TIN THỦY SẢN

FSMA: Thách thức hay cơ hội?

Trong ảnh là công nhân chế biến cá tra xuất khẩu vào Mỹ. Ảnh: Trung Chánh/TBKTSG.

Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm của Mỹ (FSMA)Liệu có tạo ra rào cản quá lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam như một số thông tin cảnh báo hay không?

Với Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm của Mỹ (FSMA), quốc gia này nhấn mạnh đến vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) mang tính phòng ngừa rủi ro, tức thay vì kiểm tra sản phẩm cuối cùng tại cảng của Mỹ, thì nay sẽ quản lý theo chuỗi – từ sản xuất nguyên liệu, chế biến, đóng gói, dán nhãn, vận chuyển, cho đến đưa sản phẩm đến người tiêu dùng.

Cơ hội để quản lý rủi ro

Với FSMA, việc thay đổi và kiểm soát ATTP nghiêm ngặt hơn như nêu trên làm dấy lên mối lo ngại hàng nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ thêm gánh nặng tài chính, như vậy, khó cạnh tranh hơn để bán vào thị trường Mỹ. Để đáp ứng yêu cầu của FSMA, doanh nghiệp trong nước buộc phải đầu tư xây dựng, quản lý chuỗi cung ứng theo hướng an toàn cho sản phẩm ngay từ trong nước.

Theo FSMA, chuỗi cung ứng phải nằm dưới sự giám sát và kiểm tra phòng ngừa rủi ro của FDA và các cơ quan liên quan khác của Mỹ. Trong đó, các nhà nhập khẩu Mỹ phải có kế hoạch kiểm tra nhà cung ứng nhằm đảm bảo sản phẩm và cơ sở sản xuất phải phù hợp theo tiêu chuẩn ATTP của Mỹ thì mới được cấp chứng nhận nhập khẩu.

Dưới góc độ của đơn vị xuất khẩu, đại diện một doanh nghiệp không muốn nêu tên ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đặt vấn đề: “Giả sử một doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào Mỹ, sản phẩm của họ được lấy mẫu tại cảng của Mỹ để kiểm tra. Nếu sản phẩm bị phát hiện không đảm bảo vệ sinh ATTP và bị trả về hoặc bị tiêu hủy, thiệt hại đối với doanh nghiệp lúc đó nhỏ hay không?”.

Theo vị này, ở một khía cạnh nào đó, FSMA quản lý ATTP theo hướng yêu cầu nhà xuất khẩu phải đầu tư xây dựng, quản lý chuỗi cung ứng là một động lực thúc đẩy doanh nghiệp trong nước “tự giác” thực hiện việc này nghiêm túc hơn so với trước đây. “Điều này giúp doanh nghiệp giảm rủi ro sản phẩm bị trả về (hoặc bị tiêu hủy) khi đã đến tận cảng ở Mỹ, tức khả năng bị thiệt hại về tài chính cũng sẽ ít đi”, vị này phân tích.

Còn theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), với FSMA, phía Mỹ chỉ muốn “nhấn mạnh lại” vấn đề ATTP chứ trên thực tế, họ đã áp dụng điều này trong các quy định về nhập khẩu.
“Hàng năm FDA vẫn sang Việt Nam kiểm tra, đánh giá các nhà máy có đạt yêu cầu hay không về phần cứng, phần mềm…, đại khái thế. Có nghĩa những vấn đề nêu trong FSMA là họ muốn nhắc rằng sẽ “siết hơn thôi” chứ không phải vấn đề gì quá nghiêm trọng”, ông Hòe nói.

Do những quy định của FSMA có một phần liên quan đến những quy định trước đây trong việc nhập khẩu vào thị trường Mỹ, nên theo ông Hòe, doanh nghiệp cơ bản đáp ứng được.

