TIN THỦY SẢN

Giá cá kèo 'tuột dốc không phanh'

Giá cá kèo giảm mạnh. Ảnh: Internet Thúy Liễu

Tại ao nuôi ở Sóc Trăng giá cá kèo 'tuột dốc không phanh', hiện chỉ còn 25.000 đồng - 35.000 đồng/kg khiến người nuôi cá kèo khá lo lắng.

Suốt nhiều năm qua, cá kèo được xem là một trong số những loại cá nuôi có giá trị kinh tế cao. Cá kèo sống chủ yếu ở vùng nước lợ và nước mặn nên chỉ có các huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên và TX. Vĩnh Châu phát triển nuôi loại thủy sản này. Nhờ nuôi cá kèo mà đời sống nhiều hộ dân khấm khá. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, giá cá kèo giảm sâu nên nhiều hộ nuôi đang khá lo lắng.

Khi gặp khó khăn do ảnh hưởng thời tiết, người dân hay chọn con cá kèo để nuôi nhằm đảm bảo đời sống cũng như tăng thu nhập. Vì cá kèo hạn chế vùng nuôi nên giá luôn ở mức cao và ổn định; có khi tới tay người tiêu dùng 1kg cá kèo lên đến 100.000 đồng - 130.000 đồng (tùy kích cỡ). Còn tại ao nuôi, sau thu hoạch giá cá ở mức 80.000 đồng - 95.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khoảng 1 tháng trở lại đây, giá cá kèo "tuột dốc không phanh", hiện tại chỉ còn 25.000 đồng - 35.000 đồng/kg khiến người nuôi cá kèo rất sốc và không thể lý giải được nguyên nhân.

Cá kèo thu hoạch tại ao bán với giá 25.000 đồng/kg.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân (TX. Vĩnh Châu) Lê Thị Cẩm Đương chia sẻ: “Diện tích nuôi cá kèo trên địa bàn xã khoảng 14ha, đây là những hộ nuôi theo hình thức tự phát và chuyển đổi từ các ao nuôi tôm sang trong thời điểm con tôm không được giá. Nhờ nuôi cá kèo mà một số hộ khấm khá, nên các hộ dân quanh vùng mở rộng diện tích nuôi”.

Cũng theo đồng chí Đương, đầu vụ, thương lái đến thu gom ở mức 85.000 đồng/kg tại ao. Đến thượng tuần tháng 11 này, người dân còn cá trong ao vô cùng lo lắng bởi giá chỉ còn 25.000 đồng/kg, nếu không thu hoạch, chi phí thức ăn đội lên cao, giá cá vẫn chựng ở mức đó thì càng lỗ nặng hơn. Do vậy, hiện nhiều hộ nông dân đang ráo riết tìm thị trường tiêu thụ, nhưng tình hình vô cùng khó khăn. Địa phương đang tìm giải pháp hỗ trợ người dân bằng cách kêu gọi một số thương lái trong tỉnh thu mua cá vẫn chưa có khả quan.

Buồn rầu nhìn ao cá đang đến độ thu hoạch, nhưng chờ lái hơn 2 tuần qua mà chẳng thấy ai đến, ông Sơn Hol, xã Vĩnh Tân bộc bạch: “Tôi nuôi cá kèo đã hơn 5 năm. Trước nuôi tôm lỗ liên tiếp nhiều năm, trắng tay, chuyển sang nuôi cá kèo vài năm nay trả được vốn vay ngân hàng. Nhưng năm nay không ngờ đùng một cái giá cá kèo xuống thấp đột ngột, trở tay không kịp. Nếu như cùng kỳ năm trước, giá cá ở mức 80.000 đồng/kg, với 1ha nuôi, trừ hết chi phí, lợi nhuận hơn 300 triệu đồng/ha; giờ chỉ còn với giá 25.000 đồng/kg thì xem như tôi lỗ nặng”. Theo ông Hol, nuôi cá kèo chi phí rất cao và thời gian chăm sóc cá từ lúc thả tới thu hoạch tầm 6 tháng, nếu giá cá được 60.000 đồng/kg thì người nuôi phá huề.

Tuy giá cá kèo tại ao nuôi của người dân hiện bán ở mức rất thấp nhưng tại các điểm chợ ở TP. Sóc Trăng giá vẫn ở mức cao, tầm 70.000 đồng - 90.000 đồng/kg, người bán thu về lợi nhuận vô cùng lớn, còn người tiêu dùng mua cá giá cao, cuối cùng người nuôi và người tiêu dùng là thiệt thòi.

Chị Thạch Tha - một tiểu thương chuyên bán các loại cá nước mặn (trong đó loại cá chính là cá kèo) tại chợ Phnô-Puôl, xã Vĩnh Tân cho biết: “Giá cá kèo bán ra là 55.000 đồng/kg, đây là giá rất mềm so với trước, chứ trước đây giá bán luôn ở mức 85.000 đồng - 95.000 đồng/kg”.

Trưởng Phòng Kinh tế TX. Vĩnh Châu Lê Minh Trường thông tin: “Toàn thị xã có 362ha thả nuôi cá kèo, với 576 hộ tham gia nuôi. Cá kèo nuôi có năng suất bình quân ước đạt 17 tấn/ha. Đối với cá kèo nuôi trong hộ dân sau thu hoạch bán chủ yếu tại các chợ lớn ở TP. Hồ Chí Minh và tiêu thụ trên địa bàn tỉnh. Theo đó, giá cá sụt giảm nghiêm trọng bởi ảnh hưởng tình hình dịch bệnh ghẻ lở trên cá ở một số tỉnh bạn nên đã tác động lớn đến việc tiêu thụ cá kèo trong tỉnh. Dự đoán giá cá vẫn sẽ ở mức thấp vì dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Đồng thời, để vụ nuôi năm 2018 thành công, tránh tình trạng dội hàng và tăng sức mua, đơn vị khuyến cáo bà con nông dân nên thận trọng trong cách lựa chọn con giống, không mở rộng diện tích nuôi cá kèo và có thể nuôi thêm một số loài thủy sản khác tránh việc chuyên canh nuôi 1 loại cá nhằm hạn chế thấp nhất các tình huống rủi ro có thể xảy ra”.

Thúy Liễu Báo Sóc Trăng