Giải pháp củng cố, phát triển hợp tác xã kiểu mới
Công tác gần 30 năm trong ngành hợp tác xã (HTX), bà Nguyễn Thị Đức, HTX dịch vụ thương mại Tín Nghĩa, TP. Bến Tre nói: “Không biết vì sao HTX cứ yếu dai dẳng, yếu hoài, yếu toàn tỉnh và yếu trong cả nước”. Đây cũng là nỗi trăn trở chung của Liên minh HTX tỉnh Bến Tre.
Để giải bài toán này và tìm giải pháp củng cố và phát triển HTX kiểu mới, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ và phát triển HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ miền Nam thuộc Liên minh HTX Việt Nam (gọi tắt là Trung tâm) thực hiện chuyến khảo sát khá toàn diện về thực trạng của 35 HTX đang hoạt động tại Bến Tre.
Thực trạng HTX qua khảo sát
Trung tâm đã khảo sát khá toàn diện đối với các HTX về cơ sở vật chất, loại hình, tỷ lệ cung cấp dịch vụ cho thành viên và bên ngoài, trình độ và thành phần của Ban lãnh đạo HTX, quy mô vốn, thu nhập và phân phối thu nhập, chứng nhận quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm, tổ chức lại HTX theo Luật HTX năm 2012, phương án hoạt động sản xuất, kinh doanh, công tác quản lý, nhận thức và hoạt động xây dựng thương hiệu và marketing, thông tin về sản phẩm, dịch vụ của HTX, nhu cầu đào tạo…
Kết quả cho thấy, độ tuổi trung bình của ban giám đốc HTX là 50 tuổi và có khoảng 15% là từ 60 - 70 tuổi. Có 17% là có trình độ đại học, cao đẳng, 20% là trung cấp. Các HTX trong tỉnh có quy mô vốn bình quân tương đối lớn, với tổng vốn điều lệ trên 163 tỷ đồng (vốn bình quân của 35 HTX khảo sát là trên 4,6 tỷ đồng), trong đó cao nhất là HTX Vận tải thủy bộ TP. Bến Tre (80 tỷ đồng), thấp nhất là HTX Dịch vụ sản xuất mía Châu Bình (5 triệu đồng). Hầu hết HTX đều định hướng phần tài chính sẽ được huy động từ vốn của HTX, huy động vốn và rất ít HTX hy vọng vào việc vay vốn do thủ tục và cơ chế khá phức tạp.
Vườn rau của một nông dân xã Phú Ngãi (Ba Tri) được cấp chứng nhận hữu cơ của Tổ chức Seed to Table.
Hầu hết sản phẩm của HTX hiện nay là sản phẩm thô và không có đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Mức độ nhận thức về xây dựng thương hiệu và bộ nhận dạng thương hiệu HTX còn rất hạn chế. Chỉ có một, hai HTX có quan tâm xây dựng logo và bộ nhận dạng thương hiệu nhưng vẫn chưa đầy đủ. Trong đó, chỉ có một HTX đăng ký bảo hộ sản phẩm. Việc duy trì và phát triển thương hiệu cũng chưa được quan tâm đúng mức.
Về vấn đề này, đại diện HTX Thủy sản Đồng Tâm (Bình Đại) cho biết, sản phẩm của HTX chưa có thương hiệu, nghêu bán thô cho thương lái. Hiện nay, giá nghêu đang rơi xuống thấp và rất ít đơn vị đấu thầu. Sản lượng bán ra khoảng 10 tấn/ngày, giảm từ 50 - 70% sản lượng so với trước đây. Đại diện HTX cũng khẳng định, việc xây dựng thương hiệu, nhà máy chế biến sản phẩm, mở rộng ngành nghề… mới là giải pháp phát triển bền vững của HTX.
Theo Luật HTX năm 2012, có 31 HTX đã chuyển đổi (còn 4 HTX thuộc lĩnh vực nông nghiệp chưa chuyển đổi do không đủ điều kiện). Tuy nhiên, kết quả khảo sát đánh giá chung rằng tỷ lệ cung ứng dịch vụ và sản phẩm cho thành viên, phương thức phân phối thu nhập theo Luật HTX năm 2012 chưa đúng. Hiện nay, các HTX cho rằng, Luật HTX năm 2012 quy định tỷ lệ cung ứng dịch vụ cho thành viên khó thực hiện. Việc nhận thức về HTX kiểu mới chưa đầy đủ. Có rất ít HTX ký kết hợp đồng dịch vụ với thành viên.
