Độc canh con tôm: Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Hiện nay, nhiều nông dân ở vùng chuyển đổi huyện Vĩnh Lợi chuyển sang chuyên canh con tôm mà bỏ qua nhiều tiềm năng, thế mạnh sản xuất khác. Việc độc canh con tôm và bất chấp những khuyến cáo của ngành quản lý sẽ đẩy nông dân vào cảnh rủi ro, gây khó khăn cho công tác quản lý và phòng ngừa dịch bệnh.
Thời điểm này đang là mùa khô hạn và theo thường lệ thì đây không phải là vụ nuôi tôm chính vùng chuyển đổi ở huyện Vĩnh Lợi. Tuy nhiên, tại xã Hưng Thành của huyện, nhiều nông dân vẫn thả tôm để nuôi nghịch mùa.
Những năm gần đây, không ít nông dân ở vùng này chuyển sang độc canh con tôm thay vì sản xuất 1 vụ lúa - 1 vụ tôm hoặc kết hợp mô hình lúa - tôm như các vùng chuyển đổi khác trong tỉnh. Theo đó, con tôm được nuôi gần như quanh năm bất chấp những khuyến cáo của ngành chức năng. Nông dân Huỳnh Văn Thạnh (xã Hưng Thành) cho biết: “Trước đây cũng có người sản xuất theo mô hình lúa - tôm. Song, những năm gần đây, do mô hình này không hiệu quả nên bà con chuyển sang nuôi tôm. Có hộ nuôi quanh năm, cũng có người nuôi theo thời vụ. Nếu 1ha tôm nuôi suôn sẻ thì có thể lãi hơn 100 triệu đồng”. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thả tôm theo kiểu cầu may thì việc trúng tôm liên tục là rất khó. Đó là chưa kể đến việc nuôi tôm trái vụ còn làm ảnh hưởng đến môi trường nuôi của cả khu vực khi bà con xả thải nguồn nước ô nhiễm (do tôm chết).
Ở những vùng chuyển đổi của các huyện Phước Long, Hồng Dân, chúng ta dễ dàng nhận thấy tầm quan trọng của mô hình sản xuất kết hợp thay vì độc canh con tôm; trong đó, mô hình tôm - lúa - cá kết hợp với sản xuất rau màu là một điển hình. Ở xã Phước Long (huyện Phước Long), mỗi năm nông dân thu lãi hơn 100 triệu đồng/ha từ mô hình tôm - lúa - cá. Về cơ bản, mô hình này bền vững hơn so với độc canh con tôm, đồng thời giải quyết thời gian nông nhàn và giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận từ một đơn vị diện tích sản xuất.
Ông Trương Phước Hiền, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Long, nhận định: “Từ khi chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang sản xuất 1 vụ lúa - tôm kết hợp với nuôi tôm càng xanh, đời sống của nông dân trong huyện được nâng lên. Từ năm 2015 - 2016, vùng chuyển đổi của huyện đã mở rộng diện tích lúa - tôm từ 8.050ha lên 9.050ha. Dự kiến đến năm 2020 có thể mở rộng lên đến 15.000ha đất sản xuất lúa - tôm”.
So sánh giữa hai khu vực trên cho thấy, nông dân vùng chuyển đổi huyện Vĩnh Lợi cần hướng đến mô hình sản xuất đa cây - đa con và tránh độc canh con tôm. Ngành quản lý cần tổ chức lại sản xuất ở vùng này và khuyến khích nông dân áp dụng những mô hình sản xuất mới phù hợp với điều kiện đặc thù của từng khu vực. Qua đó khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh và chủ động ứng phó với quá trình biến đổi khí hậu.