Giấc mơ trên đảo ngọc Kiên Giang
"Gạo Rạch Giá, cá Hà Tiên, tiền Phú Quốc”, đó là câu truyền khẩu của người dân miền Tây để nói về sự trù phú của vùng đất Kiên Giang. Không biết có phải vì câu nói ấy mà nhiều người đã tìm đến đảo Phú Quốc để thực hiện giấc mơ kiếm tiền và rồi họ đã gắn bó cả đời với đảo.
1. Ở thị trấn Dương Đông của huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, có những khu phố được người dân gọi với cái tên làng chài. Bởi đa số người dân nơi đây đều sinh sống bằng nghề đi biển. Nói về lịch sử hình thành của những làng chài này, ông Lâm Văn Cáo, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Quốc cho biết: “Trong những năm chiến tranh ác liệt, nhiều người từ các tỉnh miền Trung đã tìm đến hòn đảo này để lánh nạn. Họ sống tập trung thành từng khu, xóm và chọn nghề đi biển để mưu sinh. Những làng chài được hình thành từ đó”.
Rời vùng quê nghèo ở Quảng Ngãi vào năm 1964, lúc đó chàng trai trẻ Võ Hoài Thanh mới 14 tuổi, được một số người quen cho đi theo vào Nam để tránh bom rơi đạn lạc và tìm kế mưu sinh. Hành trang mang theo chỉ là hai bàn tay trắng và tấm thân ốm yếu do thiếu đói. Sau nhiều ngày rong ruổi khắp nơi nhưng chẳng biết làm gì để kiếm sống, cuối cùng, anh quyết định ra đảo Phú Quốc vì nơi đây có người cùng quê, dễ đồng cảm.
Nhớ lại hành trình tha hương cầu thực, anh Thanh vẫn còn cảm giác rùng mình: “Thời chiến tranh, sống chết chẳng biết lúc nào. Để vào được đất Kiên Giang mất nhiều ngày đi đường với rất nhiều chặng tàu, xe. Rồi từ Rạch Giá, phải ngồi tàu cây cả ngày mới ra được đảo”. Phú Quốc trải ra trước mắt người trai trẻ với trùng điệp núi đồi, cây rừng xanh ngắt. Trên đảo, dân cư còn rất thưa thớt nên vừa buồn, lại nhơ´ quê. Lúc đầu chưa quen đi biển, anh Thanh được mọi người kêu ở nhà phụ giúp vá lưới, dần dà mới tập tành làm ngư phủ.
“Ngày đầu tiên ra biển tôi thấy ngỡ ngàng vì vùng biển này có quá nhiều tôm, cá. Ban ngày, cá đi từng đàn, đua nhau chạy gợn sóng nước. Ban đêm, rọi đèn đàn cá ngời lên ánh bạc lấp lánh như đàn đom đóm. Chỉ cần dùng lưới vây thả xuống là có thể bắt cả tấn cá. Tới lúc này tôi mới hiểu tại sao nhiều người dân quê tôi lại bỏ làng vào đây lập nghiệp”, anh Thanh nhớ lại. Sau nhiều năm làm ngư phủ, anh Thanh cũng dành dụm được một số vốn đóng tàu và tiếp tục bám biển mưu sinh.
2. Chú Tư Đẹp (Võ Đẹp), cũng là người Quảng Ngãi vào đây lập nghiệp. Con đường ngoằn ngoèo từ lộ cái vào nhà chú Tư dốc dần về phía biển, nhà cửa san sát nhau. Hầu hết những hộ dân nơi đây đều bám biển mưu sinh, đàn ông trai tráng thì làm tài công, ngư phủ, đàn bà phụ nữ thì ở nhà vá lưới, phân loại cá bán cho bạn hàng. Nếu không được giới thiệu trước thì tôi không thể tin là chú Tư đã qua cái tuổi “cổ lai hy” hơn nửa thập kỷ.
Ngồi trước hiên nhà, chú Tư thoăn thoắt đôi tay đan vợt xúc cá với cọng dây cước to bằng chiếc đũa. Đã nghỉ đi biển hơn chục năm nay ở nhà làm công tác hậu cần cho các con ra khơi, nhưng dấu tích của những năm tháng đi biển vẫn còn in đậm trên thân hình chú Tư: đôi tay cuồn cuộn cơ bắp, ở bàn chân, bàn tay những nốt chai sần nổi rõ. Khi tôi hỏi về những ngày đầu ra đảo, chú Tư nhớ lại: “Đó là vào những ngày cuối năm 1963, tôi tìm vào đây chủ yếu là để lánh nạn vì ở quê chiến tranh ác liệt quá. Sẵn có nghề đi biển, tôi xin theo ghe làm ngư phủ. Hồi đó, đi biển sướng lắm, tôm cá nhiều nên không phải ra khơi xa mà chuyến nào cũng đầy ghe. Nếu gặp trời giông gió là chạy vào đảo đậu nghỉ nên rất an toàn”.
