Đìu hiu làng cá bè La Ngà
Từng là một trong những làng nghề đem lại thu nhập cao, ví như “làng tỷ phú” vì điều kiện tự nhiên thuận lợi nhưng vài tháng qua, làng nuôi cá bè La Ngà (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) đang trở nên hoang vắng, đìu hiu. Nhiều hộ dân đã phải bỏ lồng bè, bỏ nhà cửa đi trốn nợ vì nghề nuôi cá bỗng chốc khó khăn, thua lỗ triền miên sau nhiều lần cá chết.
Làng nghề nuôi cá bè trên sông La Ngà thuộc địa phận hai xã La Ngà và Quý Ngọc, nơi tập trung hàng trăm hộ dân làm nghề nuôi cá ở khu vực giáp với hồ thuỷ điện Trị An. Trong hai năm trở lại đây, người nuôi cá trên sông đã gánh chịu nhiều đợt cá chết, trong đó có hai đợt với quy mô lớn, thiệt hại tổng giá trị hàng ngàn tỷ đồng. Điều đáng nói, nguyên nhân của tình trạng cá chết đến nay vẫn chưa thực sự làm người dân cảm thấy an tâm, bởi theo công bố của cơ quan chức năng, do mưa lớn, môi trường tự nhiên nước biến đổi. Tuy nhiên, hầu hết người nuôi cá lại cho rằng do ô nhiễm môi trường bởi các nhà máy, xí nghiệp phía trên xả thải ra.
Cụ thể, nhiều doanh nghiệp lợi dụng các đợt mưa lớn kéo dài và thời điểm đêm tối đã xả thải ra môi trường khiến cho người nuôi không kịp trở tay và cơ quan chức năng cũng khó bắt quả tang vì mưa cuốn trôi đi. Đó là lý do nhiều người tỏ ra e ngại khi tiếp tục thả nuôi cá bè bởi không ai cam kết tình trạng này sẽ không tiếp diễn.
Trong khi đó, nhằm tiếp tục mưu sinh bằng nghề nuôi cá lồng bè, anh Nguyễn Văn Trí 34 tuổi, một hộ dân ở xã La Ngà cho biết anh phải di chuyển lồng bè ngược lên hồ Trị An. Tuy nhiên, ở khu vực hồ Trị An, việc nuôi thuỷ sản lồng bè bị cơ quan chức năng giới hạn hơn rất nhiều. Hiện nay khu vực hồ Trị An chỉ được quy hoạch một vùng khá nhỏ để cho người dân ven bờ nuôi thuỷ sản. Mục đích của việc này nhằm giúp cho môi trường nước trong hồ được giữ ổn định, không bị ô nhiễm cũng như công tác bảo tồn cảnh quan hồ, rừng ven hồ được đảm bảo. Ngoài là công trình thuỷ điện, hồ Trị An còn là nơi điều tiết, cung cấp nước sinh hoạt cho hàng chục triệu người dân phía hạ nguồn ở thành phố Biên Hoà và TP HCM. Do nghề nuôi cá lòng hồ mang lại nguồn lợi ổn định nên hiện tại, số lượng người dân ở các xã ven hồ Trị An tham gia nuôi cũng rất đông, vì thế, không dễ để những người dân nơi khác ở dưới sông La Ngà di cư lồng bè lên hồ. Nếu muốn, người dân phải thuê lại các lồng bè khác, chi phí sẽ tăng cao hơn.
Đi dọc sông La Ngà đoạn từ cầu ở tuyến quốc lộ 20 trở xuống, chúng tôi dễ dàng thấy nhiều lồng bè nuôi cá của người dân La Ngà đang bị bỏ hoang, vì nỗi ám ảnh cá chết vẫn đeo bám người dân. “Ở La Ngà, người dân chủ yếu nuôi chép, lăng, bống tượng… là những loài cá thương phẩm có giá trị kinh tế cao, nhất là cá lăng. Đến thời điểm thu hoạch, mỗi lồng bè cá lăng có giá trị kinh tế lớn. Nhiều người dân đầu tư hàng chục lồng nuôi cá. Vì thế, nếu cá mà chết thì người dân cũng tổn thất rất nhiều. Dù các đợt cá chết đều được hỗ trợ nhưng không thấm tháp gì so với số tài sản mà người dân bị thiệt hại” - ông Nguyễn Văn Danh, 52 tuổi, một hộ nuôi cá khác ở đây chia sẻ.
Cũng theo ông Danh, do gia đình ông không biết làm gì sinh sống và trả nợ hơn bốn trăm triệu ở ngân hàng sau 2 năm cá chết liên tiếp nên đành tiếp tục thả nuôi. “Rút kinh nghiệm mấy lần trước, đợt này tôi chỉ thả cá diêu hồng, rô phi là những loại cá ngắn ngày, có giá trị kinh tế thấp chứ không thả cá lăng như trước. Cá diêu hồng chỉ khoảng 70-80 ngày là đạt trọng lượng từ 0,4 đến 0,6 ký mỗi con, bắt đầu bán cho các cơ sở nấu ăn công nghiệp phục vụ công nhân được, tuy hiệu quả kinh tế không cao nhưng nhanh thu hồi, quay vòng vốn. Ngoài ra, mình cũng phải chuẩn bị kỹ, mua thêm nhiều thùng nhựa cỡ lớn để chuẩn bị, đề phòng. Khi điều kiện bất lợi, có thể lập tức di cư đàn cá lồng lên những thùng dung tích lớn này để duy trì đàn cá trong khoảng 2-3 ngày, tránh sự cố chết hàng loạt. Hiện nay, dù nuôi bè nhưng ngư dân ở đây đều phải sử dụng thêm các bể nhân tạo để dự phòng” - ông Danh chia sẻ thêm.
Theo cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai, tình trạng cá chết trên sông La Ngà mấy năm qua đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống kinh tế, an ninh trật tự trên địa bàn. Để đảm bảo sinh kế của người dân, tỉnh đã kết hợp với huyện Định Quán lập quy hoạch khu vực mặt nước để giúp người dân tiếp tục duy trì nghề nuôi cá bè. Ngoài các lồng bè ven sông, các lồng bè ven hồ Trị An, những địa điểm có sự khảo sát sẽ được quy hoạch, tính toán khoa học nhằm tránh được các nguy cơ ô nhiễm môi trường. Bởi nhiều năm qua, nghề nuôi cá bè, nhất là cá lăng đã trở thành “thương hiệu” của người dân vùng sông La Ngà và hồ Trị An, cung cấp cho nhiều tỉnh thành trong khu vực.