TIN THỦY SẢN

Điều kiện sản xuất, kinh doanh giống thủy sản

Tuệ Văn

Tại dự thảo Pháp lệnh Giống vật nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh giống thủy sản; điều kiện sản xuất, kinh doanh tinh, phôi, trứng giống và ấu trùng.

Theo dự thảo, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống thủy sản thương phẩm phải đáp ứng các điều kiện sau: Có ít nhất một nhân viên kỹ thuật có trình độ từ trung cấp nuôi trồng thủy sản trở lên hoặc có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ được đào tạo về nuôi trồng thuỷ sản do cơ quan chức năng cấp; có nơi cách ly theo dõi sức khoẻ giống thuỷ sản mới nhập về; cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật phù hợp với từng loài thủy sản và từng phẩm cấp giống, đáp ứng các điều kiện về an toàn sinh học và môi trường, vệ sinh thú y; có hồ sơ theo dõi lý lịch, nguồn gốc giống, hệ thống sổ sách ghi chép nhật ký sản xuất, kinh doanh; lưu trữ hồ sơ, sổ sách ghi chép trong thời gian 3 năm…

Tổ chức, cá nhân thực hiện sản xuất, kinh doanh giống thủy sản bố mẹ phải có ít nhất một nhân viên kỹ thuật có trình độ đại học chuyên ngành nuôi trồng thủy sản trở lên; có đàn giống thủy sản gốc, ông bà đảm bảo chất lượng.

Tổ chức, cá nhân thực hiện ương giống thủy sản phải có cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật phù hợp với từng loài thủy sản và từng phẩm cấp giống: Hệ thống bể, ao ương giống thủy sản; nguồn nước sạch và hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt; thiết bị, dụng cụ đảm bảo cho việc ương giống thủy sản; thực hiện ghi chép hồ sơ theo dõi trong quá trình ương giống thủy sản và thực hiện lưu giữ hồ sơ tối thiểu là 3 năm.

Điều kiện sản xuất, kinh doanh tinh, phôi, trứng giống và ấu trùng

Theo dự thảo, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tinh đực giống trâu, bò, lợn, dê, cừu, ngựa để thụ tinh nhân tạo và phôi phải đáp ứng các điều kiện sau đây: Chủ cơ sở phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp huyện những thông tin tên cơ sở, người đại diện, địa chỉ, quy mô đàn giống, số lượng mỗi loại giống…; đực giống đã được đăng ký với Ủy ban nhân dân huyện, có lý lịch rõ ràng, có hồ sơ theo dõi giống; đực giống, cái giống cho phôi phải có nguồn gốc từ các cơ sở nhân giống đã được kiểm tra năng suất cá thể, đã được kiểm dịch; có hoặc thuê nhân viên kỹ thuật đã được cấp bằng hoặc chứng chỉ đào tạo về kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, cấy truyền phôi do cơ quan chuyên môn cấp tỉnh cấp; trong thời gian khai thác tinh, đực giống phải được kiểm tra và ghi chép theo dõi các chỉ tiêu chất lượng; không được khai thác, sử dụng tinh của đực giống và trứng của cái giống trong khu vực đang có dịch bệnh theo quy định của pháp luật về thú y.

Hộ gia đình, cá nhân kinh doanh đực giống (trâu, bò, lợn, dê, cừu, ngựa) để phối giống trực tiếp phải đáp ứng các yêu cầu sau đây: Đực giống phải được hộ gia đình, cá nhân đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp huyện; đực giống phải được kiểm tra năng suất cá thể; đực giống phải có nguồn gốc rõ ràng, có hồ sơ theo dõi, đã được kiểm dịch thú y.

Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trứng giống và ấu trùng phải đáp ứng các yêu cầu sau đây: Chủ cơ sở phải đăng ký với Uỷ ban nhân dân cấp huyện những thông tin tên cơ sở, người đại diện, địa chỉ…; trứng giống, ấu trùng chỉ được khai thác từ giống vật nuôi thuần chủng, đàn giống cụ kỵ, đàn giống ông bà, đàn giống bố mẹ; có hoặc thuê nhân viên kỹ thuật đã được cấp bằng hoặc chứng chỉ đào tạo về kỹ thuật ấp trứng, công nghệ nhân giống; không được kinh doanh trứng giống và ấu trùng trong khu vực đang có dịch bệnh theo quy định của pháp luật về thú y.

Tuệ Văn Báo Chính Phủ, 12/04/2016