TIN THỦY SẢN

Giá tôm giảm mạnh, nông dân lo lắng

Giá tôm tại Long An giảm mạnh. Lê Huỳnh

Hơn 1 tuần nay, giá tôm thẻ chân trắng ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long giảm mạnh khiến nhiều hộ nuôi lo lắng, nhất là khi bước vào thời điểm thu hoạch rộ.

Giá tôm “tuột dốc”

Đến nay, toàn tỉnh Long An thả nuôi 2.741,4ha tôm nước lợ, trong đó, tôm thẻ chân trắng 2.410,5ha, bằng 41,5% kế hoạch năm 2019. Tuần qua, thiệt hại trên tôm không xảy ra; lũy kế đến nay có 76,6ha tôm thiệt hại (bệnh đốm trắng 6,1ha; hoại tử gan tụy cấp 6,1ha và nghi sốc môi trường 64,4ha), chiếm 3% diện tích thả nuôi, bằng 103,8% so cùng kỳ. 

Hiện nay, người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh rất lo lắng vì giá tôm thẻ giảm từng ngày. “Chỉ trong 2 tuần mà giá tôm thẻ chân trắng giảm hơn 15.000 đồng/kg. Giá liên tục giảm mạnh khiến nhiều hộ nuôi tôm lâm vào tình cảnh khó khăn, thua lỗ ngay cả khi trúng mùa. Cách đây hơn 10 ngày, giá tôm thẻ chân trắng cỡ 100 con/kg nằm ở mức từ 95.000-100.000 đồng/kg nhưng nay chỉ còn 80.000 đồng/kg và có nhiều khả năng tiếp tục giảm. Ngay cả những người nuôi tôm thẻ chân trắng trúng mùa cũng phải chịu thua lỗ nặng vì giá tôm liên tục giảm” - ông Mai Bá Phước (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ) than thở. Còn anh Võ Văn Việt (xã Tân Chánh, huyện Cần Đước) cho biết: “Giá tôm thẻ giảm mạnh khiến nông dân rất hoang mang. Giá thành sản xuất tôm thẻ còn quá cao, nên với giá sụt giảm như hiện tại thì nông dân sẽ không có lãi, đặc biệt là những nông dân nuôi ao đất. Gia đình tôi có 2 ao khoảng 1ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Tôi vừa thu hoạch xong 1 ao, bán với giá 75.000 đồng/kg, còn 1 ao cũng gần đến thu hoạch. Với giá thấp như hiện nay, tôi chỉ hy vọng vụ này huề vốn”. 

Hiện nay, cùng với giá tôm thẻ giảm thê thảm thì nhiều hộ dân nuôi tôm đang đối mặt với nguy cơ dịch bệnh. Bởi thời gian gần đây, thời tiết nắng nóng nhưng đã xuất hiện nhiều cơn mưa đầu mùa. Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Đức (xã Đức Tân, huyện Tân Trụ) nói: “Hiện tại, thời tiết không thuận lợi cho tôm nuôi, dịch bệnh trên tôm đang diễn biến phức tạp. Vì thế, tôi chưa dám thả nuôi lại. Bởi vừa qua, những ao tôm của các hộ xung quanh đây nuôi chưa được 50 ngày đã bị nhiễm bệnh, buộc phải thu hoạch sớm để tránh lây sang những ao nuôi khác. Với giá tôm như hiện tại mà tôm bị thiệt hại nữa thì người nuôi hoàn toàn không có lãi”.

