TIN THỦY SẢN

Đóng đáy - Nét đẹp vùng cửa sông

Đóng đáy nơi cửa sông, đón đầu từng ngọn sóng... Hà Tử

Đóng đáy - nghề nối nghề nơi cửa sông ra biển lớn

Đóng đáy, một nghề không ồn ào cũng không bề thế như khi đi biển xa đến mấy tháng mới về. Đóng đáy chỉ vỏn vẹn một vài đêm trong tháng, tùy theo con nước lớn ròng, sáng lại neo ghe về. Rồi chồng vợ, con cái dắt díu nhau ra bến, lớp lựa cá, lớp phơi “ruốc”. Vậy mà trông cũng trù phú, màu mỡ không thua bất cứ một làng chài nào.

Nghề đóng đáy xuất hiện ở những cửa sông đổ ra biển, mà chủ yếu là những cửa của dòng Cửu Long hiền hòa mà hằng năm vẫn không ngừng bồi đắp phù sa cho miền Châu Thổ. Ở đây, nguồn tôm cá cũng dồi dào, những cơn sóng cũng dồn dập, ghe tàu cũng tấp nập như chính khát khao được đổi đời của những ngư dân. 

Ấy vậy mà mỗi tháng cao lắm chừng 7 ngày được vươn khơi, tung đáy mà thôi. Đó là hai con nước ngày rằm (13-15 âm lịch) và con nước 30 (28-30 âm lịch). Không phải những ngày còn lại không thể ra khơi, nhưng chỉ vào hai con nước này thì thu hoạch mới nhiều. Nếu ngày nào mà cũng đi đóng đáy thì sợ là không đủ lo nổi cho gia đình, buộc lòng những đấng trụ cột phải buôn đáy lên bờ làm việc khác. Do đó, những ngày này mà có ra bến đáy thì lặng chan.

Nghề này lắm nỗi gian truân, nguy hiểm khôn lường lắm. Nó được xếp vào những nghề hạ bạc, lại đứng đầu trong tứ nghệ khổ là “ ngư, tiều, canh, mục”. Đi biển thì bao nhiêu là tai nạn chực chờ, tuy vậy mà mấy ông thanh niên trai tráng cứ thấy nước động là lại lên ghe, không ngán gì hết. Cái nghề “đâm hà bá” nhiều lúc cũng vui lắm. Tới mùa mưa là đáy nặng trĩu, khoang đầy ắp cá tôm, có ông còn làm chòi ngoài khơi để canh đáy. Cũng không thiếu mấy câu tài tử được ngâm nga như thú vui tao nhã giữ lòng sông rộng.

 “Hò ơi, chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm

Công tui cực lắm, mưa nắng dãi dầu

Chiếu này tôi chẳng bán đâu

Tìm cô không gặp, tôi gối đầu mỗi... đêm”

Đáy thì cũng như nhiều ngư cụ khác được làm bằng lưới, đan vào nhau. Đầu tiên dùng cây dừa lão đóng thẳng xuống lòng sông, gọi là nọc đáy. Khoảng cách giữa hai nọc đáy thường là 10m, được neo chặt bởi các dây chằng. Miệng đáy được bện bằng dây nylon, có hình chữ V, dài khoảng 40m. Phía cuối miệng đáy được buộc chặt bằng dây khi đặt và tháo dây khi đổ cá tôm ra. Tiếp theo người ta dùng cây mù u hoặc bạch đàn làm cây rượng dưới, buộc giữa hai nọc đáy, vừa sát mặt nước lúc thủy triều cao nhất. Cây rượng dùng để di chuyển khi đặt đáy và tháo đáy, phía trên cũng buộc 1 thanh cây dùng để làm tay vịn khi di chuyển gọi là rượng trên. Thời điểm để đặt đáy là lúc nước ròng (thủy triều xuống), để đón những luồng cá tôm ra biển. Khi con nước chuẩn bị nước lớn là lúc bắt đầu tháo đáy thu hoạch, sau đó cuốn đáy đem lên ghe cất rồi chờ con nước sau để đặt tiếp.

Sau một đêm trở về, bến đáy lại trở nên nhộn nhịp. Tiếng người tiếng máy, kẻ thau, người rổ tấp nập không ngừng. Nguồn thu chính trong các khẩu đáy là tép, cả mấy trăm kí tép nhỏ như đầu chân nhang sẽ được phơi khô làm ruốc (dạng tôm khô nhỏ). Rồi cân bán cho thương lái. Bến đáy cũng là nơi giao lưu buôn bán cá tôm tươi sống sau một đêm đánh bắt của ngư dân. Tuy nhiên bạn đừng lầm tưởng như một khu chợ thủy sản nhé, vì nơi đây chỉ đơn giản là:

“Ê, bà Tư, bà có cá mồng gà hông?”

“Hông có bao nhiêu hết, mà quá trời quá đất cá Phèn nè”

“Vậy đổi hén”

Vậy đó, ở đây cá thì “rẻ bèo”, mà đem cho hoài thì kẻ ngại nhận, người cũng ngại cho. Nhiều đêm theo chân các đấng ông chồng ra khơi, mấy bà vợ mắt sâu lõm, da đen thui nhưng sao cười tươi quá. Nụ cười làm tôn lên nét đẹp giản dị của người phụ nữ dân chài, quá đỗi mộc mạc!

Một xóm ở gần cửa sông lớn thì chẳng hiếm những gia đình đóng đáy như vầy. Vậy mà những đứa con vẫn lớn lên, cũng có công danh sự nghiệp hẳn hoi chứ không hề thua kém những đứa trẻ trong môi trường khác. Có lẽ sự chúng nó hiểu được cái vất vả, cực khổ của cha mẹ nó khi hằng đêm chạm trán với thiên nhiên. Chúng nó hiểu được chỉ có cái chữ mới mau dẫn chúng nó đến với con đường đổi đời. Cho cha mẹ nó có cuộc sống sung túc hơn.

Cũng chẳng phải tự nhiên mà con người dù biết nguy hiểm vẫn phải bám trụ với những chiếc ghe và những khẩu đáy ngoài cửa biển. Nhưng có lẽ nghề cũng chọn người ta, chứ người ta nào có chọn được nghề đâu. Cha mẹ bám biển, thì từ nhỏ tới lớn đàn con cũng sống trong cái hương vị đó. Có lẽ hiện tại đã khá hơn, những đứa con nơi xóm đáy đã biết chữ, bám trụ được với cái chữ. Tuy nhiên có đi đến đâu thì cái mùi tép phơi khô mới ráo nước, cái vị mặn chát của nước sông nơi cửa biển vẫn luôn níu chân những đứa con xa quê, trên những bước đường lập thân, lập nghiệp ở đất khách.

Hà Tử