“Vấn đề là người ta tăng cường ATTP mà chuyện đó bắt buộc mình phải lo trước, chứ để hàng qua tới bên kia (Mỹ) mới bị trả về, thiệt hại còn lớn hơn”, ông nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Trần Văn Phẩm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex), cho biết việc đánh giá điều kiện vệ sinh ATTP; đánh giá về mặt xã hội, lao động… vẫn được các cơ quan phía Mỹ tiến hành thường xuyên. Thậm chí, một số nhà nhập khẩu còn đòi hỏi các chứng chỉ BAP, ASC…, và các doanh nghiệp xuất khẩu cũng đã đáp ứng được.

“Nói tóm lại, việc hình thành điều kiện an toàn trong chuỗi sản phẩm trong thời gian qua đã được tiến hành từng bước. Vì vậy, ai tham gia chuỗi nào, thì cũng đã đi theo phương thức của chuỗi đó rồi, cho nên việc đáp ứng quy định của luật mới này cũng không khó khăn lắm”, ông Phẩm nói.

Liên quan đến mối lo ngại hàng của Việt Nam khó cạnh tranh hơn do chi phí đầu tư tăng, ông Hòe cho rằng nếu chi phí đầu tư tăng lên thì người tiêu dùng Mỹ phải chấp nhận trả giá cao hơn, chứ về nguyên tắc doanh nghiệp không thể bán lỗ. Nhưng luật này được áp dụng với tất cả các nước nhập khẩu vào Mỹ chứ không riêng Việt Nam, nên nếu sản phẩm của Thái Lan (chẳng hạn) có thể bán được với giá thấp hơn sản phẩm cùng loại của Việt Nam thì chứng tỏ giá thành của Việt Nam cao hơn. “Việc này mình phải chấp nhận là không cạnh tranh lại chứ đâu thể nói là bị tạo gánh nặng”, ông Hòe nói.

“Vướng” tích tụ đất

Kiểm soát ATTP theo chuỗi là một nội dung quan trọng của FSMA, và theo những nhà sản xuất, khâu sản xuất nguyên liệu chính là khâu khó đáp ứng nhất. Bởi nếu cứ sản xuất manh mún, mạnh ai nấy làm rồi doanh nghiệp thu gom nguyên liệu chỗ này một ít, chỗ kia một ít thì sản phẩm rất khó đảm bảo chất lượng.

Theo ông Trần Văn Phẩm, vấn đề cốt lõi lớn nhất cần tháo gỡ là phải tập trung ruộng đất ở mức độ hợp lý nhằm hình thành nông trại sản xuất quy mô đủ lớn. “Khi có quy mô nuôi trồng đủ lớn thì việc áp dụng khoa học công nghệ cao vào quy trình sản xuất mới dễ dàng, qua đó mới có thể cho ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường”, ông giải thích.

Cũng theo ông Phẩm, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam nói chung đều phải được xử lý, đảm bảo theo yêu cầu của thị trường nhập khẩu, nhưng tiếc là vấn đề tập trung đất đai để sản xuất lớn, sản xuất sản phẩm có chất lượng… thì luật pháp trong nước “chưa đủ mạnh, chưa đủ thuyết phục” để doanh nghiệp tập trung đầu tư. “Vấn đề chính của mình còn đang vướng là ở đó”, ông Phẩm nhận định.

Tương tự, vị đại diện doanh nghiệp không nêu tên đã đề cập ở trên cũng cho rằng doanh nghiệp tuy có thể thích nghi với việc kiểm tra ATTP theo chuỗi sản xuất – chế biến – bảo quản – lưu thông phân phối, nhưng riêng việc đáp ứng khâu kiểm soát nguyên liệu thì “cái gốc của vấn đề là phải có quy mô đủ lớn để sản xuất theo quy trình một cách đồng bộ, đảm bảo chất lượng”.

Trong khi đó, vấn đề tích tụ ruộng đất vẫn đang “vướng” cần nhanh chóng tháo gỡ dù biết đây là vấn đề khó. “Doanh nghiệp đang rất cần một chính sách để tích tụ ruộng đất và việc thực hiện ra sao đòi hỏi Nhà nước phải bàn bạc, giải quyết”, ông nói.

Theo TBKTSG