Giá cua biển tăng trở lại, 1ha thu về hơn 100triệu
Từ giữa tháng 6/2020 đến nay, giá cua biển người dân nuôi trong vuông ở các huyện vùng U Minh Thượng (Kiên Giang) tăng trở lại sau thời gian dài rớt giá.
Theo ông Võ Văn Linh, ngụ xã Nam Thái, huyện An Biên, do trước Tết Nguyên đán 2020 giá cua biển giảm sâu nên chỉ thả số lượng con giống ít xen trong vuông tôm. Với 4 ha vuông nuôi, nhưng ông Linh chỉ thả 6.000 con cua giống, sau hơn 3 tháng thả nuôi giờ đã thu hoạch. Điều đáng mừng hơn, đến kỳ thu hoạch giá cua biển bắt đầu tăng giá trở lại nên rất phấn khởi.
Hiện tại, ông Linh chỉ thu hoạch từ từ chứ không thu hết một lượt. Với giá bán hiện nay, cua gạch son loại I bán tại vuông nuôi từ 420.000 - 450.000 đồng/kg, tăng từ 80.000 - 100.000 đồng/kg; cua y giá từ 250.000 - 330.000 đồng/kg, tăng 50.000 đồng/kg; cua loại 4 con/kg (cua tứ) giá từ 170.000 - 230.000 đồng/kg, tăng 30.000 đồng/kg. Với giá này, theo nhẫm tính của ông Linh, mỗi 1 ha thả nuôi, nông dân thu về khoảng 160 triệu đồng.
Tuy nhiên, không phải ai nuôi cua cũng trúng, một số hộ trong vùng U Minh Thượng cũng tiếc vì nuôi không đạt trong khi giá tăng lên. Ông Lê Minh Đấu, ngụ xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận cho biết, thả mật độ 2.000 con/1 ha, nhưng do thời tiết nắng nóng kéo dài cua không lớn nên bán ra không có lãi nhiều.
Tại huyện U Minh Thượng, nhiều nông dân nuôi cua xen với tôm cũng rất phấn khởi. Ông Lê Hữu Có, ấp Cạn Ngọn, xã Thạnh Yên cho biết, sau Tết Nguyên đán giá cua giảm sâu nông dân chỉ nuôi một số ít, giờ tăng lên không có nhiều để bán cũng tiếc.
Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh Thượng cho biết, trên địa bàn huyện hầu hết 6/6 xã người dân nuôi tôm đều có xen với cua biển. Thế nhưng, sau Tết Nguyên đán giá của giảm sâu nên một số nông dân chỉ thả nuôi số lượng ít. Giờ giá cua tăng lên cao, nhưng toàn huyện chỉ có khoảng 200 ha được thả nuôi xen với tôm.
Theo ông Lê Hồng Khanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Minh, sau khi giá cua sụt giảm, một số nơi trong huyện nông dân không dám thả số lượng nhiều sợ không bán ra được.
Tuy nhiên, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tuyên truyền, vận động bà con nên giữ diện tích nuôi. Bởi vì đa số nuôi cua thường xen với diện tích nuôi tôm nên không phải đầu tư nhiều, thức ăn ít, rủi ro không cao. Nhờ vậy, hiện nay khi giá cua biển tăng lên, nông dân thu nhập lợi nhuận tăng cao, rất phấn khởi.
An Minh có diện tích nuôi cua biển nhiều nhất trong vùng U Minh Thượng, hiện toàn huyện có trên 40.000 ha thả nuôi cua đang vào đợt thu hoạch, trung bình mỗi ha nông dân thu về trên 100 triệu đồng.