Doanh nghiệp đối mặt với thiếu nguyên liệu vì hạn, mặn
Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài đã tác động trực tiếp đến sản lượng, chất lượng nhiều loại nông sản. Nhiều doanh nghiệp (DN) đang gặp khó với bài toán thiếu nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất.
Năng suất giảm
Những ngày tháng 5 tại các tỉnh khu vực Nam Bộ, Tây Nguyên cái nắng vẫn như thiêu như đốt trên khắp các cánh đồng, vườn tược. Cây lá héo hon vì thiếu nước, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. Vụ sản xuất điều dù đang vào vụ thu hoạch nhưng do nắng hạn kéo dài làm năng suất giảm mạnh so với những vụ trước. Tại tỉnh Bình Phước, nơi được xem như thủ phủ của cây điều, hiện cây điều đang vào mùa thu hoạch nhưng dự báo năng suất sẽ giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2015. Khảo sát sơ bộ của Hiệp hội Điều Việt Nam cho thấy, sản lượng điều thu hoạch trong năm nay sẽ giảm từ 20 - 30% so với vụ trước.
Hạn hán, xâm nhập mặn cũng đang ảnh hưởng trực tiếp đến việc nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là con tôm. Tỉnh Bạc Liêu có diện tích nuôi tôm hơn 124.000 ha, nhưng đến nay diện tích thả giống ở các mô hình nuôi thâm canh, bán thâm canh và nuôi công nghiệp chỉ đạt khoảng 20% kế hoạch. Còn tại Cà Mau, tổng sản lượng tôm 3 tháng đầu năm 2016 cũng chỉ hơn 85% so với cùng kỳ. Riêng tỉnh Tiền Giang, theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, diện tích nuôi tôm nước lợ toàn tỉnh chỉ mới thả nuôi hơn 2.169 ha đạt khoảng 50%. Riêng diện tích thả nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh chỉ chiếm hơn 17% tổng diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh của toàn tỉnh.
"Dù giá tôm đang cao ngất ngưởng cho lợi nhuận cao nhưng rất nhiều nhà nông đang ngại ngần không dám mạo hiểm mở rộng diện tích nuôi trồng. Nguyên nhân do khô hạn, xâm nhập mặn đã khiến không ít người nuôi e ngại, không dám xuống giống vì lo lắng ở độ mặn này con tôm không thể phát triển được", ông Ngô Thanh Lĩnh, Tổng Thư ký Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cà Mau nhận định.
Bắt đầu bước vào cao điểm vụ thu hoạch trái cây nhưng nhà vườn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng đang "rối bời" vì lo lắng cho tương lai các vườn cây ăn trái. Hầu hết nguồn nước tưới đều dựa vào các con sông, kênh rạch, bơm phun trực tiếp lên cây nhưng do nước bị nhiễm mặn đã dẫn đến hậu quả trái, hoa, lá bị rụi hoặc còi cọc, chậm phát triển. Tại tỉnh Tiền Giang giá các loại trái cây phục vụ cho xuất khẩu như thanh long ruột đỏ, sầu riêng... đang tăng chóng mặt nhưng vẫn không đủ cung ứng thị trường. Cụ thể giá thanh long tăng gần gấp đôi so với tháng trước, giá sầu riêng cũng tăng thêm từ 15.000 - 20.000 đồng/kg...
Sản xuất cầm chừng
Ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết, do thiếu nguyên liệu sản xuất đã đẩy nhiều nhà máy của ngành chỉ hoạt động khoảng 50% công suất. Tại nhiều DN như Công ty CP Xuất khẩu nông sản Ninh Thuận do thiếu nguyên liệu, năng lực dây chuyền sản xuất của DN đạt 60 tấn/ngày nhưng hiện chỉ sản xuất cầm cự khoảng 25 tấn/ngày. Ngoài ra do lo ngại thiếu nguyên liệu chế biến, các DN đã tranh nhau thu mua đã đẩy giá điều trong nước từ đầu năm đến nay tăng liên tục, trong khi giá xuất khẩu vẫn dậm chân tại chỗ đang gây nhiều khó khăn cho DN.
Tương tự, các nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản cũng đang lo ngay ngáy vì không "đào" đâu ra nguyên liệu chế biến cho các hợp đồng đã ký kết. Ngành thủy sản cũng đang "thiệt đơn thiệt kép" vì hạn hán, xâm nhập mặn. "Hiện các nhà máy chế biến thủy sản, đặc biệt là tôm đang trong tình trạng thiếu nguyên liệu, cao điểm chỉ đủ đáp ứng khoảng 30% công suất chế biến. Nguồn tôm nguyên liệu, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng đã giảm khoảng 30% so với cùng kỳ và con số trên sẽ còn tăng do diện tích gieo thả mới đang giảm bởi nhà nông lo ngại những bất thường về thời tiết", ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho biết.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc thiếu nguyên liệu sản xuất dẫn đến hoạt động cầm chừng đang đặt ra vấn đề mang tính sống còn của các DN; đòi hỏi phải xây dựng được quy trình cung ứng nguyên liệu thành một chuỗi sản xuất từ khâu nuôi trồng đến sản xuất. DN và nhà nông phải có sự liên kết chặt chẽ với nhau nhằm giảm tối đa các thiệt hại. DN chế biến cần gia tăng chuỗi giá trị cho hàng hóa nông, thủy sản; chú trọng nghiên cứu, đầu tư cho chế biến sâu, giảm xuất khẩu thô, giá trị thấp.