Đưa cá hiếm ở Nghệ An vào bảo tàng
Con cá mặt trăng sa lưới ngư dân ở Nghệ An thuộc loài hiếm, chỉ còn chừng 250 cá thể, đã được chuyển về Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam.
Con cá quý được anh Hồ Văn Đoàn, Nghệ An bắt được đã được chuyển vể Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam. Ảnh: N.P.
Ngày 9/4, khi đang thả lưới tại vùng biển Nghệ An, ngư dân đã bắt con cá da trơn đã chết, nó nặng 15 kg, mình dẹt, đuôi ngắn, đầu tròn, miệng nhỏ, hai vây ngắn. Các ngư dân khẳng định đây là cá mặt trăng.
Con cá được một người mua lại và quyết định tặng lại cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiên cứu.
Tiến sĩ Phạm Văn Lực, Giám đốc Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam cho biết, khi nhận được thông tin trên, Bảo tàng đã cử người vào Nghệ An và đưa con cá về Bảo tàng.
"Đây là loài cá nằm trong Sách đỏ Việt Nam, xếp vào loài nguy cấp, cần bảo vệ. Chúng phân bố chủ yếu ở Vịnh Bắc bộ và vùng biển miền Trung. Số lượng của loài chỉ còn dưới 250 con", ông Lực nói.
Năm 2010, Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam từng tiếp nhận xác con cá mặt trăng về bào tàng và làm thành mẫu. Con cá này nặng tới 30 kg.
"Con cá của ngư dân Nghệ An sẽ được Bảo tàng sẽ chế tác thành mẫu vật để trưng bày tuyên truyền giáo dục cho người dân và để phục vụ nghiên cứu khoa học", tiến sĩ Lực cho hay.
Cá mặt trăng có tên khoa học là Mola mola, thuộc bộ cá nóc (Tetraodontiformes). Đây là một loài cá có kích thước khá lớn, chiều dài thân có thể đạt tới 2,5 m tới 3 m, đặc biệt chúng rất ít khi vào vùng gần bờ. Chúng có màu sắc sặc sỡ và thân ngắn sống ngoài đại dương, thường lặn xuống dưới vùng nước sâu, nơi nhiệt độ rất thấp.