TIN THỦY SẢN

Ðổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Thu hoạch cá tra xuất khẩu tại HTX thủy sản Thắng Lợi (Vĩnh Thạnh, Cần Thơ). Ảnh: LOAN DIỆP TẠ QUANG DŨNG

Sau 10 năm phát triển kinh tế tập thể (KTTT) theo Nghị quyết T.Ư 5 (khóa IX), KTTT mà nòng cốt là các hợp tác xã (HTX) kiểu mới, với nhiều hình thức, trình độ khác nhau trong các ngành, lĩnh vực, đã có bước phát triển quan trọng; đáp ứng nhu cầu của người lao động, hộ sản xuất, kinh doanh; đóng góp đáng kể vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tuy nhiên, KTTT hiện còn nhiều hạn chế, yếu kém cần được các cấp ủy đảng, các ban, ngành liên quan sớm có giải pháp khắc phục để KTTT tiếp tục phát triển, đảm nhiệm và phát huy tốt vai trò cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc trong nền kinh tế quốc dân.

Bài I

Hiệu quả và những hạn chế, yếu kém

Cả nước hiện có hơn 370 nghìn tổ hợp tác, hơn 19.500 HTX, 54 liên hiệp HTX hoạt động trên nhiều lĩnh vực, thu hút khoảng 13 triệu hộ xã viên và người lao động. KTTT có tác động quan trọng đến sự phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông nghiệp, nông thôn; có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, việc làm của những người có thu nhập thấp, nhất là đối với nông dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình phát triển, KTTT còn gặp khó khăn và nảy sinh nhiều vấn đề bất cập.

"Bà đỡ" của kinh tế hộ

Người dân xã Phong Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) luôn tự hào với truyền thống 50 năm hình thành và phát triển HTX Ðại Phong - nơi vinh dự được Bác Hồ trao tặng lá cờ đầu trong sản xuất nông nghiệp toàn miền bắc vào ngày 1-5-1962. Ngày ấy, "Gió Ðại Phong, sóng Duyên Hải" đã trở thành những HTX kiểu mẫu trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp ở miền bắc và là hậu phương vững chắc để toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân ta đánh thắng giặc Mỹ, thống nhất đất nước, tiến lên CNXH. Từ đó đến nay, HTX Ðại Phong vẫn là lá cờ đầu trong sản xuất nông nghiệp thời kỳ đổi mới.

Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Ðại Phong Nguyễn Văn Hoàng phấn khởi cho biết: Từ khi Ðảng ta thực hiện công cuộc đổi mới đã tạo động lực, sức mạnh làm chuyển biến nhận thức, hành động, phương thức và nội dung quản lý của HTX. Ðó là cần tổ chức lại sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, lấy hiệu quả kinh tế làm thước đo hoạt động của HTX. HTX cần đổi mới một cách toàn diện để trở thành "bà đỡ", là chỗ dựa tin cậy cho kinh tế hộ. Kế thừa và phát huy truyền thống, từ một HTX thuần nông, độc canh cây lúa, đến nay HTX dịch vụ nông nghiệp

Ðại Phong có bước phát triển mới. HTX có 912 hộ xã viên, với 405 ha đất sản xuất nông nghiệp; vốn lưu động tăng từ 1,8 tỷ đồng (năm 2004) lên 9,3 tỷ đồng (năm 2011); thu nhập bình quân đầu người đạt 18,5 triệu đồng/năm; hộ nghèo giảm từ 18% (năm 2008) xuống còn 5% (năm 2011); lợi nhuận đạt hơn 600 triệu đồng (năm 2011); hàng chục hộ phát triển ngành nghề dịch vụ với quy mô lớn, lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/năm; đạt 15 trong số 19 tiêu chí về nông thôn mới; tích cực chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho hộ xã viên...

Mặc dù mới thành lập, nhưng HTX Vạn Hưng, ở phường Thới Thuận (Thốt Nốt, Cần Thơ) đã đáp ứng nhu cầu hợp tác của 14 hộ xã viên có phương tiện vận tải và nhu cầu hợp đồng vận chuyển lúa gạo của các doanh nghiệp trên địa bàn. HTX không chỉ tạo việc làm và thu nhập cho các hộ xã viên mà còn thu hút 200 lao động thường xuyên. Trong hai năm 2010 và 2011, mỗi năm, HTX vận chuyển hơn 310 nghìn tấn hàng hóa, với doanh thu hơn 21 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 370 triệu đồng, thu nhập bình quân đạt hai triệu đồng/người/tháng. Chủ nhiệm HTX Vạn Hưng Nguyễn Công Văn cho rằng: HTX ra đời đã tập hợp nhiều chủ phương tiện nhỏ lẻ để họ hợp tác tham gia dịch vụ vận chuyển hàng hóa đường thủy trên địa bàn; góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương phát triển.

