Gần 30 ha tôm ở Nghệ An bị bệnh đốm trắng
Nhiều diện tích nuôi tôm trên địa bàn Nghệ An liên tục xuất hiện dịch bệnh với khoảng gần 30 ha, gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho bà con.
Từ tháng 4 dương lịch đến nay, trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu liên tục xuất hiện tôm nuôi bị dịch đốm trắng tập trung tại các xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Minh, Quỳnh Lương và Quỳnh Thanh. Trong đó, Quỳnh Bảng là địa phương có diện tích tôm bị bệnh nhiều nhất .
Ông Hoàng Xuân Tin - Chủ nhiệm HTX Lộc Thủy, xã Quỳnh Bảng cho biết, HTX hiện có 28 hộ nuôi với diện tích 40 ha, tổng số diện tích được thả là 25 ha. Tuy nhiên, do thời tiết bất lợi khiến nhiều diện tích tôm của bà con bị dịch bệnh. Toàn HTX có khoảng 12 ha tôm bị bệnh đốm trắng. Đối với những diện tích tôm đang phát triển, HTX khẩn trương chỉ đạo bà con theo dõi, kiểm tra sự sinh trưởng của tôm, đồng thời có các giải pháp chăm sóc, bảo vệ.
Không riêng HTX Lộc Thủy, trên địa bàn xã Quỳnh Bảng hiện có khoảng 14,5 ha tôm bị bệnh đốm trắng.
Theo các hộ nuôi cho biết, một số ao nuôi có tình trạng tôm nổi lên mặt nước rồi sau đó chết. Trước sự việc trên, địa phương đã báo với cấp trên để có biện pháp ngăn chặn. Sau khi được Trạm thú y huyện về lấy mẫu kiểm tra, xác định nguyên nhân khiến tôm chết là do bệnh đốm trắng.
Nhiều diện tích nuôi tôm ở xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) bị đốm trắng khiến các hộ dân thiệt hại. Ảnh: Việt Hùng
Theo số liệu thống kê từ Phòng NN&PTNT, vụ tôm năm 2018, toàn huyện Quỳnh Lưu có 465 ha diện tích nuôi tôm thâm canh. Tính đến ngày 11/5, đã có gần 22 ha diện tích tôm bị bệnh, trong đó chủ yếu là đốm trắng và gan tụy. Độ tuổi tôm bị dịch từ 20 - 60 ngày sau khi thả. Bình quân 1 ha tôm bị dịch, bà con thiệt hại trên 50 triệu đồng. Đến thời điểm này, tổng thiệt hại của bà con nuôi tôm ở Quỳnh Lưu ước hơn 1 tỷ đồng.
Không chỉ ở Quỳnh Lưu, bà con nuôi tôm ở thị xã Hoàng Mai cũng đang “đứng ngồi không yên” khi diện tích tôm bị dịch bệnh ngày càng tăng với 9 ha, tập trung ở Quỳnh Liên, Mai Hùng, Quỳnh Xuân...
Để ngăn chặn bùng phát của dịch bệnh đốm trắng ở tôm, Trạm Thú y huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai đã cấp hơn 9 tấn hóa chất clorine cho các hộ dân dùng để xử lý môi trường. Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, đối với những ao tôm bị bệnh đốm trắng, người nuôi không nên vội càng cải tạo để nuôi ngay, nên cho ao nghỉ 1,5 - 2 tháng để dứt nguồn bệnh, tái tạo lại môi trường nền đáy.