Duyên Hải (Trà Vinh): Phát triển mạnh phong trào nuôi cua biển xen trong ao tôm sú quảng canh
Trước tình hình dịch bệnh xảy ra trên tôm sú trong mùa vụ 2012, gây thiệt hại lớn cho người nông dân trên địa bàn các huyện vùng ven biển trong tỉnh Trà Vinh; để đa dạng trong nuôi trồng thủy sản, nhiều nông dân trong huyện Duyên Hải đã phát triển mạnh mô hình đưa con cua biển vào nuôi theo hình thức xen canh trong ao nuôi tôm quảng canh hay tôm – cua – rừng. Vụ cua năm 2012, toàn huyện đã nuôi được 29 triệu con cua giống (tăng trên 30% so với vụ nuôi năm 2011), trên diện tích mặt nước 11.081 ha với 9.419 lượt hộ thả nuôi; tập trung thả nuôi nhiều ở các xã: Đông Hải, Dân Thành, Long Khánh, Long Vĩnh và Hiệp Thạnh…
Hiện nay, do nguồn con giống tự nhiên không nhiều như các năm qua, cho nên để đáp ứng lượng giống thả nuôi như năm nay, nhiều hộ nuôi cua ở huyện Duyên Hải đã chọn cua giống nhân tạo và kích cỡ con giống nuôi chủ yếu là cua hạt tiêu. Nguồn giống chủ yếu được cung cấp từ các tỉnh: Bạc Liêu và Cà Mau.
Có thể nói hiệu quả kinh tế mang lại của nghề nuôi cua biển cho người dân Duyên Hải nói riêng và các hộ vùng ngập mặn ven biển ở Trà Vinh là rất cao, bình quân với 1.000 con cua giống thả nuôi (cua hạt tiêu), sau 3,5 – 4 tháng nuôi sẽ cho thu nhập từ 9 – 10 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí đầu tư trong nuôi cua không nhiều, chủ yếu là con giống. Qua trao đổi với chúng tôi, anh Thái Thành Khoa – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duyên Hải, cho biết:
Nghề nuôi cua biển đã góp phần vào việc ổn định cuộc sống của người dân xứ biển rất lớn, trước tình hình tôm sú nuôi bị thiệt hại. Năm nay, phong trào nuôi cua biển phát triển rất mạnh, nhất là tại các vùng nuôi tôm sú quảng canh và tôm – rừng. Về giá con cua giống nhân tạo cũng tương đối ổn định, dao động từ 500 – 650 đồng/con (kích cỡ hạt tiêu), nếu so với năm 2011 giảm 100 – 120 đồng/con và nguồn giống cũng khá phong phú, chất lượng. Đây cũng là một trong những đối tượng nuôi quan trọng (sau con tôm sú) đang được ngành NN – PTNT khuyến cáo trong nông dân. Đến thời điểm này (10/7/2012), hộ nuôi cua trong huyện đã thu hoạch được khoảng 3.700 tấn, chiếm khoảng 25 – 30% sản lượng nuôi và giá bán tương đối ổn định.
Với chu kỳ thả nuôi cua hiện nay tập trung nhiều bắt đầu từ tháng 4, tháng 5 và thời gian thu hoạch rộ sẽ vào khoảng tháng 9 – tháng 10; hiện giá cua y (03 con/kg) dao động từ 100 – 110 ngàn đồng/kg và cua gạch từ 200 – 220 ngàn đồng/kg. Thời điểm hiện nay, người nuôi cua chủ yếu là hướng đến thị trường cua thịt; đối với cua gạch thường vào thời điểm nuôi từ tháng 8 – tháng 10 hàng năm. Theo nông dân Ngô Văn Lùng (ấp Phước Thiện, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải): với diện tích trên 02 ha rừng – tôm (trong đó có 45% diện tích mặt nước nuôi thủy sản và 55% diện tích trồng rừng), hàng năm gia đình thả làm 3 – 4 đợt, mỗi đợt từ 2.000 – 3.000 con cua giống.
Riêng từ tháng 11/2011 đến nay đã thả được 02 đợt với 6.000 con cua giống; qua đó đã thu hoạch theo hình thức bắt tỉa dần, bán được 15 triệu đồng. Cũng theo anh Lữ Minh Tâm – cán bộ thủy sản xã Đông Hải: mô hình cua biển hiện nay có rất nhiều hộ chuyển sang hình thức thả nuôi chuyên cua, hiệu quả mang lại rất cao và dễ thực hiện khâu quản lý cũng như thu hoạch. Vụ cua 2012, toàn xã có 644 hộ thả nuôi cua (chiếm 80,6% so với số hộ nuôi tôm sú), trên diện tích 936 ha với 1,15 triệu con giống; trong đó, có 36 hộ chuyên nuôi cua trên diện tích 42 ha, thả 210 ngàn con cua giống.
Có thể nói, hiện nay người nuôi cua biển phần lớn ít bị rủi ro, trong khi đó thời gian nuôi ngắn, chi phí chủ yếu là con giống và giá thành cua thương phẩm luôn ở mức cao, thị trường tiêu thụ mạnh. Đặc biệt là vào thời điểm tết, Trung thu… giá cua biển thương phẩm có thể tăng lên 50 – 70% so với những ngày bình thường nhưng vẫn hút hàng. Trước tình hình nghề nuôi cua biển đang phát triển mạnh, nhiều cơ sở sản xuất giống tôm sú trên địa bàn huyện Duyên Hải đã chuyển sang hoặc kết hợp với sản xuất giống cua nhân tạo.
Từ vài cơ sở sản xuất cua giống nhân tạo năm 2011 đến vụ cua năm 2012, số cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm sú giống chuyển sang cua tăng lên 12 cơ sở, với năng lực sản xuất từ 400 – 500 ngàn con giống/cơ sở. Để phong trào nuôi cua biển phát triển ổn định và bền vững tại các huyện vùng ven biển, thiết nghĩ vấn đề quản lý chất lượng cua giống hiện nay cần có biện pháp thực hiện đồng bộ từ khâu nhập, ương dưỡng hay sản xuất tại chỗ. Có vậy người nuôi cua mới thật sự an tâm và hướng tới nghề nuôi cua một cách bền vững hơn.