Gặp gỡ các hiệp hội ngành hàng XK nông lâm sản
Ngày 13/2/2014, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát và các vụ, cục chức năng trong bộ đã có buổi họp mặt đầu xuân với các Bộ, ngành và Hiệp hội ngành hàng tại trụ sở của Bộ.
Năm 2013, tổng giá trị XK nông lâm thủy sản đạt 27,76 tỷ USD, tăng nhẹ 1,8%, trong khi tổng giá trị NK một số mặt hàng chính đạt 18,95 tỷ USD, tăng 13,7% so với năm 2012. Như vậy, năm 2013 ngành toàn ngành nông nghiệp tiếp tục xuất siêu với giá trị đạt 8,81 tỷ USD. Theo số liệu mới nhất, trong tháng đầu năm 2014, kim ngạch XK nông lâm thủy sản ước đạt 2,32 tỷ USD, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch giảm chủ yếu là do các mặt hàng nông sản chính giảm (-17,9%), trong khi đó XK thuỷ sản, lâm sản chính đều tăng so với cùng kỳ năm trước.
Trước tinh hình thị trường thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường và kết quả XK tháng đầu năm giảm, lãnh đạo Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành có liên quan đã tổ chức cuộc họp mặt với mục đích để các ngành hàng đánh giá những thuận lợi và những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh và đề nghị các cơ quan chức năng trong bộ và các bộ, ngành có liên quan phối hợp tìm cách tháo gỡ.
Theo đánh giá chung của hầu hết các ngành hàng, thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản thực phẩm thế giới đang tiếp tục ách tắc. Sản xuất, chế biến và tiêu thụ của các doanh nghiệp cũng rất khó khăn về quản lý chất lượng, vốn tín dụng và phát triển thị trường vv…. . trong đó nhiều đại diện các ngành hàng xác định yếu tố thị trường đang là mối quan tâm hàng đầu của các DN, nhất là vấn đề thị trường suy yếu, nhiều rào cản kỹ thuật, sự đe dọa của thuế chống bán phá giá và tác động của một số hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam sắp tham gia.
Trước thực trạng này, các ngành hàng đều kiến nghị Bộ NN&PTNT có những cơ chế và chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc các ngành hàng nhằm duy trì sản xuất kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và chuẩn bị tiềm lực để nắm bắt cơ hội khi có sự chuyển hướng của kinh tế thế giới.
Nhiều ngành như cà phê, đề nghị cho khoanh nợ đối với một số DN có nợ xấu nhưng vẫn có các điều kiện cơ sở sản xuất kinh doanh và hệ thống khách hàng tốt, cho tạm trữ cà phê khi giá xuống mức 32-33 triệu đồng/tấn và cho lập quỹ hỗ trợ XK của ngành. Các ngành đều yêu cầu xem xét lại việc kiểm soát thuế VAT và đề nghị Bộ NN&PTNT ban hành các quy chuẩn để quản lý chất lượng (ngành hồ tiêu), có chính sách về đầu tư công nghệ chế biến, về phát triển trồng rừng nguyên liệu (ngành XK gỗ) và Bộ cần có cơ chế kiểm soát những hoạt động cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN trong nước.
Theo tinh thần chung thể hiện tại cuộc họp, các tổng công ty lớn và các ngành hàng đều xác định chỉ vay vốn và tập trung thực hiện các dự án, hoạt động kinh doanh nào thực sự mang lại lợi nhuận, nhất khoát không chạy theo doanh số để tránh thua lỗ, rơi vào nợ ngân hàng.
Trước những đề nghị của các ngành hàng, Bộ trưởng đã có những chỉ đạo và phân công cụ thể cho các đơn vị chức năng của Bộ, các bộ, các cơ quan liên quan khác phối hợp theo dõi và đề xuất biện pháp giải quyết những vướng mắc đã được nêu trong cuộc họp.