"Vì sao chú Tư không chọn nơi nào khác mà lại tìm vùng hải đảo xa xôi này?", tôi hỏi. Nhấp ly trà nóng, chú Tư chậm rãi phân tích: “Đúng là ngày xưa ngoài đảo này hoang sơ lắm, nhà cửa thưa thớt và toàn là nhà lá, nhà đạp, ra đây cũng buồn, dân cư chủ yếu là người tứ phương. Nhưng bù lại thiên nhiên ưu đãi cho vùng biển nhiều tôm, cá nên cũng sống khỏe. Đêm xuống, cá mực vào tận cửa sông, bơi xuồng thúng ra bắt một lúc là khẳm cả xuồng. Vậy không chọn nơi này còn chọn nơi nào”.
Theo ông Võ Văn Quang, Trưởng khu phố 3, thị trấn Dương Đông thì hiện tại khu phố có 618 hộ gia đình, trong đó có trên 70% làm nghề biển. Phần lớn họ đều là những người miền Trung vào lập nghiệp hình thành nên làng chài hôm nay. Nhiều người ngày xưa vào đây với hai bàn tay trắng, nhưng hiện nay đang là chủ doanh nghiệp với vài ba cặp ghe cào công suất lớn, chuyên đi khai thác xa bờ. Còn ít thì cũng một, hai chiếc tàu. Dù nguồn lợi từ biển không còn dồi dào như ngày xưa nhưng đi biển vẫn là nghề sống được.
3. Hầu hết những người dân làng chài mà chúng tôi gặp đều cho biết, ý định ban đầu của họ khi tìm ra đảo Phú Quốc mưu sinh là mong kiếm được ít vốn và chờ ngày hòa bình lập lại sẽ về quê. Nhưng rồi cuối cùng vẫn bám trụ ở lại. Anh Võ Hoài Thanh chia sẻ, sau ngày giải phóng, anh và một số người có về lại quê hương nhưng nhà cửa đã bị chiến tranh tàn phá hết. Cuối cùng lại tìm ra đảo tiếp tục cuộc mưu sinh.
Ngư dân làng chài sau chuyến đi biển
Chị Nguyễn Thị Hoa, một người dân làng chài tâm sự: “Những ngày đầu khi mới ra đảo cũng chán nhưng rồi ở riết thành quen. Lâu dần, trong ý thức mọi người không còn coi đây là nơi tạm trú mà là nhà, là quê hương. Những ngày chồng đi biển, tôi ở nhà đi vá lưới kiếm thêm thu nhập. Nhờ đó mà các con tôi đều được đi học đến nơi đến chốn, ra trường có việc làm ổn định”.
Gần nửa thế kỷ gắn bó với đảo, ông Tư Đẹp cũng chỉ có vài lần về quê, đó là dịp dòng tộc có đám đình hay về quê để xây dựng mồ mả ông bà. Trong số 9 người con của chú Tư thì có đến 8 người nối nghiệp cha và đều sống tại làng chài trên đảo này. “Có khi nào gia đình chú có ý định trở về quê sinh sống?”, chú Tư Đẹp trả lời câu hỏi của tôi mà như nói với chình mình: “Nhiều người đang tìm đến hòn đảo xinh đẹp này để du lịch, tìm cơ hội làm ăn. Bao năm nay Phú Quốc vẫn là nơi được thiên nhiên ưu đãi cho nhiều thứ. Vậy thì mình sống ở đây còn tìm đi đâu nữa cho cực”.
Hiện nay, Phú Quốc đang trên đường phát triển để trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao. Nhiều nhà đầu tư đã và đang tìm đến hòn đảo xinh đẹp này để tìm cơ hội làm ăn, thực hiện giấc mơ làm giàu. Cả trong quá khứ và hiện tại, đảo ngọc Phú Quốc luôn là nơi để những “cánh chim bằng” tìm đến đậu và rồi tiếp tục tung cánh để bay cao, bay xa hơn nữa.