TIN THỦY SẢN

Giá tôm Bạc Liêu đã tăng trở lại

Ảnh: shutterstock Minh Đạt

Qua mấy tháng rớt giá, hiện nay giá tôm tăng trở lại. Tôm thẻ cỡ 50 con/kg, thương lái thu mua tại ao từ 123.000 - 125.000 đồng/kg, tôm thẻ cỡ 40 con/kg là 130.000 đồng, tôm sú loại 30 con/kg giá 202.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi tôm lãi khoảng 40.000 đồng/kg tôm.

Giá tôm nguyên liệu tăng, thị trường xuất khẩu tốt là những yếu tố thuận lợi để Việt Nam tăng cường sản xuất tôm.

Theo thống kê, trong 9 tháng của năm, diện tích nuôi tôm nước lợ trong tỉnh Bạc Liêu là 701.302ha (tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2017), sản lượng tôm nuôi đạt 509.400 tấn (tăng 8% so với cùng kỳ năm 2017), giá trị xuất khẩu đạt 2,7 tỷ USD (giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2017).

Thị trường đang diễn biến theo chiều hướng có lợi cho ngành tôm. Vì vậy, Bộ NN&PTNT chỉ đạo các địa phương khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển nuôi tôm nước lợ tại những vùng có tiềm năng và đáp ứng các quy định, điều kiện nuôi tôm nước lợ. Áp dụng các giải pháp công nghệ nuôi tiên tiến, phù hợp để nâng cao năng suất, sản lượng tôm; khuyến khích liên kết theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời, không để xảy ra dịch bệnh. Thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi để kịp thời thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng cho người nuôi tôm biết và xử lý khi môi trường không thuận lợi. Đẩy mạnh quản lý chất lượng tôm giống, vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản. Các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về sản xuất, kinh doanh tôm giống không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch; sử dụng thức ăn, thuốc thú y thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản không có trong danh mục; quản lý tốt chất lượng tôm giống. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ hoạt động thu mua, vận chuyển, sơ chế, chế biến nhằm ngăn chặn nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu…

Những giải pháp đồng bộ

Theo các doanh nghiệp và hộ nuôi tôm, phải liên kết và xây dựng thương hiệu tôm Việt thì giá tôm mới bình ổn. Ông Nguyễn Văn Hiển (xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình) - người có nhiều năm nuôi tôm, cho biết: “Giá tôm không ổn định (tăng rồi lại giảm, giảm rồi tăng) là do chúng ta chưa liên kết tạo nguồn nguyên liệu với số lượng lớn đủ cung ứng cho các doanh nghiệp. Vì vậy, liên kết các hộ nuôi tôm, thành lập hợp tác xã để ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp thì sẽ ngăn chặn việc thương lái ép giá”.

Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Việt - Úc cho rằng: “Giải pháp để bình ổn giá tôm trước hết là phải xây dựng thương hiệu tôm Việt, có như vậy mình mới định giá sản phẩm của mình. Thứ hai là sản xuất phải ổn định để sản lượng tôm đạt ổn định. Từ đó ký kết trước các đơn hàng cung ứng với thời gian đủ dài. Nếu lượng sản phẩm lúc có lúc không sẽ làm cho khách hàng, đối tác gặp khó khăn. Bên cạnh đó, cần liên kết chặt chẽ khâu cung cấp đầu vào như con giống, thức ăn… đến đầu ra của con tôm, chế biến tôm. Như vậy giá thành con tôm mới giảm, khâu tiêu thụ ổn định và lợi nhuận người nuôi tôm tăng lên”.

Ngành Nông nghiệp tỉnh đang phân công cán bộ chuyên ngành Thủy sản bám sát địa bàn, hướng dẫn bà con nuôi tôm theo hướng bền vững, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý tốt môi trường ao nuôi, chăm sóc tôm nuôi. Khuyến cáo nông dân thực hiện quy trình nuôi tôm khai báo (khai báo khi thả giống, khai báo khi bị thiệt hại, dịch bệnh). Cùng với đó là tăng cường tập huấn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thủy sản cơ sở về phòng chống, giám sát, điều tra, xử lý ổ dịch... Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về chất lượng, giá cả vật tư đầu vào, giống thủy sản, thuốc thú y, các quy định về quản lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản.

Minh Đạt Báo Bạc Liêu