Một trong những điều kiện giúp HTX hoạt động tốt là xây dựng được phương án hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, chỉ có 28 HTX được khảo sát có kế hoạch và các kế hoạch chỉ dừng lại ở tính ước lệ, chưa thật sự đủ điều kiện để triển khai hoạt động đem lại hiệu quả. Các HTX còn thụ động trong việc tiếp cận với khách hàng. Đa số có tâm lý “ngồi chờ” khách hàng tự tìm kiếm đến đơn vị để mua hàng. Các HTX chưa có một phương án sản xuất, kinh doanh tốt cũng là một trong những trở ngại lớn khiến HTX khó tiếp cận với vốn vay từ ngân hàng.
Thành lập liên hiệp HTX gắn với xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm
Hiện nay, HTX Bến Tre nói riêng và cả nước nói chung đang đứng trước nhiều cơ hội xen lẫn thách thức. Đó là có nhiều chủ trương, chính sách mới, cụ thể hỗ trợ HTX được ban hành từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh. Phong trào xây dựng nông thôn mới gắn với tiêu chí 13 là xây dựng HTX tạo điều kiện hình thành và phát triển kinh tế tập thể, HTX. Việc tổ chức lại HTX giúp ban giám đốc nâng cao nhận thức, năng lực quản lý, điều hành hướng hoạt động vào phục vụ thành viên. Để nắm bắt được những cơ hội, yêu cầu các thành viên HTX phải tham gia tích cực, thường xuyên vào các hoạt động kinh tế và chính trị của HTX. Thành viên đối với HTX phải trên tinh thần tự nguyện, trung thành.
Để chuyển bộ hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh, ông Lê Binh Hùng - Giám đốc Trung tâm cho biết, có 4 giải pháp lớn được đề ra. Trong đó, về nâng cao nhận thức, công tác tuyên truyền phải có chương trình thường xuyên, hình thức đa dạng, phong phú. Đưa chương trình phát triển kinh tế hợp tác và HTX vào các trường học, trường chính trị, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên cấp cơ sở thôn, xã, huyện. Huy động các tổ chức chính trị, đoàn thể tham gia, phối hợp phát triển kinh tế hợp tác, vận động và phát triển HTX. Đặc biệt, cách thức tuyên truyền phải thay đổi theo hướng giúp người dân hiểu rõ việc vào HTX để liên kết vốn, sản xuất và tiêu thụ có định hướng, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ nhau trong quá trình hội nhập thay vì vào HTX để ngồi chờ được Nhà nước hỗ trợ.
Nâng cao năng lực cán bộ bằng các chương trình tập huấn ban giám đốc HTX, về pháp luật, các kỹ năng quản lý, điều hành HTX, các kiến thức về kinh doanh, thị trường, hội nhập… một cách hệ thống, từng bước hình thành đội ngũ quản lý chuyên nghiệp. Cần thiết kế các khóa học kết hợp tư vấn đồng hành, hướng dẫn lãnh đạo HTX thực hành kiến thức đã học. Đây là hình thức phù hợp với trình độ của lãnh đạo HTX hiện nay và thực tế đã diễn ra có hiệu quả ở một số tỉnh.
HTX đáp ứng yêu cầu hội nhập và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các chương trình hỗ trợ phát triển HTX, liên hiệp HTX trong ngành sản xuất sản phẩm chủ lực của tỉnh như dừa, bưởi da xanh, thủy sản, rau củ quả an toàn, giống cây trồng theo mô hình chuỗi giá trị sản phẩm gắn liền với liên kết các HTX, thành lập 5 liên hiệp HTX quy mô cấp tỉnh. Hỗ trợ HTX và liên hiệp HTX xây dựng tiêu chuẩn quản lý sản xuất, chất lượng sản phẩm dịch vụ, chuỗi giá trị, thương hiệu 5 sản phẩm chủ lực. Hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới, xây dựng cơ sở hạ tầng đối với các HTX có quy mô lớn theo tinh thần Nghị định số 193/2013/NĐ-CP của Chính phủ như nhà kho, nhà sơ chế, đường sá…
Theo đó, giai đoạn 2016 - 2017, tỉnh sẽ lựa chọn, củng cố, hoàn thiện 5 HTX trong 5 lĩnh vực, thành lập HTX mới. Giai đoạn 2018 - 2020, thành lập liên hiệp HTX và xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm 5 mặt hàng.