Doanh nghiệp thủy sản bối rối: Đóng thuế 15% hay 20%?
Một số doanh nghiệp chế biến thủy sản bối rối vì không biết doanh nghiệp mình thuộc diện thuế thu nhập doanh nghiệp 15% hay 20%?
Thời gian vừa qua, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhận được phản ánh của một số doanh nghiệp về việc cơ quan thuế địa phương không áp dụng thống nhất mức thu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với sản phẩm thủy sản chế biến. Một số địa phương áp dụng thu 15% nhưng các địa phương khác lại thu mức 20%. Năm nay, khi thị trường thủy sản thế giới đang gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp không đạt được mức tăng trưởng như kế hoạch thì việc áp dụng mức 20% đối với sản phẩm thủy sản bản chất là hàng chế biến sẽ ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp.
Về vấn đề này, ngay từ tháng 4/2019, tại cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các Hiệp hội, doanh nghiệp ngành nông nghiệp tại Văn phòng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã báo cáo với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ. Tại cuộc họp này, ông Mai Tiến Dũng cũng đã yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì cùng Bộ Tài chính nghiên cứu và sớm có hướng giải quyết vướng mắc cho các doanh nghiệp thủy sản.
Sau đó, ngày 19/9/2019, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam tiếp tục gửi Công văn số 89/2019/CV-Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam tới Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến kiến nghị về ban hành danh mục sản phẩm chế biến liên quan đến thực hiện quy định ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp chế biến thủy sản.
Ngay từ đầu năm 2019, nhiều doanh nghiệp thủy sản phản ánh tới Văn phòng Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam về việc các doanh nghiệp này bị các cơ quan thuế áp mức thuế suất cho hàng thủy sản là sơ chế với mức thuế thu nhập doanh nghiệp 20% trong khi các mặt hàng đầu ra của các doanh nghiệp này đa số là các sản phẩm đã qua chế biến, được phép áp dụng mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp là 15% theo Khoản 5 Điều 11 và Khoản 1 Điều 6 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính.
Các doanh nghiệp cũng đã gửi văn bản phản ánh lên các Tỉnh và các Cơ quan quản lý Nhà nước ngành thuế. Tại công văn số 1981/BTC-TCT ngày 13/2/2018 của Tổng cục Thuế trả lời về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp gửi UBND tỉnh Kiên Giang. Tuy nhiên, công văn số 1981/BTC-TCT nói trên hay một số các văn bản hướng dẫn của ngành tài chính vẫn chưa có cơ sở vững chắc thế nào là sơ chế, và thế nào là chế biến, chưa giải thích được sản phẩm như thế nào sẽ được coi là “sản phẩm khác với nguyên liệu đầu vào”.
Trong khi đó, hiện nay hoạt động chế biến của doanh nghiệp thủy sản gồm 3 dạng: Chế biến từ sản phẩm tươi sống để xuất khẩu, chế biến từ sản phẩm tươi sống thành sản phẩm chín, chế biến từ nguyên liệu có pha trộn gia vị phụ liệu để ra hàng GTGT. Nhưng khi thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp chế biến thủy sản, các cơ quan quản lý nhà nước ngành thuế sẽ kiểm tra thu nhập của doanh nghiệp thuộc hoạt động chế biến hay hoạt động sơ chế, và với cả 3 dạng chế biến trên, các cơ quan quản lý nhà nước ngành thuế đều không công nhận là sản phẩm “chế biến” mà chỉ là ‘sơ chế” khiến tỷ lệ phải nộp thuế của các doanh nghiệp thủy sản hiện tại (bao gồm cả sản phẩm sản xuất xuất khẩu, tiêu thụ nội địa hay gia công) đều là 20% - không đúng với bản chất chế biến của ngành.
Mặt khác, đối với các sản phẩm hàng gia công, giá trị nguyên liệu (là của đối tác thuê gia công) cũng không được các cơ quan Quản lý Nhà nước tính vào giá thành sản xuất hàng hóa của doanh nghiệp nên sản phẩm cũng không đáp ứng được yêu cầu nêu tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư 96/2015/TT-BTC để được hưởng ưu đãi thuế.
Tại cuộc họp ngày 01/4/2019 của Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ Ngành với đại diện các Hiệp hội ngành nông nghiệp, đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết do các định nghĩa và phân loại về sản phẩm sơ chế và chế biến trong lĩnh vực chế biến thủy sản nói riêng và lĩnh vực chế biến thực phẩm nói chung vẫn còn chưa rõ ràng, đầy đủ cho công tác thực thi, dẫn tới khi áp thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp, Cục Thuế các địa phương thường áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp cao nhất.
Nhằm thực hiện tốt chủ trương khuyến khích phát triển nông-thủy sản của Nhà nước, giúp việc hiểu và áp dụng thống nhất qui định ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp giữa cơ quan Quản lý Nhà nước và doanh nghiệp, góp phần giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đề nghị Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chỉ đạo việc ban hành văn bản (mang tính pháp quy) để các mặt hàng/nhóm mặt hàng thủy sản của doanh nghiệp thuộc danh mục là hàng chế biến, thay vì hiện nay không có quy định rõ ràng nào nên khi Cục Thuế các địa phương xem xét đều đưa hết về sơ chế.
Đồng thời kiến nghị Bộ NN&PTNT có ý kiến bằng văn bản với Bộ Tài chính để Bộ Tài chính sớm xem xét có hướng dẫn cho phép cả 3 dạng hoạt động chế biến nói trên đều được xem là hoạt động chế biến của doanh nghiệp thủy sản và được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo Thông tư 96/2015/TT-BTC.
Mới đây, tại Hội thảo “Rà soát, đánh giá việc thực thi các văn bản về kiểm tra chuyên ngành, đề xuất hướng xử lý những khó khăn, vướng mắc” do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 31/12/2019 tại Hà Nội, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam lại tiếp tục báo cáo và kiến nghị Bộ khẩn trưởng rà soát và giải quyết khó khăn này cho doanh nghiệp thủy sản.
Trước sự áp dụng không thống nhất giữa cơ quan thuế các địa phương đã khiến cho nhiều doanh nghiệp cảm thấy thiếu công bằng, ảnh hưởng không tốt tới môi trường kinh doanh. Mặc dù đã được cơ quan thuế địa phương giải thích nhưng chưa thực sự thỏa đáng, mới đây, một số doanh nghiệp chế biến cá tra rất bối rối vì không biết doanh nghiệp mình thuộc diện đối tượng hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp 15% hay 20%?