TIN THỦY SẢN

Giá cá tra, tôm nguyên liệu tăng mạnh vì thiếu cung cho cuối năm

Giá cá tra, tôm nguyên liệu tăng mạnh vì thiếu hụt nguồn cung trong khi xuất khẩu tăng vào cuối năm

Bộ NN&PTNT cho biết, giá cá tra và tôm nguyên liệu tăng trong thời gian gần đây nhờ nhu cầu thu mua nguyên liệu để chế biến xuất khẩu từ các doanh nghiệp tăng phục vụ các đơn hàng cuối năm.

Tình hình chăn nuôi trồng thủy sản

Trong tháng 10, miền Bắc chịu ảnh hưởng của không khí lạnh, xuất hiện các đợt mưa lớn trên diện rộng, thời gian mưa kéo dài, thời tiết miền nam thay đổi thất thường, nắng nóng lại có mưa to kéo dài làm môi trường nước thay đổi đột ngột, ảnh hưởng đến đàn thuỷ sản nuôi.

Sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 10 ước tính tăng 3,4% so với cùng kì năm trước lên 360 ngàn tấn, đưa tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản 10 tháng đầu năm đạt 3.173 ngàn tấn, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước.


Giá cá tra nguyên liệu tại một số tỉnh thành. Nguồn: Bộ NN&PTNT

Trong đó, sản xuất cá tra vẫn đang trên đà tăng trưởng mạnh, nhiều diện tích đang được thu hoạch để đáp ứng nhu cầu của các nhà máy chế biến. Giá cá tra thương phẩm dao động ở mức 26.000 – 28.000 đồng/kg, tăng 20% so với cùng thời điểm năm 2016. Giá cá tra tăng mạnh trong thời gian qua là nhờ nhu cầu thu mua nguyên liệu để chế biến xuất khẩu từ các doanh nghiệp tăng phục vụ các đơn hàng cuối năm, trong khi nguồn cung hạn chế.

Diện tích nuôi cá tra của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long 10 tháng đầu năm giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 5.410,3 ha. Sản lượng thu hoạch 10 tháng tăng trưởng khá, đạt 1.110,3 ngàn tấn (+11,2%). Trong đó, các tỉnh có diện tích và sản lượng cá tra lớn vẫn phát triển nuôi mạnh là Đồng Tháp với sản lượng 412,4 ngàn tấn, tăng 26,9% so với cùng kỳ, Cần Thơ với sản lượng đạt 152,9 ngàn tấn (+9,6%).

Trong khi đó, diện tích nuôi tôm nước lợ của cả nước 10 tháng đầu năm dự báo tăng 4,1% lên 705 ngàn ha, với sản lượng thu hoạch ước đạt 550 ngàn tấn, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm 2016.


Diện tích và sản lượng nuôi tôm nước lợ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tăng mạnh. Nguồn: Bộ NN&PTNT

Giá tôm nguyên liệu thời gian vừa qua cũng ghi nhận tăng do nguồn cung yếu, trong khi các doanh nghiệp lại đẩy mạnh thu mua phục vụ xuất khẩu cuối năm.

Giá trị xuất khẩu thuỷ sản tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2016

Báo cáo của Bộ NN cũng cho biết, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 10 ước đạt 733 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu thủy sản 10 tháng đầu năm nay tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2016 lên 6,73 tỷ USD.

Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2017, chiếm 55,3% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong đó, các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Trung Quốc (65,8%), Hà Lan (42,9%), Anh (29,7%), Hàn Quốc (27,7%), Nhật Bản (24,6%), và Canada (22,6%).

Về nhập khẩu thủy sản, Bộ NN&PTNN ước tính giá trị nhập khẩu trong tháng 10đạt 103 triệu USD, đưa giá trị nhập khẩu thủy sản 10 tháng đầu năm tăng 29,8% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1,14 tỷ USD.

Trong đó, thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất trong 9 tháng đầu nămlà Ấn Độ (chiếm 27,6% thị phần) tiếp theo là Trung Quốc, Nauy, Đài Loan và Nhật Bản với thị phần lần lượt là 8,2%, 7,7%, 7,2% và 5,5%.

Trong 9 tháng đầu giá trị nhập khẩu thủy sản tăng ở hầu hết các thị trường chính, ngoại trừ thị trường Hàn Quốc với giá trị giảm là 2,7% so với cùng kỳ năm 2016. Giá trị nhập khẩu thủy sản tăng mạnh nhất so với cùng kỳ năm 2016 là ở thị trường Chi Lê (gấp hơn 2 lần) và thị trường Trung Quốc (tăng 88,1%).

Vietnambiz.vn