TIN THỦY SẢN

Gặp lại vị thứ trưởng “cầm đèn chạy trước ô tô”

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi thăm vùng nuôi tôm đầu tiên ở miền Trung, người ngoài cùng bên phải là Thứ trưởng Nguyễn Hữu Cẩn. Ảnh: Tư liệu. Trần Nguyên Anh

Những năm 1980, mô hình “tự cân đối tự trang trải” do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Cẩn và các đồng nghiệp trong ngành thủy sản khởi xướng đã hai lần được Bộ Chính trị tổ chức hội nghị để xem xét và cuối cùng đã được đưa vào cuộc sống thay thế cho mô hình bao cấp. Chúng tôi gặp lại người “cầm đèn chạy trước ô tô” một thời này.

Cơn bão bao cấp

Bác Nguyễn Hữu Cẩn sinh năm 1926 (hộ khẩu ghi là năm 1924). Tuổi đã gần 90, bác vẫn nhanh nhẹn và minh mẫn.

Những năm chống Mỹ, bác Cẩn làm giám đốc Sở Công nghiệp Hải Phòng trong đó có ngành thủy sản. Hải Phòng và Quảng Ninh là hai tỉnh có ngành thủy sản lớn nhất miền Bắc khi đó. Năm 1974, bác lên làm Tổng Cục phó Tổng Cục Thủy sản.

Năm 1975, thống nhất đất nước, hợp nhất thủy sản hai miền: “Khi ấy Bộ Chính trị thấy biển ta lớn quá, nên cử đồng chí Võ Chí Công làm Bộ trưởng Bộ Thủy sản để đề ra phương hướng quản lý và khai thác biển. Tôi làm thứ trưởng. Năm 1976, tôi được cử vào Sài Gòn với tư cách thứ trưởng Bộ Thủy sản phụ trách phía Nam” - bác tắc lưỡi kể - “Nhiều người khuyên tôi đừng có vào mà dại, nhưng tôi vẫn quyết tâm vào”.

Lúc ấy cả nước vừa thống nhất, nhiều hy vọng đặt vào ngành thủy sản. Sông biển lớn như thế, đầy ắp tôm cá. Khai thác lên mà bán là có tiền ngay. Không ngờ mọi sự lại không đơn giản.

Năm 1976, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Cẩn đi khảo sát tình hình thủy sản toàn miền Nam. Cảm tưởng của ông là như đi vào trong một trận bão. Thuyền bè, hợp tác xã ngổn ngang, hoang tàn, không sản xuất hoặc sản xuất bao nhiêu lỗ bấy nhiêu.

“Mỹ đột ngột cấm vận kinh tế, thủy sản miền Nam không xuất khẩu được nữa. Các hợp tác xã không biết sản xuất tôm cá để làm gì”. Có những ngày tôm từ đồng bằng sông Cửu Long được đưa lên Sài Gòn 600-1.000 tấn mà không ai mua. Đời sống khó khăn, nhân dân không có tiền mua tôm ăn.

Bác Cẩn phân tích: “Chúng ta muốn xuất khẩu sang các nước tư bản, vì đây là thị trường chính, nhưng không xuất khẩu được”. Trong kháng chiến, ngành thủy sản ở miền Bắc chỉ mong ước một năm xuất được 100.000 USD, nhưng không bao giờ đạt được. Trong khi đó ở miền Nam năm 1960 đã xuất khẩu … 21 triệu USD.

Bác Cẩn kể: “Một số ý kiến cực đoan cho rằng phải tạm bỏ ngành thủy sản”. Số là kế hoạch 1976 - 1980 kỳ vọng đặt kế hoạch đánh bắt nuôi trồng 1 triệu tấn cá, xuất khẩu 40 triệu USD. Hết năm 1980, nuôi trồng đánh bắt thủy sản chỉ được 70 vạn tấn, xuất khẩu chỉ được 11,2 triệu USD.

Từ chỗ mỗi năm nhà nước cung cấp 10 vạn tấn dầu cho ngành, lúc này rút xuống chỉ cấp 1 vạn tấn “để đổi lấy cá cho bộ đội, công an, cán bộ ăn”. Năm 1978, chính phủ hỏi Bộ Thủy sản… định đưa nhà nước đến đâu. “Trước kia cấp 1 tấn dầu thu được 1 tấn cá, giờ 3 -4 tấn dầu thu một tấn cá – bác Cẩn bảo - Một phần dầu dân họ bán đi để mua gạo rồi”.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Cẩn thấy có hai vấn đề cần thực hiện sớm để cứu ngành, đó là phải tạo việc làm cho người dân và phải có chỗ xuất khẩu sản phẩm dân làm ra.


