TIN THỦY SẢN

Gặp gỡ, trao đổi với người dân về nuôi tôm thương phẩm ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc

Các cơ quan chuyên môn giải đáp thắc mắc của người nuôi tôm. Ảnh: NT NT

Ngày 10/5, tại xã Phước Sơn (Bình Định), Trung tâm Khuyến nông Bình Định tổ chức Chương trình gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với 70 hộ nuôi tôm trên địa bàn các xã Phước Sơn, Phước Thuận và Phước Hòa về kỹ thuật nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc.

Tại đây, các hộ nuôi tôm được cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Thủy sản và Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc từ khâu chuẩn bị, xây dựng công trình nuôi (bao gồm các ao chứa nước, ao lắng, ao chứa nước thải, ao ương, ao nuôi thương phẩm và các công trình phụ trợ khác), kỹ thuật ương tôm và nuôi thương phẩm theo hai giai đoạn, quản lý thức ăn và môi trường ao nuôi,...

Đồng thời, giải đáp một số thắc mắc của người nuôi về biện pháp phòng và trị một số bệnh thường gặp trên tôm thẻ chân trắng; các chính sách, định hướng phát triển nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới tại Bình Định. 

Toàn cảnh chương trình trao đổi với người nuôi tô. Ảnh: NT

Thông qua việc trao đổi trực tiếp với các cơ quan chuyên môn, hầu hết người nuôi tôm nhận thức được tầm quan trọng của việc áp dụng công nghệ Semi-Biofloc trong nuôi tôm thương phẩm, hạn chế sử dụng hoặc không sử dụng kháng sinh, giúp ổn định môi trường nước, dịch bệnh giảm đáng kể so với cách nuôi trước đây. Qua đó, người nuôi giảm được chi phí sản xuất, kiểm soát tốt dư lượng kháng sinh trong con tôm thương phẩm, nâng cao giá trị sản phầm và hiệu quả kinh tế.

Trong những năm gần đây, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã và đang triển khai xây dựng mô hình “Nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc” trên địa bàn toàn tỉnh. Nhờ áp dụng công nghệ Semi-Biofloc mà nhiều hộ nuôi tôm đã nâng cao được năng suất và hiệu quả kinh tế. Mô hình này đang mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng cho nghề nuôi tôm tỉnh nhà.

NT