TIN THỦY SẢN

Doanh nghiệp thủy sản không được hỗ trợ sau sự cố Formosa

Các doanh nghiệp chế biến hải sản miền Trung đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: TL Trúc Diễm

Dù thiệt hại nặng nề sau sự cố thảm họa môi trường tại bốn tỉnh miền Trung do Formosa gây ra nhưng cho tới nay, các doanh nghiệp thủy sản vẫn chưa nằm trong nhóm đối tượng được hỗ trợ đền bù thiệt hại.

Tại buổi họp báo thông tin về tình hình ngành nông nghiệp diễn ra hôm nay, 1-9, ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cho hay theo chỉ đạo của Chính phủ, các doanh nghiệp thủy sản chưa nằm trong danh sách hỗ trợ.

Cụ thể, ngày 29-8, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình có tổ chức họp với Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ. Sau đó, Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến kết luận của Phó thủ tướng về vấn đề bổ sung một số đối tượng thuộc nhóm được hỗ trợ, đền bù sau sự cố môi trường do Formosa gây ra. Ngoài ngư dân, trong nội dung thông báo có đồng ý bổ sung các đối tượng gián tiếp bị thiệt hại gồm chủ tàu, người lao động trên các tàu có công suất trên 90 CV; chủ cơ sở và người lao động làm thuê tại các cơ sở thu mua tạm trữ hải sản có kho đông lạnh; các cơ sở chế biến nước mắm, làm mắm tôm; và các cơ sở nuôi trồng thủy sản trong thời gian tạm dừng không nuôi trồng được.

Sau khi có thông báo, sắp tới Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục có hướng dẫn về kê khai thiệt hại đối với các đối tượng này.

Như vậy, cho tới nay, doanh nghiệp chế biến thủy sản vẫn không nằm trong nhóm đối tượng được đền bù thiệt hại sau sự cố môi trường nói trên.

Cũng theo Bộ NN&PTNT tổng hợp từ báo cáo của các địa phương, hiện nay lượng hải sản tồn kho tại các tỉnh từ Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị vào khoảng 3.900 tấn. Chính phủ đã giao cho Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các bộ liên quan như Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương và các địa phương tổ chức lấy mẫu xét nghiệm. Những mặt hàng thủy sản, hải sản an toàn sẽ tổ chức tiêu thụ bình thường, những lô hàng bị nhiễm độc tố sẽ tiêu hủy và chủ hàng được hưởng hỗ trợ 70% giá trị lô hàng bị tiêu hủy.

Trước đó, ngày 23-8, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) đã có công văn số 135/2016/CV-VASEP gửi Chính phủ, Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công Thương yêu cầu hỗ trợ doanh nghiệp chế biến thủy sản và ngư dân bốn tỉnh miền Trung.

Công văn này nêu rõ, từ tháng 4-2016, sự cố ô nhiễm môi trường khiến hải sản chết hàng loạt tại bốn tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng rất lớn và gây thiệt hại nặng nề đến mọi mặt kinh tế. Tính riêng với ngành thủy sản, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất thủy sản của ngư dân, doanh nghiệp nói riêng và thị trường xuất khẩu nói chung.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho hay các cơ quan Nhà nước, bên cạnh việc đánh giá những thiệt hại của ngư dân, thì cần đánh giá cả những thiệt hại mà các doanh nghiệp thủy sản đang phải gánh chịu. Ông Hòe khẳng định: “Doanh nghiệp hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn”.

Theo ông, nguồn nguyên liệu phục vụ cho hoạt động chế biến xuất khẩu của doanh nghiệp rất ít. Do không có nguyên liệu nên những hợp đồng doanh nghiệp đã ký không thực hiện được, còn công nhân thì không có việc làm. Trong khi đó, nhà nhập khẩu lại e ngại trong ký kết hợp đồng mới.

Trúc Diễm Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 01/09/2016