Không chỉ HTX dịch vụ nông nghiệp Ðại Phong (Quảng Bình) và HTX Vạn Hưng (Cần Thơ), cả nước còn có nhiều HTX hoạt động trên các lĩnh vực mới được thành lập, hoặc chuyển đổi theo Luật HTX năm 2003, hoạt động có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tự nguyện của các hộ xã viên có cùng chí hướng. Ðiển hình như các HTX: Song Long (Hà Nội), Chiến Công (Thái Nguyên), Nghĩa Hồng (Nam Ðịnh), Duy Sơn II (Quảng Nam), Ba Nhất (TP Hồ Chí Minh), Long Hưng (Ðồng Nai), Thới An (Cần Thơ)...

Cả nước hiện có hơn 370 nghìn tổ hợp tác, hơn 19.500 HTX, 54 liên hiệp HTX hoạt động trên nhiều lĩnh vực, thu hút khoảng 13 triệu hộ xã viên và người lao động; trong đó, có gần 10 nghìn HTX nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản; hơn 1.400 HTX thương mại dịch vụ; hơn 1.000 HTX giao thông vận tải; hơn 650 HTX xây dựng; hơn 3.100 HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; hơn 1.100 quỹ tín dụng nhân dân; hơn 1.600 HTX dịch vụ điện, nước; hơn 650 HTX thuộc các lĩnh vực khác. Trong 10 năm qua, cả nước đã giải thể gần 4.000 HTX kiểu cũ, chuyển đổi hơn 1.400 HTX kiểu cũ sang kiểu mới, thành lập hơn 9.650 HTX kiểu mới. Năm 2011, KTTT đóng góp 5,22% GDP của cả nước...

Theo đánh giá của Liên minh HTX Việt Nam, năm 2011, cả nước có 40,8% số HTX xếp loại khá, 42,8% HTX trung bình và 16,4% HTX yếu kém (chủ yếu là các HTX nông nghiệp). Khu vực KTTT tiếp tục phát triển, số tổ hợp tác tăng mạnh, hoạt động vì lợi ích kinh tế và xã hội của các thành viên, phù hợp điều kiện phát triển KTTT ở nhiều vùng. Các HTX cũ đã chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2003 và giải thể các HTX yếu kém. Số HTX thành lập mới nhiều hơn trước với các mô hình đa dạng. KTTT đã được củng cố một bước, nâng cao năng lực nội tại, tích luỹ vốn đầu tư phát triển và đáp ứng ngày càng cao nhu cầu, lợi ích của các xã viên, thành viên. Các mô hình hợp tác, liên kết giữa các HTX và giữa HTX với doanh nghiệp được đẩy mạnh.

Nhiều khó khăn, thách thức

Từ nhiều ngày nay, Chủ nhiệm HTX nuôi nghêu Thắng Lợi (TP Bạc Liêu, Bạc Liêu) đứng ngồi không yên với biết bao nỗi lo toan. HTX mang tên "Thắng Lợi", nhưng nhiều năm nay hoạt động thua lỗ, với bao gánh nặng về nợ nần và đời sống của xã viên. Tiếp chúng tôi tại trụ sở làm việc của HTX (phải ở nhờ nhà xã viên), Chủ nhiệm HTX Lâm Hoàng Tuấn cho biết: HTX có 1.791 hộ xã viên; trong đó có gần 600 hộ nghèo, 21 hộ thuộc diện chính sách, hơn 90% là đồng bào dân tộc thiểu số; được thành lập năm 2006, với tổng số vốn góp hơn 200 triệu đồng. Năm 2008, do không chủ động được con giống, phải mua nghêu giống kém chất lượng cho nên khi nuôi bị dịch bệnh, HTX thiệt hại ba tỷ đồng; năm 2009, thiệt hại bảy tỷ đồng; năm 2011, thiệt hại 10 tỷ đồng. Số vốn đầu tư này chủ yếu do HTX đi vay ngoài với lãi suất cao, phải thế chấp tài sản của xã viên. Do thua lỗ nhiều năm, HTX không chia lợi nhuận cho xã viên, nợ lương cán bộ quản lý HTX. Khó khăn lớn nhất của HTX hiện nay là nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất. Mặc dù Nghị quyết T.Ư 5 (khóa IX) có nêu: "HTX là một loại hình doanh nghiệp, được vay vốn bình đẳng như doanh nghiệp của các thành phần kinh tế khác; các tổ chức tín dụng tăng mức vay và tạo thuận lợi về thủ tục vay vốn đối với hộ và các tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX", nhưng thực tế HTX rất khó tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng vì không có tài sản thế chấp. HTX rất khó tự chủ trong sản xuất vì số lượng xã viên đông, chủ yếu là người nghèo, là những người yếu thế trong xã hội, hoạt động mang tính chất xã hội hơn kinh tế.

