TIN THỦY SẢN

Giá cá tra tăng lên kỷ lục, 'cơn sốt' chỉ nhất thời

Nuôi cá tra ở ĐBSCL. Ảnh: Internet Hữu Đức

Hiện nay ở ĐBSCL cá tra nguyên liệu cung ứng về các nhà máy chế biến thủy sản hút hàng, giá tăng cao đỉnh điểm. Trong số dân nuôi cá, một số người tiếc nuối khi cá trong ao chưa tới lứa để bán.

Trong khi có người sốt ruột muốn thả cá nuôi.

Cơn sốt nhất thời?

Dân nuôi cá tra ở cù lao Tân Lộc (Thốt Nốt, Cần Thơ) bắt đầu thấy nôn nao khi giá cá tra tăng liên tục.


Nuôi cá tra ở cù lao Tân Lộc (Thốt Nốt, Cần Thơ)

Đầu tháng 11/2017 cá thịt trắng, trong size (cỡ) 0,8 - 0,9 kg/con theo nhu cầu chế biến xuất khẩu đã lên 28.000 đ/kg. Đến nay, chỉ sau 1 tuần giá cá thương phẩm loại tốt nhảy vọt lên 28.500 đ/kg, tăng 1.500 - 2.000 đ/kg so với tháng trước, mức kỷ lục từ trước tới nay. Riêng loại cá còn sót lại quá lứa trong ao cỡ trên 1 - 1,3 kg/con cũng có giá hơn 26.000 đ/kg. Tuy nhiên, ông Út Anh, anh Toàn… là dân nuôi cá tại cù lao, nói: Tuy lúc này cá có giá cao như vậy nhưng còn nhiều ao cá nuôi chưa tới lứa bán.

Giới dân chạy hàng cung ứng và các ghe thu mua chở cá về các nhà máy chế biến thủy sản trong vùng, cho biết: Nguyên nhân cá tra lên giá là do nguồn cung không đáp ứng nhu cầu cần nguyên liệu tại các nhà máy xuất khẩu hàng vào hai tháng cuối năm. Tuy điều này đã dự báo từ cuối quí I/2017 khi giá cá tra bắt đầu tăng dần, nhưng người nuôi cá vẫn còn dè chừng vì ngại rủi ro từ thị trường xuất khẩu. Còn nguồn cung ứng cá giống ở tình trạng tăng giảm thất thường.

Theo nguồn tin từ Hiệp hội cá tra Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm nay, do giá cá tăng dần đã khuyến khích người nuôi cá thả nuôi trở lại, sản lượng đạt hơn 543.000 tấn, tăng 0,9% so cùng kỳ năm trước. Tính trong 10 tháng qua tuy diện tích thả nuôi cá tra toàn vùng khoảng hơn 5.400ha, chỉ giảm 0,3% so cùng kỳ, nhưng ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và TP Cần Thơ lại có diện tích nuôi và sản lượng tăng khá.

Tuy nhiên, giới DN xuất khẩu thủy sản và người nuôi cá còn thận trọng, nhận định: Nhu cầu thị trường chỉ nhất thời thiếu hụt nguồn cung. Các thị trường tiêu thụ mạnh như Trung Quốc nhập khẩu cá tra khó đoán; xuất khẩu vào Mỹ còn đó đạo luật Farm Bill như một rào cản thách thức khó khăn sắp tới.

Thiếu hụt cá giống

Thị trường thăng trầm và hệ lụy những năm cá tra khủng hoảng thừa khiến cho mặt hàng cá tra chưa tạo được sự ổn định. Do đó vùng nuôi cá tra tuy giàu tiềm lực vẫn khó lấy đà phát triển nhanh hơn được. Đặc biệt việc đầu tiên là đầu tư sản xuất cá giống và tăng diện tích thả nuôi cá thương phẩm gần như luôn có sự bất cập.


Ông Út Anh nuôi cá tra bên cù lao Tân Lộc (Thốt Nốt, Cần Thơ)

Ông Nguyễn Ngọc Hải, người nuôi cá tra ở phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, cho biết: Bên cạnh vùng ao nuôi cá thương phẩm khoảng 10ha của tổ hợp tác theo hợp đồng liên kết với Tập đoàn Sao Mai (Cty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia - IDI), ông còn hợp tác đầu tư thêm khoảng 10ha với 14 ao chuyên sản xuất cá tra giống. Hiện nay cá tra giống rất nhiều người nuôi đặt mua nhưng không đủ bán.

Lý giải vì sao nguồn cung cá giống không đáp ứng nhu cầu, ông Hải cho rằng: Khi cá thương phẩm rớt giá thì lập tức kéo theo sau đó cá giống bán chậm, ế ẩm, lỗ lã ngay. Vì chuỗi sản xuất giống cá tra thương phẩm còn bấp bênh nên các cơ sở dần dà thiếu đầu tư mang tính chiến lược như ổn định đàn cá giống bố mẹ. Đó là chưa kể đến các điều kiện kỹ thuật, chất lượng nguồn nước, thời tiết. Từ đó dẫn tới tỷ lệ sinh sản, ương nuôi không đạt và người nguôi cá thương phẩm bị cao hụt với tỷ lệ cao. Dù rằng, ai cũng biết rõ trong nuôi trồng thủy sản giống là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Năm 2016 tổ sản xuất của ông Hải sản xuất 70 tấn cá tra giống (50 con/kg), trong đó có 2 loại cá giống đầu nhỏ khoảng 20 g/con và cá giống đầu lớn từ 30 - 100 g/con chủ yếu bán thả nuôi đổ bù vào các ao nuôi bị hao hụt. Hồi đầu năm, quí I/2017, cỡ cá giống 50 con/kg rớt giá còn 20.000 đồng. Hiện thời đã tăng lên 50.000 - 55.000 đ/kg vẫn thiếu hụt nguồn cung.

Qua thăm dò các cơ sở sản xuất cá giống lớn tập trung ở Phú Thuận, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), nguồn cung cá tra giống ra các tỉnh trong vùng hiện giảm khoảng 20-30%. Trong khi nguồn cung từ các trung tâm giống thủy sản của một số tỉnh có vùng nuôi cá tra không đáng kể so nhu cầu. Mấy năm qua, Trung tâm giống thủy sản An Giang sản xuất bình quân khoảng 500-700 triệu cá bột. Năm 2017 sản xuất khoảng 1 tỷ cá bột nhưng chỉ đáp ứng khoảng 5% so nhu cầu vùng nuôi cá tra trong tỉnh. Có thể nói sự mất cân đối, thiếu ổn định của ngành hàng cá tra còn trông đợi rất nhiều vào cánh cửa thị trường mở ra.

 

Hữu Đức NNVN