Nguyên Thứ trưởng Nguyễn Hữu Cẩn. Ảnh: N.A.

Lèo lái con thuyền tự cân đối tự trang trải

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Cẩn đã qua các đầu mối xuất khẩu, tiếp xúc với các thương gia nước ngoài nắm tình hình. Ông phát hiện ra việc cấm vận của Mỹ đã tạo ra một nhu cầu thủy sản rất lớn do thiếu hụt nguồn cung. Thậm chí thị trường Mỹ cũng rất cần thủy sản Việt Nam.

Các thương nhân Hồng Kông, Nhật, Singapore, cam kết sẽ giúp đưa thủy sản Việt Nam trở lại thị trường thế giới, dĩ nhiên là phải dựa vào các công ty của họ để tránh sự trừng phạt của Mỹ với các mặt hàng của Việt Nam.

Khi có thị trường rồi, lại đến câu chuyện lấy đâu sản phẩm xuất khẩu, khi mà nghề cá đã gần như kiệt quệ. Các hợp tác xã rệu rã.

Với tư cách thứ trưởng phụ trách phía Nam kiêm Tổng giám đốc Seaprodex (Tổng công ty Thủy sản ngày nay), Thứ trưởng Nguyễn Hữu Cẩn đã đưa ra một triết lý quản lý mới đó là Tự cân đối, tự trang trải, mở và hội tu.

Bác Cẩn nói với tôi: “Tự cân đối, tự trang trải là mô hình quản lý của Seaprodex, thay thế cơ chế bao cấp sống bằng tiền nhà nước và sản xuất theo chỉ đạo của cấp trên. Mở có nghĩa là mở rộng thị trường mở mối quan hệ ra thế giới, hội tụ là quy tụ nhân dân để xây dựng nghề cá hiện đại. Phương châm rõ ràng là không phải quốc doanh mà chính nghề cá nhân dân mới là nguồn lực của ngành”.

Nhớ lại những ngày tháng tự cân đối tự trang trải ấy, bác Cẩn kể: “Làm sao để nuôi được nghề cá nhân dân trong bối cảnh bao cấp tập trung? Tôi đã đi đến các công ty may mặc, công ty dệt, công ty sữa, thậm chí cả công ty dầu khí để đưa vải vóc đường sữa về cho ngư dân, đổi lấy tôm cá đem đi xuất khẩu, rồi lấy tiền đô la trả cho các công ty dệt, dầu khí”.

Ngư dân rất phấn khởi, lao vào khôi phục sản xuất. Các nhà máy trong nước cũng tiêu thụ được nhiều sản phẩm, có ngoại tệ để mua sắm thiết bị mới.

Seaprodex trở thành một doanh nghiệp “đi đâu thắng đó”. Bác Cẩn kể: “Chính phủ gọi tôi lên, bảo một số nhà máy điện không có máy móc linh kiện, hóa chất, nhờ mua chịu, trả dần. Chúng tôi lo cho mấy trăm triệu USD. Sau đó nhà nước trả ngành chúng tôi bằng tiền ngân hàng”.

Bác kể câu chuyện hài hước mà có thật: “Chủ tịch thành phố Hà Nội biên thư nhờ xoay vài trăm triệu USD để đầu tư. Chúng tôi lo được. Sau đó thành phố Hà Nội gửi trả cho chúng tôi một chuyến tàu chở toàn … xe đạp. Tôi lại đưa về động viên ngư dân sử dụng”.

Nghề cá nhân dân

Bác Cẩn nói với tôi những chiêm nghiệm của mình về sự nghiệp đổi mới: “Không phải nhân dân không ủng hộ mà một số người lãnh đạo không ủng hộ đổi mới. Họ bảo mô hình chúng tôi đang đi theo tư bản, đem tiền đô la về để mua máy móc cũ của tư bản. Những người không ủng hộ, có một phần họ không hiểu việc chúng tôi làm, nhưng cũng có người sợ trách nhiệm”.

