TIN THỦY SẢN

Ếch đồng lên ngôi, thợ soi kiếm tiền khá

Anh Điểu chọn ếch để vợ mang ra chợ bán Vũ Đình Thung - TS - Tr.Thi

Nước mát dẫn dụ lũ ếch rời hang ra ruộng ngao du, “tình tự” hàng đêm tạo điều kiện cho những thợ soi ếch kiếm tiền.

Giữa thời buổi các nhà nội trợ đi chợ ít nhắm tới những món hải sản đánh bắt được từ biển thì những món đặc sản đồng quê có cơ hội “lên ngôi”, trong đó có ếch đồng.

Món quà từ đồng ruộng

Đang là thời điểm những cánh đồng ở Bình Định xả nước, làm đất để xuống giống vụ hè thu 2016. Nước mát dẫn dụ lũ ếch rời hang ra ruộng ngao du, “tình tự” hàng đêm tạo điều kiện cho những thợ soi ếch kiếm tiền.

Theo anh Nguyễn Văn Điểu (SN 1960) có thâm niên hơn 30 năm làm nghề soi ếch ở khu vực Kim Châu, phường Bình Định (TX An Nhơn), cứ vào thời điểm những cánh đồng lúa vừa gặt xong, ruộng được bỏ khô một thời gian, sau đó xả nước vào để làm đất vụ mùa tiếp theo thì ếch ra rất nhiều.

Bởi ếch là loài thích nước, thời điểm ruộng bị bỏ khô chúng đã phải sống mòn mỏi ở trong hang. Đến khi ruộng được xả đầy nước là chúng mừng rơn, lập tức rời hang đi dạo chơi khắp cánh đồng.

Đặc biệt, không khí mát mẻ còn dẫn dụ các cặp ếch trưởng thành tìm đến với nhau để sinh sản, tiếng ềnh ệch mừng nước của lũ ếch vang khắp đồng ruộng.

“Nông dân Bình Định mỗi năm làm 2-3 vụ lúa, cứ mỗi thời điểm xả nước làm đất thì đó là cao điểm làm ăn của chúng tôi. Tuy nhiên, tháng ba âm lịch mới được xem là mùa soi ếch chính. Bởi mùa này ếch xuất hiện nhiều hơn và thịt ếch ăn rất ngon.

Vì khi cánh đồng được xả nước sẽ xuất hiện nhiều côn trùng, là những món ăn khoái khẩu của ếch. Bởi chúng luôn được no mồi nên thịt mềm, thơm. Chẳng thế ông bà mình mới có câu “ếch tháng ba, gà tháng mười”. Tuy nhiên, không phải ai cũng bắt được ếch, người soi ếch phải có những kỹ năng “nghe, nhìn” mới hành nghề được”, anh Điểu bộc bạch.

Cũng lắm gian nan

Muốn tìm hiểu thực tế, tôi đề nghị anh Điểu cho tham gia 1 chuyến soi ếch. Anh Điểu can ngay: “Anh đi không nổi đâu, đi soi ếch phải lội trong ruộng bùn cả đêm. Có khi phải băng qua những gò hoang đầy gai bàn chải hoặc gai mắc cỡ bằng chân trần. Đôi chân “công tử” như anh chịu không thấu.

Mỗi đêm tôi phải đi hết những cánh đồng của xã này đến những cánh đồng của xã khác. Tuyến đi không được định trước, cứ đi theo tiếng ếch kêu. Nhiều đêm ham quá, cứ đi mải miết trời sáng khi nào không hay”.


Lũ ếch nằm vào bao lưới chuẩn bị ra chợ

Theo anh Điểu, phương tiện hành nghề soi ếch rất đơn giản, chỉ là 1 cái đèn đội trên đầu loại sạc pin mua chỉ 70.000đ/cái, đèn loại xịn hơn có thể chống mưa có giá đắt hơn, nhưng cũng chỉ 120.000đ/cái và 1 cái bao đựng ếch. Sạc đầy pin soi cả đêm đèn mới hết điện, sáng về cắm sạc lại, đêm lại đi soi tiếp, tiện vô cùng.

“Trước đây, thợ soi ếch phải dùng bình ắc quy để thắp đèn, nặng nề lắm. Bây giờ có loại đèn này người soi ếch đỡ vất vả, hành trang nhẹ nên có thể đi được xa hơn”, anh Tùng, bạn cùng nghề với anh Điểu góp chuyện.

Vào thời điểm này, mỗi khi màn đêm buông xuống là những cánh đồng dày đặc ánh đèn. Ếch chỉ thường rời hang vào lúc 1-2 giờ sáng nên đầu hôm thì các thợ soi nhái, đến khi trên cánh đồng có tiếng ếch vang lên thì các thợ soi ếch bắt đầu làm việc.

“Nước mát làm lũ ếch khoái hoạt nên chúng đồng thanh cất tiếng kêu. Nghe tiếng, tôi có thể phân biệt được đó là ếch cái hay ếch đực. Ếch cái kêu giọng trầm, ồm ồm, chầm chậm và vang rất xa; còn tiếng kêu của ếch đực nhặt hơn, thanh hơn do có 2 túi khí ở cổ họng.

Ếch cái luôn to hơn ếch đực, nặng từ 1,5-2 lạng/con, ếch đực chỉ chừng 1 lạng/con. Con ếch chết do tiếng kêu, nếu chúng không kêu thì giữa đồng nước mênh mông, bọn tôi biết đâu mà tìm chúng để bắt”, anh Điểu giải thích.

Đó là các thợ soi nói về những kỹ năng “nghe”, khi nghe họ nói về kỹ năng “nhìn”, tôi hiểu là để soi bắt được con ếch thật chẳng dễ dàng gì. Sau khi nghe tiếng kêu, định hướng được nơi con ếch đang nằm, thợ soi sẽ hướng đèn về nơi ấy và đi dần đến.

Trời tối mù mịt, thân ếch thì đen sì, chúng lại giấu mình dưới những lỗ nước, hoặc nấp sau những mô đất, thợ soi chỉ có cơ hội duy nhất phát hiện ra chúng bằng đôi mắt. Khi bắt đèn, đôi mắt chúng ánh lên màu đỏ như đóm sáng của điếu thuốc, thợ soi phải tinh mắt phát hiện ra 2 đóm sáng ấy.

Thời điểm đồng ruộng cây lúa đang đứng, muốn bắt ếch, thợ soi phải chống xuồng đi dọc các con mương, con sông nên lượng ếch bắt được không bao nhiêu. Mỗi đêm 1 thợ soi có thể bắt được 4-5kg ếch, ếch bắt được nhiều hơn mà giá lại tăng gấp đôi so với trước đây.

“Hiện nay người đi chợ ít mua các loại hải sản như trước đây, muốn ăn đồ tươi họ chỉ tìm món đồng quê, nhất là ếch. Do đó ếch đang bán được giá cao. Nếu như trước đây ếch sông dù hiếm nhưng cũng chỉ bán được 50-60 ngàn đồng/kg, thì nay ếch đồng dù nhiều hơn nhưng bán được đến 100.000đ-110.000đ/kg. Bình quân mỗi đêm tôi soi được 5kg ếch kiếm được hơn 500 ngàn đồng, đêm gặp nhiều cũng được 7-8kg ếch, kiếm được kha khá. Số nhái soi được trước khi soi ếch thì làm thức ăn cải thiện bữa ăn”, anh Điểu chia sẻ.

Vũ Đình Thung - TS - Tr.Thi Nông Nghiệp Việt Nam, 02/06/2016