có 30-60 lồng, trong khi ở các địa phương xuất hiện bệnh, mật độ lên đến 75 lồng/ha. Ngoài ra, ở Phú Yên, mật độ tôm nuôi quy định chỉ 50 con/lồng, nhưng ở đây nuôi với mật độ cao hơn 2-4 lần.
Theo quan trắc của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III, khu vực xảy ra bệnh bị ô nhiễm trầm tích, ô nhiễm dinh dưỡng tạo điều kiện để các ổ bệnh phát triển. Nguyên nhân có thể do thức ăn thừa và chất thải của tôm gây ra.
Phác đồ điều trị vô hiệu
Tôm hùm nuôi chết hàng loạt là do bị bệnh sữa, đen mang, long đầu, đỏ thân… đây là những loại bệnh thường gặp trên tôm hùm. Song, việc điều trị theo các phác đồ cũ vẫn chưa thống nhất, thiếu sức thuyết phục, thiếu hiệu quả và vì vậy, nông dân không tin tưởng, nhiều người đang mày mò thử nghiệm việc điều trị.
Ngành chức năng đã khuyến cáo bà con sử dụng phác đồ điều trị của Bộ NN&PTNN, nhưng người dân không tin dùng, mà lạm dụng thuốc Enrofloxacine nằm trong danh mục cấm của Bộ.
Tuy nhiên, theo ông Đào Văn Lương, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vạn Ninh, phác đồ điều trị của Bộ không trị khỏi bệnh một cách triệt để, vì khi dùng Doxicycline, Oxy Tetracycline tôm ngừng chết, nhưng sau 2 tuần đến 1 tháng, bệnh lại tái phát mạnh. Còn phương pháp đưa tôm lên khỏi mặt nước để tiêm chích thì hoàn toàn không phù hợp, vì ảnh hưởng đến chất lượng tôm. Và dù tôm có sống cũng không thể bán giá cao, vì thế người dân không dùng cách này.
Nhanh chóng tìm phác đồ mới
Ngày 23/3, đã diễn ra Hội nghị Phòng chống dịch bệnh trên tôm hùm do Bộ NN&PTNN tổ chức tại Nha Trang (Khánh Hòa), nhằm đối phó với bệnh dịch năm nay (ảnh).
Theo ông Hoàng Văn Năm, Q. Cục trưởng Cục Thú y, để điều trị bệnh sữa, Cục đã đề xuất phác đồ khác với cách thức treo thuốc khử trùng Chlorien Dioxide bằng thuốc viên và sử dụng kháng sinh, thuốc bổ trợ. Bước đầu hạn chế được việc tôm chết hàng loạt. Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III sau khi nghiên cứu cũng thử nghiệm một số phác đồ điều trị mới như trộn các kháng sinh đặc chủng cho tôm có dấu hiệu bị bệnh còn ăn được, tiêm thuốc đối với các con đã bỏ ăn. Các phác đồ này bước đầu mang lại hiệu quả nhất định.
Ngoài ra, các ngành thủy sản, thú y các tỉnh đề nghị Bộ đưa tôm hùm vào danh sách được hỗ trợ khi bị thiệt hại. Tiếp thu các ý kiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu đánh giá: Phác đồ điều trị của Bộ đưa ra từ năm 2008 đã không đạt hiệu quả tại thời điểm này, nguyên nhân chính là do chủng dịch bệnh phát triển phức tạp. Bộ sẽ chỉ đạo các viện nghiên cứu sớm tìm ra phác đồ điều trị mới và hiệu quả hơn.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu: Trước mắt, Bộ đề nghị các đơn vị quản lý thú y, thủy sản địa phương giám sát chặt chẽ vùng nuôi, báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh. Bộ cũng yêu cầu các địa phương báo cáo, thống kê tình hình thiệt hại cụ thể để kiến nghị lên Chính phủ, xây dựng chính sách hỗ trợ thiệt hại cho người nuôi tôm.