TIN THỦY SẢN

Gần 200 lô cá tầm Trung Quốc thiếu pháp lý vẫn được tuồn vào Việt Nam

Cơ quan chức năng kiểm tra một xe cá tầm Trung Quốc thông quan tại cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn hồi tháng 10.2020. Long Nguyễn

Theo thống kê của Bộ Tài chính, từ tháng 3.2021 đến nay, có tổng cộng 186 lô cá tầm Trung Quốc nhập khẩu qua Lạng Sơn, Lào Cai vướng các thủ tục về pháp lý nên chưa được phép thông quan. Tuy vậy ở thời điểm hiện tại, toàn bộ số cá tầm này đã được đưa vào trong nước.

Bộ Tài chính vừa có văn bản số 5059/BTC-TCHQ ngày 18.5.2023 gửi Thủ tướng Chính phủ về những vướng mắc trong việc nhập khẩu cá tầm.

Cụ thể từ tháng 3.2021 đến nay, để kiểm soát giống loài, chủng loại cá tầm nhập khẩu đúng với giấy phép CITES (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp - PV) đã cấp, các lô hàng cá tầm nhập khẩu đều phải được cơ quan hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa.

Do hải quan không đủ kinh nghiệm và phương tiện kỹ thuật để xác định chủng loài cá nên đã gửi mẫu sang các cơ quan khoa học thuộc Bộ NNPTNT để thực hiện việc giám định.

Tuy vậy, kết quả giám định của các đơn vị này lại không kết luận rõ ràng hoặc không tiếp nhận mẫu dẫn đến cơ quan hải quan không đủ cơ sở pháp lý để thông quan hoặc xử lý vi phạm đối với tổng cộng 186 tờ khai nhập khẩu.

Theo Bộ Tài chính, kết quả kiểm tra việc bảo quản hàng hóa của Cục Hải quan tại Lạng Sơn và Lào Cai, ở thời điểm hiện tại, ghi nhận thì toàn bộ hàng hóa không còn tại nơi bảo quản.

Giải thích cho tình trạng này, một số doanh nghiệp khai báo do cá bị chết nên đã tiêu hủy nhưng việc tiêu hủy không thông báo cho cơ quan hải quan và không có biên bản tiêu hủy.

Một số trường hợp khai báo hàng hóa đã được bán trước khi thông quan do trong thời gian bảo quản một số lượng lớn cá tầm đã bị chết, để giảm thiểu thiệt hại các doanh nghiệp đã bán hàng hóa trước khi được cấp phép thông quan.

Hiện nay, cơ quan hải quan đang rà soát lại toàn bộ hồ sơ hải quan nhập khẩu cá tầm trong giai đoạn 2021-2022 để xử lý vi phạm.

Cá tầm Trung Quốc ngoài danh mục nhập khẩu được bán công khai tại chợ đầu mối Yên Sở, Hà Nội thời điểm tháng 1.2023. Ảnh: Long Nguyễn (BLĐ)

Từ thực tế trên, trong văn bản gửi đi, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NNPTNT trước ngày 1.6.2023, đối với các mẫu cá đã lấy mà chưa kết luận rõ ràng, thì chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phải có kết luận rõ ràng để lực lượng hải quan có căn cứ để xử lý.

Còn đối với các lô hàng cá tầm nhập khẩu chưa được tiếp nhận mẫu để giám định, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng giao Bộ NNPTNT khẩn trương chỉ định một đơn vị chuyên môn tiếp nhận mẫu, thực hiện giám định và có kết luận kết quả giám định cụ thể đối với các lô cá tầm nhập khẩu nêu trên trước ngày 1.6.2023.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng kiến nghị với các mẫu cá tầm nhập khẩu đang được lưu tại cửa khẩu từ năm 2021 đến nay đã có hiện tượng phân hủy. Do vậy, trường hợp Bộ NNPTNT không yêu cầu cung cấp mẫu trước ngày 1.6.2023 thì sau thời điểm trên, Bộ Tài chính đề xuất mời Chi cục Thú y phối hợp để tiến hành tiêu hủy các mẫu lưu.

Long Nguyễn