TIN THỦY SẢN

Giá các mặt hàng thủy sản toàn cầu tăng

Ảnh minh họa: viralscape.com Diệu Thúy Theo FAO

Sản lượng cá và thủy sản toàn cầu dự kiến sẽ tăng nhẹ trong năm 2017, tăng 1,1% so với năm trước. Nguyên nhân là do hiện tượng El Nino kết thúc và sản lượng khai thác của một số loài chính phục hồi, đặc biệt là ngành cá cơm tại Nam Mỹ.

Trong khi đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ tương tự năm 2016. Theo các dự báo gần đây của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), sản lượng nuôi trồng thủy sản sẽ chiếm phần lớn trong tổng sản lượng thủy sản vào năm 2022. Do nhu cầu tăng mạnh trên toàn thế giới, thương mại thủy sản thế giới dự kiến sẽ tăng khoảng 5,8% lên 150,9 tỷ USD trong năm 2017.

Các chỉ số kinh tế vĩ mô quan trọng ở nhiều khu vực trên thế giới đang có xu hướng tăng mạnh trong năm 2017 phản ánh sự phục hồi kinh tế tuy còn chậm nhưng ổn định sau một thời gian dài trì trệ đã khiến lãi suất giảm xuống mức rất thấp. Khi thu nhập tăng sẽ có mối tương quan tích cực với lượng tiêu thụ thực phẩm protein, bao gồm thủy hải sản, dẫn đến nhu cầu về thủy sản trên toàn thế giới tăng. Mặc dù sản lượng tăng, nhu cầu đối với thủy hải sản tăng trưởng mạnh mẽ hơn dẫn đến giá thủy sản tăng. Chỉ số giá thủy sản tính đến tháng 4/2017do FAO cung cấp tăng 7 điểm so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, giá cá hồi salmon, tôm, cá ngừ, các loài cá nổi - đặc biệt là cá thu - và loại cá khác tăng lần lượt là 22, 11, 8, 32 và 9 điểm so với cùng kỳ năm trước. Đối với cá hồi salmon, nhu cầu toàn cầu đang tăng mạnh trong khi nguồn cung tiếp tục khan hiếm do sự xuất hiện loại vi tảo độc hại đã đẩy giá lên tới mức kỷ lục. Đối với tôm, nhu cầu cao ở cả hai thị trường phương Tây và thị trường châu Á dẫn đến sản lượng tăng. Đối với cá ngừ, cải thiện quản lý trong hạn ngạch và sản lượng đánh bắt thấp dẫn đến giá tăng, trong khi giá mực, bạch tuộc và nhuyễn thể hai mảnh vỏ cũng bị ảnh hưởng do giá loại cá khác tăng. Cá thịt trắng là nhóm duy nhất mà giá giao dịch tổng hợp giảm (-5 điểm), chủ yếu là do nhu cầu thấp ở các thị trường chính đối với cá tra và cá rô phi.

Trong số các nước XK thủy sản chính trên thế giới, Ấn Độ và Chile dự kiến ​​sẽ là những nước có triển vọng trong năm 2017. Tại Ấn Độ, vụ mùa bội thu tôm chân trắng nuôi là yếu tố chính dự kiến ​​góp phần tổng XK thủy sản của Ấn Độ sẽ tăng 2,3 tỷ USD (+41%) vào năm 2017. Tại Chile, sự kết hợp sản lượng thu hoạch cá hồi salmon và mức giá cao đối với các sản phẩm cá hồi sẽ góp phần nâng tổng giá trị XK dự kiến ​​lên 1,6 tỷ USD (+30%). Ecuador (chủ yếu là tôm và cá ngừ), Peru (chủ yếu là bột cá và dầu cá) và Na Uy (chủ yếu là cá hồi, cá đáy và cá nổi) cũng được dự báo sẽ tăng đáng kể trong XK năm nay. Về phía các nhà NK, cả các nước phát triển và đang phát triển đều dự kiến ​​sẽ có kết quả tốt trong năm 2017. Trong đó, NK của các thị trường mới nổi ở Đông Nam Á nói riêng được dự báo sẽ tăng trưởng đáng kể, trong khi đó, nhu cầu thủy sản tại 3 thị trường NK truyền thống là Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản sẽ phục hổi đáng kể nhờ điều kiện kinh tế được cải thiện.

Dự kiến trong nửa cuối năm nay, nhu cầu thủy sản của các thị trường trên thế giới sẽ tiếp tục phát triển tích cực, mặc dù nguồn cung tôm, cá hồi salmon, bột cá và dầu cá tăng sẽ gây áp lực giảm giá đối với các sản phẩm thủy sản. Ngoài ra, việc hạn chế các vi phạm nhân quyền trong ngành thủy sản, giảm ô nhiễm từ chất thải, bảo tồn nguồn lợi cá và tác động của biến đổi khí hậu đều được nhấn mạnh là các lĩnh vực trọng tâm trong Hội nghị Đại dương của Liên Hiệp Quốc gần đây tại New York, đã diễn ra trong 5 ngày từ ngày 5 đến ngày 9/6/2017.

Tại hội nghị, các chính phủ, các tổ chức Liên Hiệp Quốc, các tổ chức phi chính phủ (NGOS) và các tổ chức khác đã thực hiện trên 1.000 cam kết tự nguyện liên quan đến một loạt các mục tiêu nằm trong Mục tiêu 14 về Phát triển Bền vững (Sustainable Development Goal 14) – trong việc bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và nguồn lợi biển.

Diệu Thúy Theo FAO VASEP