TIN THỦY SẢN

Doanh nghiệp chế biến thủy sản tại Thanh Hóa ‘đói’ nguyên liệu

Sĩ Chức

Tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào đã và đang gây thiệt hại nặng nề cho nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và chế biến thủy sản ở huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa).

Tại Công ty cổ phần Sông Việt (gần khu vực cảng cá Lạch Bạng), một khung cảnh vắng lặng đìu hiu bao trùm lên nhà máy từng chế biến 20 tấn bột cá mỗi ngày. Đại diện công ty này cho biết, từ đầu năm 2015 đến nay, nguyên liệu đầu vào thiếu hụt. Thời điểm hiện tại, nhà máy chỉ thu mua được trung bình từ 2 đến 3 tấn cá tươi/ngày, khiến hệ thống máy móc và dây chuyền sản xuất phải thường xuyên ngừng hoạt động. Những hôm có nguyên liệu, nhà máy cũng chỉ hoạt động được khoảng 10% công suất.

Thực trạng trên đang khiến Công ty lâm cảnh khó khăn chưa từng thấy, kéo theo hàng loạt hệ lụy. Đầu tiên là việc làm của 50 công nhân bị gián đoạn, thu nhập đang từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng, giảm chỉ còn hơn 1 triệu đồng/người/tháng. Vị đại diện doanh nghiệp này than thở, hoạt động cầm chừng, không đủ đơn hàng cho khách khiến doanh thu của Công ty giảm mạnh, nếu tình trạng này cứ tiếp tục kéo dài thì tương lai của doanh nghiệp chưa biết sẽ như thế nào.

Tình cảnh tương tự cũng diễn ra tại Công ty cổ phần Thương mại, Vận tải và Chế biến hải sản Long Hải – doanh nghiệp sản xuất chế biển thủy hải sản lớn nhất trên địa bàn, với các sản phẩm chủ đạo là chả cá, bột cá, cá phi lê xuất khẩu. Công ty này đang vận hành hai nhà máy chế biến chả cá Sausujirmi để xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc với nhu cầu về nguồn nguyên liệu đầu vào khoảng hơn 45 tấn cá/ngày.

Trong những năm qua, để đảm bảo sản xuất, phía Công ty Long Hải đã hỗ trợ cho ngư dân vay đầu tư đóng 85 tàu trọng tải 120 CV trở lên, với tổng số tiền khoảng 25,5 tỷ đồng. Cùng với đó, Công ty đầu tư 8 tàu khoảng 400 CV có chi phí hơn 22 tỷ đồng để thực hiện công tác hậu cần nghề cá và thu gom cá của ngư dân ngay trên biển. Tuy nhiên, bước sang năm 2015, doanh nghiệp này cũng hoạt động cầm chừng do thiếu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phạm Thanh Tùng, Phó giám đốc Công ty cho biết, trong thời gian cao điểm, số lượng lao động tại nhà máy khoảng 700 người, nhưng hiện chỉ có khoảng 400 lao động. Sản lượng thu mua nguyên liệu đầu vào tại thời điểm hiện nay chưa bằng 1/2 so với cùng kỳ năm 2014.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp huyện Tĩnh Gia, tổng sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản trong giai đoạn 2010 - 2015 bình quân trên địa bàn huyện đạt 30.000 tấn/năm. Trong đó, sản lượng khai thác là chủ yếu, bình quân mỗi năm khai thác được 27.800 tấn, (chiếm 93%). Trên địa bàn huyện Tĩnh Gia hiện có 46 doanh nghiệp, 450 cơ sở chế biến thủy sản… Trong số đó có nhiều nhà máy, công ty chế biến thủy sản với công suất lớn như: Công ty TNHH Long Hải, Công ty cổ phần Chế biến thủy sản Thanh Hoa, Công ty TNHH Đại Hải, Nhà máy sản xuất nước mắm Thanh Hương, Công ty TNHH Sông Việt…

Sản phẩm của nhiều doanh nghiệp đã đạt các tiêu chuẩn khắt khe nhất để có thể xuất khẩu vào thị trường EU, Hoa Kỳ. Nhiều loại hàng hóa hải sản chất lượng cao như sứa khô, chả cá, cá hấp, mực khô lột da… được xuất khẩu với tổng giá trị khoảng 15 triệu USD mỗi năm. Nhiều mặt hàng hải sản thành phẩm khác, trong đó có nước mắm Do Xuyên - Ba Làng được đăng ký sở hữu nhãn hiệu hàng hóa… Tổng nhu cầu hải sản đầu vào mỗi năm của các doanh nghiệp, cơ sở chế biến khoảng 200.000 tấn.

Trong khi đó, đến thời điểm hiện tại, toàn huyện Tĩnh Gia có hơn 100 tàu thuyền chuyên thu mua hải sản trên biển về nhập cho các doanh nghiệp và cơ sở chế biến. Sản lượng thu mua của các phương tiện hậu cần này mỗi năm cũng chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu.

Rõ ràng, nguồn cung nguyên liệu đầu vào và năng lực chế biến của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Tĩnh Gia đang mất cân đối trầm trọng. Điều này sẽ dẫn đến một trong những hệ lụy tất yếu là các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất phải cạnh tranh với nhau để có được nguyên liệu phục vụ sản xuất. Và trong cuộc cạnh tranh này, tất cả đều thua.

Sĩ Chức Báo Đầu Tư/Tin nhanh chứng khoán, 22/10/2015