TIN THỦY SẢN

Đột phá ngành thủy sản Thái Bình

Nuôi cá ở Thái Bình Hà Thanh

Năm 2018, sản xuất thủy sản toàn tỉnh tiếp tục phát huy được thế mạnh trên cả 3 lĩnh vực nước mặn, nước lợ và nước ngọt. Nghề nuôi trồng thủy sản đã thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất giống, nuôi thương phẩm, tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn phục vụ cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Đặc biệt, năm qua sản xuất tôm đạt hiệu quả cao cả về diện tích và giá trị góp phần tạo sự đột phá cho lĩnh vực kinh tế thủy sản.

Năm 2018 đã đi qua với vô vàn khó khăn cho sản xuất thủy sản trong tỉnh. Thiên tai diễn biến phức tạp khó lường, rét đậm, rét hại, nắng nóng kéo dài, mưa lớn trên diện rộng… đã gây thiệt hại không nhỏ cho hoạt động sản xuất thủy sản. Song được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền, ngành chuyên môn từ tỉnh tới cơ sở, sự đồng hành của các doanh nghiệp và nỗ lực vượt khó, sáng tạo của bà con nông dân, ngư dân nên giá trị sản xuất thủy sản toàn tỉnh vẫn đạt gần 4.700 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với năm 2017.

Đóng góp vào hơn 2/3 tổng giá trị sản xuất thủy sản đó là nghề nuôi trồng thủy sản. Bà con nông dân đã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản và thâm canh tăng vụ trên tổng diện tích 15.240ha. Trong đó, nuôi ngao đạt 3.069ha, nuôi tôm nước lợ đạt 3.605ha và thủy sản nước ngọt đạt 8.561ha. Đáng chú ý nhất là đã có một số doanh nghiệp và hàng trăm hộ dân của hai huyện ven biển (Thái Thụy, Tiền Hải) áp dụng thành công mô hình nuôi tôm công nghệ cao với tổng diện tích 125,62ha. Cách làm mới này không chỉ giúp nông dân nuôi 4 - 5 vụ/năm, năng suất đạt từ 8 -10 tấn/vụ mà còn nuôi tôm qua mùa đông thành công - vụ tôm cho giá trị kinh tế cao nhất trong năm. Tận dụng mặt nước trên các con sông lớn chảy qua địa bàn tỉnh như sông Luộc, sông Trà Lý, sông Hồng, rất nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng trên sông với các giống cá đặc sản: lăng, diêu hồng, chép... cũng cho hiệu quả cao. Hiện, toàn tỉnh có 528 lồng, tổng thể tích nuôi đạt 56.790m3.

Góp phần vào sự đột phá trong nuôi trồng thủy sản, trong năm qua, Chi cục Thủy sản đã tổ chức 38 lớp tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn cho 2.200 lượt người dân kiến thức về cải tạo ao, đầm, cơ cấu đối tượng nuôi và lịch thời vụ thả giống, công tác chăm sóc, quản lý môi trường ao, đầm và phòng trừ dịch bệnh cho thủy sản. Tổ chức 5 mô hình nuôi trồng: nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao; nuôi cá đối mục xen tôm sú; ương ngao giống cỡ từ 10 triệu con/kg lên cỡ 40 vạn con/kg; 2 mô hình nuôi cá hồng Mỹ thương phẩm thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện đề tài nghiên cứu xây dựng mô hình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng (Lipopenaeus vannamei) trên vùng đất nhiễm mặn xã Hồng Tiến (Kiến Xương). Cùng với đó, số cơ sở sản xuất giống thủy sản năm 2018 cũng tăng lên bảo đảm nguồn giống phục vụ nông dân nuôi trồng. Đến nay, toàn tỉnh có 4 cơ sở sản xuất giống thủy sản nước ngọt, 13 cơ sở sản xuất giống thủy sản nước mặn, nước lợ. Tổng lượng giống sản xuất năm 2018 ước đạt 1.511 triệu con; trong đó, cá giống 689 triệu con, tôm giống 7 triệu con, ngao giống 814 triệu con. Riêng giá trị sản xuất giống thủy sản ước đạt 86,43 tỷ đồng.


Nông dân Tiền Hải chuyển từ nuôi tôm quảng canh sang chuyên canh công nghiệp.

Nhằm phát huy tiềm năng kinh tế biển, nhất là hoạt động khai thác thủy hải sản, năm 2018, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo có hiệu quả việc chuyển đổi, sắp xếp lại cơ cấu nghề nghiệp khai thác, quy hoạch số lượng tàu cá theo từng cỡ tàu và loại nghề hợp lý với vùng biển Thái Bình. Theo đó, các doanh nghiệp, ngư dân giảm dần số lượng tàu cá khai thác ven bờ, tăng số tàu khai thác xa bờ; chuyển dần nghề lưới kéo sang nghề lưới rê, lồng bẫy ghẹ thân thiện với môi trường. Hiện, toàn tỉnh có 1.141 phương tiện khai thác hải sản với tổng công suất 122.446,8CV; trong đó, nghề lưới kéo đôi 173 phương tiện, lưới kéo đơn 35 phương tiện, lưới rê 594 phương tiện, lưới vây 14 phương tiện, dịch vụ hậu cần nghề cá 56 phương tiện, chụp mực 4 phương tiện và nghề khác 265 phương tiện.


Nhiều hộ nông dân và doanh nghiệp ở Tiền Hải ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm, cho sản lượng và giá trị kinh tế cao.

Quá trình vươn khơi, bám biển làm giàu của ngư dân luôn được các cấp, các ngành, nhất là Chi cục Thủy sản quan tâm, đồng hành, kịp thời hỗ trợ như công tác cung cấp thông tin, nắm bắt tình hình khai thác hải sản của ngư dân trên các vùng biển theo mùa vụ, nghề nghiệp, ngư trường, thời gian bám biển, thống kê sản lượng, đối tượng thủy sản khai thác. Chi cục Thủy sản cũng triển khai và nhân rộng các mô hình: sử dụng lưới chụp mực 4 tăng gông trên tàu khai thác hải sản xa bờ; mô hình hầm bảo quản thủy sản trên tàu khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển góp phần nâng cao giá trị khai thác thủy sản cho ngư dân. Sản lượng khai thác thủy sản năm 2018 toàn tỉnh ước đạt 79.640 tấn, giá trị ước đạt gần 1.300 tỷ đồng, tăng 6,13% so với năm 2017; trong đó sản lượng khai thác thủy sản nước mặn đạt 75.463 tấn.

Năm 2018 đã khép lại, năm 2019 đã mở ra, với sự cần cù, chịu khó, lao động sáng tạo của bà con nông dân, ngư dân cộng với sự khuyến khích, hỗ trợ tích cực của các cấp, các ngành, nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản của tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng, vươn xa. Đích đến, tổng sản lượng thủy sản đạt 246.420 tấn, giá trị sản xuất gần 5.000 tỷ đồng để đạt tốc độ tăng trưởng 7,01% trong năm 2019 sẽ không phải là mục tiêu khó đối với ngành Nông nghiệp và bà con nông dân, ngư dân.

Hà Thanh Báo Thái Bình