Bên cạnh bác cũng nhiều người tin vào cơ chế tự cân đối tự trang trải. Bác Cẩn nói: “Ông Đỗ Mười, ông Tố Hữu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Phạm Hùng đều tin tưởng và động viên chúng tôi. Ông Võ Văn Kiệt thì bảo cái gì chưa có luật thì phải làm ra luật”.

Một trong những luật còn thiếu là luật đầu tư nước ngoài. Cái giá rất đắt cho chính gia đình thứ trưởng Nguyễn Hữu Cẩn là hai con trai của ông đã bị đi tù trong một vụ án liên quan đến đầu tư nước ngoài, từ mức án chung thân sau được giảm xuống còn 4 năm tù.

“Hai lần Ban Bí thư yêu cầu tổ chức kiểm điểm về vấn đề cơ chế tự cân đối tự trang trải của Seaprodex. Thường trực ban bí thư là đồng chí Nguyễn Thanh Bình kết luận: Ban Bí thư kết luận cho phép làm mô hình này. Thế là chúng tôi yên tâm lao vào làm việc” – bác Cẩn cầm cuốn hồi ký của mình, nói với tôi như thế.

Bác Cẩn kể: “Trước hội nghị, có ý kiến nói tôi làm thế được nhiều phong bì lắm. Nhưng tôi nghĩ, những ai từng đổi mới đều biết, nếu không có sự trong sáng, không có sự tận tâm vì sự nghiệp chung thì không thể nào đi cùng sự nghiệp đổi mới”.

Tôi hỏi bác với tư cách Hội đồng tư vấn và dịch vụ phát triển nghề cá – Hội nghề cá Việt Nam, bác nghĩ gì về ngành thủy sản hôm nay. Bác Cẩn tặng tôi một số nghiên cứu mới viết của mình: “Phải đánh giá đúng vị trí vai trò của kinh tế biển với sự an nguy của đất nước. Điều này các thế hệ lãnh đạo tiền bối vào những năm 1970 đã chỉ rõ. Việt Nam phải phát triển kinh tế biển, chúng ta phải làm chủ biển đảo của mình”.

Nguyên thứ trưởng Bộ Thủy sản đề cao nghề cá nhân dân: “Ngành thủy sản phải đi từ nghề cá nhân dân, quốc doanh không thành công. Người dân phải được làm chủ, đó là vấn đề cốt lõi”.

Trước tình trạng các tập đoàn nhà nước đang có xu hướng sống dựa vào bầu sữa của ngân sách, bác Cẩn cho rằng bài học về cơ chế tự cân đối, tự trang trải của thời kỳ đổi mới vẫn còn. Từ hai bàn tay trắng, khi Tổng giám đốc Nguyễn Hữu Cẩn nghỉ hưu, Seaprodex có số vốn là 1.400 tỷ đồng vào thời điểm 1992.

Hồi đó gọi là vốn tự có. Vốn này công ty làm ra nhưng tuyệt đối không được ăn chia, mà do nhà nước kiểm soát, việc sử dụng vốn phải có sự đồng ý của nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước phải làm giàu cho đất nước chứ không phải làm nghèo đất nước.

Bác Nguyễn Hữu Cẩn nói thủy sản Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng. Kinh nghiệm cho thấy lúc khó khăn thủy sản vẫn là nơi trú ẩn bình yên. Ngành thủy sản đã xuất khẩu 6 tỷ USD/năm, khả năng lên đến 10 tỷ USD là có thể.

Nguyên thứ trưởng Nguyễn Hữu Cẩn tỏ ra lo ngại việc ngành thủy sản vẫn nặng về khai thác mà chưa chú ý tái tạo nguồn lợi: “Khai thác thủy sản một, phải tái tạo lại gấp hai thậm chí gấp ba, như thế mới là lo cho ngành và cho đất nước sau này”.

Tháng 11 - 2012

“Được Đảng và Nhà nước cho phép ngành thủy sản đã làm thử cơ chế tự cân đối tự trang trải, được quyền sử dụng công cụ ngoại thương, chủ động xuất nhập cũng như thương mại trong nước, gắn liền thương mại ngoại thương với sản xuất, đã có một bước tiến bộ vượt bậc. Công cụ ngoại thương cũng như công cụ thương mại đã trở thành một công cụ hàng đầu để kích thích sản xuất phát triển”. Trích báo cáo tổng kết của Seaprodex giai đoạn 1981-1983

Trần Nguyên Anh theo báo Tiền Phong