Dinh dưỡng tự nhiên cho tôm nhờ… rơm
Trong những năm gần đây, việc thay nước ao nuôi liên tục để loại bỏ amoniac và nitrit dẫn đến sự gia tăng đáng kể chất dinh dưỡng, sinh khối thực vật phù du, chất hữu cơ và chất rắn lơ lửng gây ra hiện tượng phú dưỡng nghiêm trọng và các điều kiện yếm khí khác trong môi trường nước.
Một số kỹ thuật mới và hiệu quả đã được áp dụng trong xử lý nước thải ví dụ như sử dụng màng lọc, tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, tắc nghẽn màng lọc nghiêm trọng là một vấn đề không thể tránh khỏi, cản trở hiệu quả lọc, tăng chi phí vận hành làm suy yếu ứng dụng của nó. Do đó, việc áp dụng các phương pháp tiếp cận thay thế mới hướng tới công nghệ bền vững và thân thiện với môi trường để tăng cường loại bỏ chất ô nhiễm nhằm đảm bảo chất lượng nước cho sản xuất cao hơn trong các hệ thống nuôi trồng thủy sản là cần thiết.
Công nghệ Bioflocs (BFT) là một kỹ thuật thân thiện với môi trường, trong đó các hạt sinh học được hình thành tự nhiên từ các hạt hữu cơ lơ lửng hoặc tập hợp các vi sinh vật bao gồm vi khuẩn có lợi, nấm, tảo, động vật phù du và động vật nguyên sinh được tổ chức lại với nhau để cải thiện chất lượng nước, xử lý chất thải và phòng chống dịch bệnh trong các hệ thống nuôi trồng thủy sản thâm canh.
Nguyên tắc cơ bản của công nghệ Bioflocs là tạo ra chu trình nitơ trong hệ thống nuôi trồng thủy sản bằng cách tăng cường sự phát triển của vi khuẩn dị dưỡng. Quần thể vi khuẩn này chuyển đổi các chất nitơ vô cơ thành các chất hữu cơ sinh học có thể sử dụng được. Ngoài ra, cần nhiều thời gian hơn để xây dựng một hệ thống sinh học với hiệu quả loại bỏ chất dinh dưỡng ổn định, vì vậy, công nghệ Bioflocs đôi khi phải đối mặt với các rào cản kỹ thuật đối với việc ứng dụng trong thực tiễn.
Rơm ủ (rơm rạ, lúa mạch hoặc lúa mì) là thức ăn chăn nuôi thân thiện với môi trường có chức năng như một nguồn carbon (cellulose, hemicelluloses, lignin) và chất nền cho vi sinh vật. Tuy nhiên, hiện nay không có nhiều thông tin về ứng dụng sự hình thành vật liệu sinh học dựa trên rơm rạ trong nuôi tôm. Nghiên cứu này nhằm mục đích khám phá tính khả thi khi ứng dụng công nghệ nuôi tôm sinh học (bioflocs) trên giá thể rơm rạ với kích thước lần lượt là 40 μm, 80 μm và 120 μm trong vòng 30 ngày. Chất lượng tôm được xác định bằng cách đo chiều dài, trọng lượng, tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ sống, tỷ lệ chuyển đổi thức ăn đồng thời tiến hành đánh giá các chỉ tiêu chất lượng môi trường nước và sự hình thành vật liệu sinh học.
Mỗi năm Việt Nam đốt lãng phí trên 20 triệu tấn rơm rạ, chiếm khoảng 60%. Việc làm này không chỉ lãng phí mà còn gây ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính, cản trở giao thông…
Kết quả phân tích cho thấy tỷ lệ sống của tôm đều đạt trên 90% trong các nghiệm thức. Tỷ lệ sống thấp nhất và cao nhất được quan sát thấy ở nhóm đối chứng và 40 μm lần lượt là 83% và 93%. Bên cạnh đó, việc sử dụng giá thể rơm đã kích thích tôm tăng trưởng đáng kể so với nhóm đối chứng đồng thời thúc đẩy quá trình loại bỏ amoni (71,60%) và nitrit (77,78%) đạt kết quả tốt nhất khi rơm có kích thước 40 μm. Hơn nữa, tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR) đã được cải thiện đạt 0,68 so với đối chứng là 2,28. Ngoài ra, giá thể rơm còn giúp nâng cao thành phần và sự đa dạng của quần thể vi sinh vật.
Trong các hệ thống sinh học, kích thước hạt hữu cơ ở trạng thái ổn định là cần thiết vì chất lượng thức ăn cho các loài nuôi trồng thủy sản khác nhau phụ thuộc một phần vào kích thước. Ở cùng trọng lượng, kích thước nhỏ hơn của chất nền luôn có tỷ lệ thể tích bề mặt cao hơn và có thể cung cấp diện tích bề mặt rộng hơn để vi khuẩn bám vào. Trong nghiên cứu này, nồng độ biofloc giảm khi kích thước rơm tăng lên. Những khác biệt này có thể là do tôm và ảnh hưởng dòng chảy từ sục khí. Tôm có thể tiêu thụ giá thể rơm kích thước nhỏ, trong khi dòng chảy có thể ngăn chặn sự hình thành màng sinh học của cộng đồng vi sinh vật cũng như kích thích hoạt động của vi sinh vật để phân hủy rơm rạ.
Nhìn chung, nghiên cứu này cho thấy tiềm năng của việc sử dụng giá thể rơm rạ trong các hệ thống nuôi trồng thủy sản như một chất bổ sung dinh dưỡng tự nhiên để tăng cường sự phát triển của tôm, kiểm soát chất lượng nước, nâng cao năng suất tăng trưởng và tỷ lệ sống.