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, do thời gian qua, tôm thẻ phát triển quá nhanh, nhất là vài năm gần đây, trong khi việc nuôi tôm sú ở nhiều địa phương ngày càng gặp nhiều rủi ro thì tôm thẻ chân trắng có ưu thế năng suất cao, dễ bán, chi phí thấp. Ngoài ra, tôm thẻ có lợi thế là thời gian thu hoạch nhanh, do vậy nông dân có thể quay vòng đến 3 vụ nuôi/năm. Cũng từ đó, con tôm thẻ chân trắng được nông dân nuôi ngày càng nhiều nên ảnh hưởng đến giá tôm nguyên liệu.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương khuyến cáo: “Thời gian qua, con tôm mang lại hiệu quả cao cho người dân. Vì vậy, để phát triển bền vững, người nuôi nên áp dụng đa dạng, linh hoạt giữa nuôi tôm thẻ, tôm sú một cách phù hợp theo nhu cầu thị trường. Hơn nữa, cần giảm dần phụ thuộc nhiều vào tôm thẻ để tránh tình trạng bị rớt giá như hiện nay, đồng thời áp dụng nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật để giảm giá thành sản xuất”.


Giá tôm giảm mạnh

Để nuôi đạt hiệu quả

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh - Phạm Phú Hùng, hiện nay, dù giá tôm có giảm nhưng người dân vẫn thả nuôi. Vì vậy, để bảo đảm nuôi đạt hiệu quả, người nuôi cần tuân thủ lịch thời vụ của tỉnh và địa phương: Thời gian thả giống bắt đầu từ ngày 14/01 đến ngày 30/9/2019; thời gian nuôi tôm nước lợ bắt đầu từ ngày 14/01 đến ngày 30/11/2019.

Bên cạnh đó, người nuôi phải thường xuyên theo dõi kết quả quan trắc môi trường nước tại khu vực nuôi, được thông báo trên đài truyền thanh địa phương và các phương tiện thông tin đại chúng khác để lựa chọn thời điểm cấp nước vào ao phù hợp. Đồng thời, áp dụng đầy đủ và đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, gồm: Áp dụng các biện pháp cải tạo ao thật tốt và phải bảo đảm đủ thời gian cách ly mầm bệnh (tối thiểu là 30 ngày). Nhiều người nuôi có tâm lý muốn thả nuôi sớm để bù lại phần tôm đã bị thiệt hại hoặc để tranh thủ tăng vụ khi tôm có giá cao nên không bảo đảm thời gian cách ly mầm bệnh. Vì vậy, mầm bệnh luôn tồn lưu trong ao làm cho dịch bệnh dễ phát sinh gây hại. Về nguồn nước, chỉ được nuôi ở những vùng chủ động nguồn nước, có hệ thống quạt nước, có ao lắng, có hệ thống cấp và thoát nước riêng biệt, luôn giữ mực nước tối thiểu 1,3m nhằm hạn chế tôm sốc nhiệt. Chọn mua con giống ở các cơ sở uy tín và đã qua kiểm dịch; thực hiện kiểm tra nước bằng cách test nước ngọt, test formol để bảo đảm chất lượng con giống tốt trước khi thả xuống ao. Nuôi với mật độ phù hợp, đối với tôm sú, nuôi 2 vụ/năm, mật độ thả từ 15-25 con/m2, còn tôm thẻ chân trắng nuôi 2 vụ/năm, mật độ thả từ 60-80 con/m2. Thiết kế hố thu gom chất thải ở giữa ao và hệ thống xi-phông để định kỳ hút chất cặn bã, thức ăn dư thừa trong quá trình nuôi ra ngoài nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường ao nuôi. Áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào quá trình nuôi phù hợp với điều kiện của từng vùng như: Nuôi tôm hai giai đoạn, sử dụng chế phẩm sinh học xử lý ao nuôi, dùng máy cho ăn tự động, sục khí ao nuôi...

Trong tuần, giá tôm thẻ chân trắng giảm, tôm sú ổn định so với tuần trước. Cụ thể: Tôm thẻ chân trắng cỡ 60-70 con/kg, giá từ 100.000-110.000 đồng/kg; cỡ 100-110 con/kg, giá từ 80.000-90.000 đồng/kg. Tôm sú cỡ 40-50 con/kg, giá từ 200.000-220.000 đồng/kg; cỡ 70-80 con/kg, giá từ 120.000-130.000 đồng/kg.

Lê Huỳnh Báo Long An