May mắn hơn HTX nuôi nghêu Thắng Lợi (Bạc Liêu), HTX dịch vụ nông nghiệp xã Lương Tài (Văn Lâm, Hưng Yên) được thừa hưởng cơ ngơi của HTX kiểu cũ trước đây bị giải thể để lại. Ðó là một ngôi nhà cấp bốn đã xuống cấp, nhưng cũng đủ để ban quản lý HTX làm việc. Trò chuyện với chúng tôi, Chủ nhiệm HTX Nguyễn Văn Minh ngán ngẩm: "Mang danh là HTX dịch vụ nông nghiệp nhưng hoạt động, nguồn thu chủ yếu của HTX lại ở khâu dịch vụ mua, bán điện nông thôn. Ðối với các dịch vụ bảo vệ thực vật, cung ứng vật tư nông nghiệp, bao tiêu nông sản thì hầu như HTX đứng ngoài cuộc". Trò chuyện với một số nông dân khác, họ cho rằng, vai trò của HTX đối với sản xuất nông nghiệp của địa phương khá mờ nhạt. Tất cả các dịch vụ đầu vào, đầu ra trong sản xuất chủ yếu người dân tự lo. Canh cánh với nỗi lo, trăn trở của bà con địa phương, Chủ nhiệm HTX Nguyễn Văn Minh cho rằng: Dù muốn làm nhiều điều lắm, nhưng lực bất tòng tâm. Khó nhất là thiếu vốn, chưa tự chủ sản xuất, hoạt động mang tính chất phục vụ là chủ yếu. Ðội ngũ cán bộ quản lý HTX chán nản, vì chế độ, chính sách chưa phù hợp. Chỉ còn vài năm nữa đến tuổi nghỉ, nhưng chắc tôi không đủ thời gian để hưởng chế độ, vì từ năm 2003 mới được tham gia đóng BHXH.

Qua làm việc với các đồng chí thường trực các tỉnh ủy, thành ủy, lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam và qua trao đổi với các chủ nhiệm HTX, hộ xã viên ở một số tỉnh, thành phố trên cả nước, chúng tôi được biết, phát triển KTTT hiện gặp nhiều khó khăn, thách thức. Ðó là số lượng HTX yếu kém giảm chậm, tỷ lệ HTX hoạt động có lãi tăng nhưng mức lãi thấp, không có khả năng tích lũy để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhiều HTX lúng túng trong việc xác định phương hướng hoạt động, chưa có định hướng phát triển hiệu quả, phù hợp cơ chế thị trường. Một số HTX chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật HTX năm 2003. Hoạt động hỗ trợ kinh tế hộ xã viên của HTX còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu về sản xuất, đời sống ngày càng tăng của xã viên và cộng đồng. Quy mô hoạt động của các HTX phổ biến còn nhỏ, năng lực nội tại của các HTX còn yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, trình độ công nghệ lạc hậu. Năng lực, trình độ cán bộ quản lý trong khu vực HTX còn hạn chế, không đáp ứng được nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Sự liên kết, hợp tác giữa các HTX thiếu chặt chẽ, hiệu quả thấp. Việc thực hiện các cơ chế chính sách về cán bộ và nguồn nhân lực, đất đai, tài chính-tín dụng, khoa học-công nghệ, tiếp thị và mở rộng thị trường, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng... đối với phát triển KTTT đã được đề cập trong Nghị quyết T.Ư 5 (khóa IX) và Luật HTX năm 2003 còn nhiều bất cập.

Nghị quyết T.Ư 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT đã đề ra mục tiêu đến năm 2010, đưa KTTT thoát khỏi những yếu kém hiện nay, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, tiến tới có tỷ trọng ngày càng lớn hơn trong GDP của nền kinh tế. Nhưng sau 10 năm triển khai thực hiện, mục tiêu của nghị quyết nêu trên không đạt. Theo Liên minh HTX Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của KTTT năm 2003 đạt 4,92%, năm 2005 (3,82%), năm 2010 (3,8%)... Mức đóng góp của KTTT vào GDP cả nước có xu hướng giảm: năm 2001 chiếm 8,06%, năm 2005 (6,82%), năm 2010 (5,32%), năm 2011 (5,22%). KTTT vẫn trong tình trạng yếu kém, tốc độ tăng trưởng thấp, mức đóng góp vào GDP cả nước giảm; vai trò HTX trong hỗ trợ phát triển kinh tế hộ chưa rõ; chất lượng cung ứng dịch vụ, phục vụ xã viên, thành viên chưa cao; hộ xã viên chưa gắn bó với HTX, chưa hấp dẫn nhân dân, tổ chức tham gia HTX. Thực trạng này cần được các ban, ngành trung ương, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp có giải pháp khắc phục kịp thời để tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong thời gian tới.

(còn nữa)

TẠ QUANG DŨNG http://www.nhandan.com.vn