Giá tôm Ấn Độ tại thị trường Trung Quốc tăng 50%
Theo một quan chức hàng đầu tại cơ quan đại diện thủy sản của Ấn Độ có trụ sở tại Trung Quốc, giá tôm của Ấn Độ tại thị trường này đã cao hơn 50% so với cùng kỳ năm trước.
Tiến sĩ Shine Kumar, Phó Giám đốc Cơ quan Xúc tiến Xuất khẩu Thủy sản Ấn Độ (MPEDA) cho biết: "Nhu cầu của thị trường Trung Quốc đang tăng, góp phần bù đắp khoảng thiếu hụt do nhu cầu giảm trên thị trường châu Âu, đây là tin rất tốt cho các nhà sản xuất tôm sú và tôm thẻ của chúng tôi. Trung Quốc đã từng là thị trường quan trọng đối với các sản phẩm từ cá của Ấn Độ. Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu đối với các sản phẩm tôm từ thị trường này cũng tăng lên đáng kể, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng”. Điều thú vị là Trung Quốc chỉ xếp ở vị trí thứ tư - sau Đông Nam Á, Mỹ và Liên minh châu Âu - trong bảng xếp hạng của Tiến sĩ Shine Kumar về các thị trường thủy sản hàng đầu của Ấn Độ .
Bên cạnh nhu cầu nâng cao doanh số mặt hàng cá (nguyên con, bỏ ruột) và tôm hùm tại thị trường Trung Quốc, các nhà xuất khẩu thủy sản Ấn Độ cũng đang nỗ lực đưa mặt hàng cá rô và cá đù vào thị trường này. Theo Tiến sĩ Kumar, vùng Đông Bắc và Tây Bắc của Ấn Độ rất giàu tài nguyên thủy sản, song nhu cầu về mặt hàng tôm hùm còn rất ít do giá của mặt hàng này cao, vượt quá khả năng chi trả của phần đông người dân Ấn Độ. Do vậy, xuất khẩu là xu hướng phù hợp cho mặt hàng này.
Tại Hội chợ Triển lãm Thuỷ sản Trung Quốc diễn ra tại Đại Liên, 10 doanh nghiệp thủy sản Ấn Độ đã đến tham dự, trong số đó có Công ty Xuất khẩu và Lương thực Blue Water - doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn tại thị trường Trung Quốc. Theo ông Sreenivas Bhat, Giám đốc điều hành của Blue Water, trong năm nay, khối lượng tôm xuất khẩu sẽ tăng từ 20% - 30% so với năm ngoái và giá tôm sẽ tăng 30%. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ 50% sản lượng xuất khẩu của Blue Water, tiếp theo đó là Thái Lan với 30% và EU 20%. Tuy nhiên, ông Bhat hy vọng giá tôm cũng như nhu cầu của Trung Quốc sẽ duy trì mức ổn định trong năm 2014.
Cũng trong đoàn doanh nghiệp của MPEDA tới Trung Quốc lần này, Công ty Xuất khẩu Anja Naik (có trụ sở tại Mumbai) cho biết, nhu cầu về các mặt hàng như cá vược, mực nang và mực ống tại Trung Quốc trong năm nay đã tăng lên đáng kể . Naik cũng dự đoán giá tôm đánh bắt tự nhiên sẽ tăng mạnh.
MPEDA ưu tiên nuôi cá rô phi, cá vược, cá mú. Tại hội chợ Đại Liên, MPEDA cũng giới thiệu sản phẩm cua biển tới khách hàng Trung Quốc. Mặc dù đây là sản phẩm mới song Ấn Độ cũng đã nghiên cứu và đầu tư phát triển rất nhiều, đồng thời cũng đảm bảo đủ khối lượng cung cấp cho thị trường Trung Quốc. Ấn Độ cũng dự định sẽ phát triển sản phẩm surimi tại thị trường này.
Quan chức của MPEDA cho biết, Ấn Độ đã có kế hoạch gia tăng lượng nhập khẩu cá hồi của Na Uy. Đây là dấu hiệu cho thấy cơ hội đang mở ra cho thị trường nội địa của Ấn Độ. Trong mấy thập kỷ vừa qua, thế giới đã được chứng kiến những thành công ấn tượng của nền kinh tế Ấn Độ, tuy nhiên nhu cầu nhập khẩu thủy sản của nước này so với Trung Quốc - quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế lớn nhất trên thế giới vẫn còn rất khiêm tốn. Ấn Độ cũng đang tìm cách tận dụng giá thành lao động rẻ để thu hút nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản đầu tư. So với Trung Quốc, mức lương ở Ấn Độ vẫn còn rất thấp. Theo một khảo sát gần đây do Ngân hàng UBS có trụ sở ở Thụy Sĩ thực hiện, tiền lương của người lao động ở Dehli và Mumbai là 1.300 USD so với mức lương 6.700 USD và 7.600 USD ở Thượng Hải và Bắc Kinh.