TIN THỦY SẢN

Dùng cây tre, ống nhựa nuôi cá chiên đặc sản

Ông Phạm Thanh Bình là một trong những hộ có nhiều lồng bè nuôi cá chiên (ảnh Báo Tuyên Quang)

Tận dụng nguồn nước chảy tự nhiên từ dòng sông Lô, nhiều năm qua người dân xã Thái Hoà, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang đã đầu tư nuôi cá chiên...

Nghề nuôi cá lồng trên địa bàn xã Thái Hoà phát triển rộng mấy năm gần đây. Toàn xã có 35 hộ nuôi cá lồng với 135 lồng cá, tập trung chủ yếu ở 5 thôn Ba Luồng, Tân An, Khánh An, Bình Thuận, Soi Long. Năm 2016, HTX sản xuất kinh doanh cá đặc sản Thái Hòa Thái Hòa được thành lập để phát triển nuôi cá lồng, chủ yếu là cá chiên, cá bỗng được bài bản hơn.

Theo ông Phạm Thanh Bình – Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh cá đặc sản Thái Hòa Thái Hoà, cá chiên được xếp vào nhóm cá “ngũ quý” có giá từ 450.000 – 500.000 đồng/kg, mang lại hiệu quả kinh tế đặc biệt cao nên các xã viên đều tập trung nuôi loại cá này. “Nuôi cá chiên ở đây rất thuận lợi, tận dụng được diện tích mặt nước.

Vật liệu để làm lồng cá dễ kiếm, dễ làm. Hộ nào có điều kiện làm lồng sắt, còn không dùng tre, nứa. Mỗi lồng thả khoảng 100 con cá chiên. Mỗi lứa nuôi từ 1,5 – 2 năm, cá đạt trọng lượng từ 1,5 – 2kg có thể xuất bán” – ông Bình cho hay.

Từ trước đến nay, bà con nuôi cá ở lòng hồ chỉ dùng loại thức ăn tự nhiên là cá tạp, chủ yếu được đánh bắt từ lòng hồ Thuỷ điện Tuyên Quang. Đặc tính của cá Chiên là ăn mạnh và lớn mạnh về mùa nóng, ấm nên vào mùa nóng cho cá ăn 2 ngày/lần, mùa đông chỉ cần cho ăn 1 tuần/lần.

Ông Bình cho hay: Khi biết đến quy trình VietGAP, chúng tôi cũng nghĩ là sẽ thuận lợi có được chứng nhận vì bình thường đã sản xuất tuân thủ theo như vậy rồi. Giờ chỉ cần lấy nguồn giống có xuất xứ, vệ sinh lồng nuôi để loại bỏ rong rêu thường xuyên được thực hiện nhằm loại bỏ nguy cơ gây bệnh cho cá. Cách từ 1 - 2 tháng phải kiểm tra, phân loại cá để có biện pháp chăm sóc phù hợp, đối với cá bé phải nghiền nhỏ thức ăn trước khi cho ăn.

Bên cạnh đó, nguồn thức ăn cho cá đảm bảo là nguồn tươi sống từ tự nhiên; không cho cá ăn thức ăn ôi thiu, thức ăn mang mầm bệnh; điều chỉnh khẩu phần ăn hợp lý và ghi nhật ký hàng ngày để theo dõi mức độ tăng trưởng, phát hiện sớm bệnh trên con cá…Hiện sản phẩm cá chiên của HTX được công nhận chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP).

Kiểm tra môi trường nước và trọng lượng của cá chiên trên lồng bè (ảnh Báo Tuyên Quang)

Từ việc nuôi cá đặc sản, mỗi năm cho các hộ thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng trở lên. Riêng đầu vụ năm 2017, các hộ trong HTX đã xuất bán ra ngoài thị trường trên 1 tấn cá chiên và bỗng. Hiện HTX đang tiến hành các thủ tục đề nghị xây dựng thương hiệu cá đặc sản Thái Hòa để tìm nguồn tiêu thụ bền vững cho sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.

VOV.VN