Giá thấp, hàng nghìn tấn thủy sản "mắc kẹt"
Hàng nghìn tấn cá tại huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) đã đến lứa phải xuất bán để cải tạo ao nuôi, phục vụ cho nuôi vụ mới nhưng giá thấp, người nuôi không muốn bán.
Hơn 2.000 tấn cá mắc kẹt ở Lập Lễ
Hàng loạt hộ dân nuôi trồng thủy sản Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên đang dở khóc dở mếu khi hàng nghìn tấn cá vược và cá trắm đen đã đến lứa phải xuất bán để cải tạo ao nuôi, phục vụ cho nuôi thủy sản vụ mới nhưng giá quá thấp, có nơi thu mua còn thấp hơn giá thành sản phẩm.
Ông Nguyễn Đức Văn - Giám đốc HTX Mắt Rồng cho biết: "Hợp tác xã có 65 hộ thành viên, nuôi thủy sản trên tổng diện tích mặt nước hơn 210 ha, hiện nay cá đang vào vụ thu hoạch, sản lượng dự kiến trên 2.000 tấn. Tuy nhiên, đợt này giá đang thấp, cá vược đang dao động từ 83.000-85.000đ/kg, cá trắm đen dao động từ 65.000-70.000đ/kg. Giá này thấp hơn nhiều so với trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19 nên nhiều người không muốn bán".
Trước đây, trung bình mỗi năm Hợp tác xã Mắt Rồng cho ra thị trường khoảng 4.500 tấn cá trắm đen và cá vược, trong đó riêng cá trắm đen chiếm đến 60% sản lượng trên thị trường miền Bắc.
Do vị thế nằm ở khu vực ngã 3 sông (sông Ruột Lợn, sông Bạch Đằng và sông Cấm), hàng năm chịu ảnh hưởng tích cực bởi thủy triều vùng cửa sông nên chất lượng nước ở đây rất phù hợp cho cá vược sinh trưởng và phát triển.
Các hộ dân ở đây từng thử nghiệm nuôi nhiều loại thủy sản khác nhau, nhưng cá vược cho sản lượng và giá trị kinh tế tốt hơn cả nên đã phát triển nuôi loại cá này thành sản phẩm chủ lực bấy lâu nay.
Và vùng Lập Lễ được xem là thủ phủ của cá vược và cá trắm đen ở Hải Phòng, việc tiêu thụ sản phẩm của Hợp tác xã những năm gần đây luôn thuận lợi do có thị trường tiêu thụ ổn định và việc vận hành của HTX khoa học, có tính toán ký lưỡng, cân bằng cung cầu và ít bị tiểu thương ép giá.
Thương lái thu mua tận nơi, nhưng nhiều hộ dân chưa muốn bán do giá thành thấp. Ảnh: Đinh Mười.
Theo Phòng Nông nghiệp huyện Thủy Nguyên, hiện tại, diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện đang có là 1.466ha, trong đó nuôi nước lợ là 781,3ha, nước ngọt là 684,2ha. Sản lượng thủy sản nuôi rất lớn, tuy nhiên, việc tiêu thụ còn nhiều bất cập.
Việc ký kết hợp đồng liên kết, tiêu thụ các sản phẩm thuỷ sản tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung huyện chưa có, chưa xây dựng được chợ đầu mối thuỷ sản của huyện. Do đó, một số sản phẩm thủy sản thế mạnh của huyện như cá vược, cá trắm đen tiêu thụ chậm, giá thu mua thấp hơn giá thành sản phẩm nên người nuôi không muốn bán để cải tạo ao nuôi, phục vụ cho nuôi thủy sản vụ mới.
Không chỉ ở Lập Lễ
Không chỉ ở Lập Lễ xảy ra tình trạng này mà ở nhiều nơi khác như Cát Bà, Dương Kinh… giá cả thị trường xuống thấp ảnh hưởng lớn đến người nuôi.
Tại Cát Bà, mấy trăm hộ nuôi cá lồng trên vịnh cũng lao đao thời gian vừa qua do dịch bệnh, nhà hàng khách sạn đóng cửa, giá cả thủy sản xuống thấp, khó bán hoặc không thể bán trong khi cá càng nuôi càng lớn.
Ông Vũ Văn Thoản - nuôi cá lồng ở Bến Bèo, Cát Bà cho biết: "Hiện tại mỗi ngày trung bình mất khoảng 10 triệu tiền thức ăn cho cá. Tuy nhiên, giá quá thấp và thậm chí thời điểm giãn cách xã hội do dịch Covid-19 gia đình không thể bán được cá. Hoặc có bán giá cũng thấp, không bõ công nuôi. Cá ngày càng lớn, bán cũng lỗ mà nuôi thì càng lỗ”.
Tại quận Dương Kinh, giá tôm cũng xuống thấp gần 1 nửa so với năm 2019 nhưng các hộ dân vẫn phải bán để chuẩn bị cho vụ mới.
Ông Vũ Bá Quang, hộ nuôi tôm ở phường Tân Thành cho hay: Tôi nuôi tôm nhà bạt (tôm mùa đông) và thu hoạch, năm nay được mùa, dự kiến khoảng 10 tấn tuy nhiên giá thấp. Năm ngoài hơn 200.000đ/kg nhưng năm nay chỉ được 165.000đ/kg, nhưng vẫn phải bán do đã đến kỳ thu hoạch và chuẩn bị cho vụ nuôi tiếp theo.
“Tôi may mắn nuôi cả 2 năm nay được không bị dịch bệnh, năng suất có thể nói là đạt nhưng giá hơi thấp 1 chút. Tuy nhiên so với những hộ nuôi bên cạnh thì vẫn còn may mắn hơn. Có anh Phụng nuôi cạnh nhà tôi phải bán cách đây 1 tháng với giá chỉ 110.000đ/kg trong khi vốn bỏ ra khoảng 90.000-100.000đ/kg, lãi chỉ 20.000đ/kg”.
Theo Chi cục Thủy sản Hải Phòng, hiện tại, Hải Phòng đang có hơn 8,9 ha nuôi trồng thủy sản, sản lượng nuôi trồng thủy sản trong 4 tháng đầu năm ước đạt 25,67 nghìn tấn. Vừa qua, hầu như tất cả đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giá cả và lượng tiêu thụ đều giảm.
Trước thực trạng này, trong thời gian tới, ngoài việc tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức, các nhân nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng trong quá trình tiêu thụ sản phẩm do dịch bệnh Covid-19 tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng để khắc phục khó khăn. Cơ quan chức năng có thẩm quyền cần có chính sách hỗ trợ và hướng dẫn người dân thực hiện việc tích tụ ruộng đất, sản xuất hàng hóa tập trung. Đồng thời, tục hỗ trợ cơ giới hóa, chính sách khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao tiến bộ khoa học, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất, sơ chế, chế biến các sản phẩm nông nghiệp.
Mặt khác hỗ trợ thúc đẩy mô hình liên kết bền chặt giữa doanh nghiệp và nông, xây dựng lòng tin và phát huy vai trò, trách nhiệm giữa các bên với nhau, tránh tình trạng bẻ kèo khi giá cả thị trường biến động để nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Cụ thể là doanh nghiệp đảm bảo bao tiêu cho người dân trong mọi trường hợp còn người dân đảm bảo bán cho doanh nghiệp với giá đã thống nhất trong hợp đồng bất kể giá cả điểm thu hoạch thấp hơn giá thị trường.