EU sẽ loại DN sử dụng chất cấm trong thủy sản
Tổng vụ sức khỏe và an toàn thực phẩm thuộc Ủy ban châu Âu (EC) mới gửi công văn cho Việt Nam, cho biết nếu phát hiện lô hàng thủy sản nào có hóa chất cấm thì doanh nghiệp liên quan sẽ bị đưa ra khỏi danh sách các cơ sở chế biến thủy sản được phép xuất khẩu vào EU, theo Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad).
Thông tin trên được Nafiqad đưa ra vào ngày 30-5. Trong thông báo của Nafiqad còn cho biết ngày 24-5, cơ quan thẩm quyền EU đã có văn bản báo cảnh báo số 16-814 tới các nước thành viên EU về việc cá chết bất thường tại Việt Nam và đề nghị các nước này kiểm soát chặt chẽ các lô hàng thủy sản biển nhập từ Việt Nam.
Trao đổi với TBKTSG Online, giám đốc một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu các mặt hàng hải sản như cá ngừ đại dương, mực, bạch tuộc... cho biết, sau khi có thông tin cá biển ở các tỉnh miền Trung chết bất thường, một số nhà nhập khẩu từ EU đã gửi yêu cầu muốn công ty thông báo những lô hàng đang sản xuất trong thời gian trước hay sau khi có thông tin cá biển chết hàng loạt.
“Về phía chúng tôi, khi có thông tin cá biển chết hàng loạt, chúng tôi cũng chủ động gửi thư điện tử đến cho đối tác thông báo về nguồn gốc các lô hàng, kèm theo những chứng từ có liên quan để đối tác yên tâm”, vị này cho biết.
Cũng theo vị giám đốc này, hơn tháng nay, công ty đã tạm ngưng ký hợp đồng mới do nguồn hải sản của công ty chỉ đủ cho các hợp đồng đã ký trước đó.
Theo ông, thường sau khi có những vấn đề môi trường, các nhà nhập khẩu sẽ tăng cường kiểm tra lô hàng, mà cụ thể là EU đã có thông báo cho các nước nên bên nhập khẩu sẽ tăng cường kiểm tra, vì thế trên lý thuyết lẫn thực tế khả năng lô hàng bị vướng hóa chất cấm rất cao. Vì thế, để giữ uy tín và thương hiệu công ty tạm thời chưa ký những hợp đồng mới liên quan đến các sản phẩm đánh bắt từ biển.
“Chúng tôi hy vọng chính quyền sớm công bố nguyên nhân cá biển chết để doanh nghiệp biết và có những kế hoạch làm ăn. Việc chính quyền càng chậm công bố nguyên nhân, doanh nghiệp xuất khẩu hải sản sẽ gặp khó trong việc ký các hợp đồng mới do lo ngại rủ ro hàng bị trả về là rất cao”, ông nói.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong năm 2015, EU là thị trường xuất khẩu thủy sản đứng vị trí thứ 2 của Việt Nam khi chiếm 18% giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 1,2 tỉ đô la Mỹ. Cụ thể, giá trị xuất khẩu tôm sang EU chiếm 19%, cá tra là 19%, hải sản biển như cá ngừ chiếm 22%, mực, bạch tuộc là 14% trong tổng số 100% giá trị xuất khẩu cả các mặt hàng thủy sản của Việt Nam trong năm 2015 vào thị trường này.