Gia Lai: Phát triển thủy sản bền vững
Dù không giữ vai trò chủ lực trong cơ cấu ngành nông nghiệp, song việc xây dựng kế hoạch khai thác có hiệu quả tiềm năng mặt nước ao, hồ, đập là một trong những định hướng quan trọng góp phần đưa ngành nông nghiệp huyện Chư Pah phát triển bền vững luôn được lãnh đạo địa phương quan tâm.
Bước khởi động là việc xây dựng mô hình nuôi cá nước ngọt triển khai vào tháng 5-2012 cho 4 hộ dân tại 3 xã Nghĩa Hưng, Ia Mơ Nông, Ia Khươl, tổng diện tích ao, hồ đưa vào nuôi trồng 8.000 m2, bình quân mỗi hộ tham gia 2.000 m2; kinh phí đầu tư trên 194 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp của huyện.
Mô hình được triển khai theo hướng ngân sách huyện hỗ trợ 100% giống cá, hướng dẫn kỹ thuật chuẩn bị ao, cách chăm sóc cá, hỗ trợ thức ăn bằng cám, gạo cho các hộ tham gia mô hình. Các hộ tham gia bỏ công chăm sóc, tận dụng các sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch như rau, lá bắp cải làm thức ăn cho cá và một số chi phí khác. Các loài cá được chọn đưa vào nuôi là cá rô phi đơn tính, chép, mè trắng, trắm cỏ.
Ông Mai Xuân Trường, ở thôn 3, xã Nghĩa Hưng- một trong những hộ tham gia mô hình nuôi cá nước ngọt khẳng định: Tỷ lệ cá sống sau khi thả rất cao. Cá lớn nhanh, nhất là cá rô phi. Lợi nhuận từ mô hình thí điểm nuôi cá mang lại cho gia đình ông bao nhiêu phải đợi đến ngày xuất bán; song ông tin là sẽ thu lời cao hơn các năm trước. Lý do để ông tin là cá nuôi lần này không bị chết như những lần nuôi trước đồng nghĩa với sản lượng cá tăng lên. Hơn nữa, thời điểm xuất bán cá do người nuôi quyết định, thường vào dịp lễ, Tết nên giá bán cao hơn. Ngày thu cá, thương lái đến tận nhà đặt tiền mua nên không lo chuyện cá bị ế.
Theo tính toán của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pah thì chu kỳ thả cá đến xuất bán 10-12 tháng, nên những hộ tham gia mô hình nuôi cá nước ngọt chính thức xuất cá vào tháng 4-2013. Tuy nhiên, tại buổi đánh giá, tổng kết mô hình nuôi cá nước ngọt mới đây cho thấy thể trọng cá phát triển khá tốt, dự kiến đến cuối năm 2012, các hộ nuôi cá có thể thu tỉa một số loài cá như rô phi, chép và cá trôi. Dự kiến, đến ngày xuất bán trọng lượng bình quân cá nuôi đạt 0,6 kg/con, giá bán ở mức 35.000 đồng/kg; tỷ lệ cá sống đạt 80-90% ước tính giá trị kinh tế của mô hình đạt 269 triệu đồng. Khấu trừ chi phí đầu tư, mô hình nuôi cá nước ngọt cho lợi trên 90 triệu đồng, bình quân mỗi hộ lời gần 22,6 triệu đồng.
Giá trị lợi nhuận thực tế từ mô hình nuôi cá nước ngọt đạt được trên-theo nhìn nhận của ông Nê Y Kiên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pah là tiền đề để địa phương xây dựng lộ trình khai thác có hiệu quả tiềm năng nuôi trồng thủy sản; nhất là quy trình nuôi cá thương phẩm theo hướng chuyên canh trên 166 ha mặt nước ao, hồ nhỏ, ruộng trũng; 130 ha mặt nước lớn và diện tích mặt nước khai thác thủy sản trên 2.753 ha.
Thực tế, tiềm năng nuôi trồng thủy sản trên đã được người dân, các cơ quan quản lý khai thác nhiều năm qua, cụ thể là sản lượng cá năm 2012 đạt 270 tấn; trong đó sản lượng khai thác 120 tấn, còn lại là sản lượng nuôi trồng. Tuy nhiên, thực tế nuôi cá, nhất là nuôi cá trên diện tích ao, hồ được các gia đình tiến hành theo hình thức quảng canh và quảng canh cải tiến, nuôi theo mùa vụ. Ao, hồ sử dụng lâu năm, nhưng không cải tạo, dẫn đến hiện tượng cá trắm cỏ bị chết rải rác vào mùa mưa nên sản lượng cá bấp bênh, thu nhập người nuôi cá không ổn định.
Giải quyết hạn chế này, cơ quan chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật phòng, trừ bệnh cho cá đến nhân dân. Đồng thời vận động nhân dân các xã nhân rộng mô hình nuôi cá nước ngọt triển khai tại các xã Ia Mơ Nông, Ia Khươl và Nghĩa Hưng; nhất là áp dụng kỹ thuật xử lý ao, hồ; theo dõi độ phèn, nhiệt độ, màu nước; chế độ chăm sóc cá; số lượng cá giống đưa vào nuôi trên đơn vị diện tích... góp phần hoàn thành mục tiêu tổng sản lượng thủy sản năm 2013 đạt 325 tấn, tăng 55 tấn so với năm 2012 trong khi diện tích nuôi trồng và khai thác không tăng.