TIN THỦY SẢN

Giải pháp dinh dưỡng và công nghệ nâng cao năng lực ngành tôm

Việc đổi mới công nghệ và các giải pháp để giảm giá thành là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các khâu trong chuỗi giá trị ngành tôm. Ảnh: Tép Bạc Sáu Nghệ

Ngành tôm nước ta trong các nước châu Á đang mất dần thị phần vì giá thành cao (tăng từ 3,5 USD năm 2009 lên 3,7 USD năm 2023 với tôm cỡ 50-60 con/kg), tỷ lệ chết trong quá trình nuôi có khi lên tới 40-50%.

Cần hạ giá thành gắn với chiến lược xây dựng thương hiệu và tiến sỹ Nguyễn Văn Tiến ở De Heus (doanh nghiệp có nhà máy sản xuất thức ăn tôm hiện đại, công suất 50.000 tấn/năm ở tỉnh Vĩnh Long) đề xuất “Giải pháp dinh dưỡng và công nghệ nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững ngành tôm Việt Nam”. 

Những vấn đề nóng của ngành tôm

Tiến sỹ Nguyễn Văn Tiến phân tích tổng quan những thách thức dọc theo chuỗi giá trị ngành tôm Việt Nam: Từ nguyên liệu- Sản xuất và phân phối thức ăn- Sản xuất giống-Trang trại- Thu mua, chế biến đến Nhập khẩu phân phối - Người tiêu dùng.

Ở khâu nguyên liệu: Giá cao (gián đoạn chuỗi cung ứng do biến đổi khí hậu, khủng hoảng chính trị và kinh tế); chất lượng biến động; nhiễm tạp chất; các yếu tố kháng dinh dưỡng trong hệ tiêu hóa ở tôm còn sơ khai. Vì vậy đang đòi hỏi nguyên liệu phải có chất lượng cao, dễ tiêu hóa.

Khâu sản xuất và phân phối thức ăn: Thị trường nhỏ lẻ; kênh phân phối phân phối thức ăn đến đại lý, trại nuôi lớn khá ổn định và hiệu quả nhưng từ đại lý đến hộ nuôi gặp trở ngại do người nuôi thường thanh toán chậm cho đại lý dẫn đến giá thức ăn bị đội lên cao.

Khâu sản xuất giống: Các chương trình chọn giống hiện chỉ chú trọng tính trạng tăng trưởng mà thiếu các chương trình chọn giống kháng bệnh; các trại nhỏ khó khăn khi sản xuất tôm giống sạch bệnh SPF. Giống tôm chất lượng cao thiếu sẵn có trong cung ứng.

Tôm giống. Ảnh: Tép Bạc

Ở hầu hết trang trại nuôi: Thiếu vốn và đảm bảo thanh toán; giá bán thấp; vận hành trại theo kinh nghiệm, thiếu khoa học; lựa chọn con giống, thức ăn, vật tư chưa thật đầy đủ. Nhiều trai còn thiếu hoặc không đúng các giải pháp an toàn sinh học, khử trùng. Quản lý sức khỏe tôm chưa khoa học; thiếu quy trình quản lý chất thải.

Khâu thu mua, chế biến: Việt Nam có hạ tầng và năng lực chế biến tốt; công nghệ chế biến hiện đại; năng lực chế biến sâu giúp đa dạng hóa sản phẩm giá trị gia tăng; giá nhân công cạnh tranh; có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu chất lượng của mọi thị trường. 

Khâu nhập khẩu, phân phối: Giá nhập khẩu giảm; yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và minh bạch thông tin. Bên cạnh còn yêu cầu trách nhiệm xã hội và môi trường với các điều kiện xuất nhập khẩu ngày càng cao. 

Phía người tiêu dùng: Luôn yêu cầu giá bán thấp nhưng chất lượng cao; an toàn thực phẩm; sản phẩm đa dạng; yêu cầu về đóng gói và ghi nhãn; quảng cáo và thương hiệu. Ngày càng yêu cầu cao về trách nhiệm xã hội, môi trường và phát triển bền vững.

Qua phân tích chuỗi dọc như trên, thấy rõ những vấn đề nóng đang đặt ra với ngành tôm Việt Nam. Đó là cần phải: Giảm giá thành; tiết kiệm chi phí ở tất cả các khâu trong chuỗi; quản lý sức khỏe tôm; phát triển bền vững; quảng cáo và xây dựng thương hiệu.

Hiện nay, giá thành tôm ở Việt Nam cao hơn so với nhiều nước có sản lượng tôm lớn của thế giới. Vì vậy, việc đổi mới công nghệ và các giải pháp để giảm giá thành là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các khâu trong chuỗi giá trị ngành tôm.

Chiến lược nâng cao năng lực ngành tôm

Từ phân tích trên, Tiến sỹ Nguyễn Văn Tiến cho rằng, có thể tập trung vào sản xuất tôm chất lượng cao với chi phí thấp hơn bằng các giải pháp sau. Trước hết, cung cấp thức ăn cho tôm với thành phần dinh dưỡng cân đối, có công nghệ sản xuất tiên tiến, sản phẩm đa dạng, phù hợp các hệ thống nuôi với giá cạnh tranh. Tiếp theo, chuyển giao chương trình dinh dưỡng tôm với công nghệ nuôi mới nhất đến các trang trại trọng điểm để sản xuất tôm tăng trưởng nhanh, đồng đều, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Nhà cung cấp thức ăn cần hợp tác với nhà cung cấp giống để cung cấp cho trang trại nuôi tôm nguồn hậu ấu trùng chất lượng cao. Hợp tác chuyển giao các mô hình nuôi tôm có công nghệ mới, nâng cao hiệu quả sản xuất, với khả năng phát thải CO2 thấp. Đặc biệt, tiên phong áp dụng các giải pháp phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn trong ngành tôm, hướng tới mục tiêu “Tôm khỏe hơn- Trại xanh hơn”.

Giá thành tôm ở Việt Nam cao hơn so với nhiều nước có sản lượng tôm lớn của thế giới. Ảnh: Tép bạc

Tiến sỹ Nguyễn Văn Tiến cũng giới thiệu chương trình dinh dưỡng tôm của De Heus đang tập trung triển khai là: Sản phẩm đa dạng, dinh dưỡng toàn diện (phù hợp với giai đoạn sinh trưởng), sản xuất bằng nguyên liệu được chọn lọc, sản xuất tối ưu (kiểm soát chất lượng theo chuẩn quốc tế ISO, HACCP, GLOBAL GAP, ÁC), phụ gia thức ăn giúp tôm cứng vỏ có màu sắc đẹp.

Chương trình dinh dưỡng tôm của De Heus cũng chú trọng hỗ trợ kỹ thuật: Có các dịch vụ Lab di động giúp người nuôi xác định mầm bệnh ngay tại trại. Chú trọng sức khỏe tôm và đảm bảo kinh tế tuần hoàn (phát thải carbon thấp, sử dụng phụ phẩm từ chế biến nông nghiệp, không sử dụng nguyên liệu động vật).

Đa dạng thức ăn tôm với chương trình dinh dưỡng tối ưu, nhằm tới mục tiêu năng suất, chất lượng và lợi nhuận cho từng vụ. Còn dịch vụ Lab di động xét nghiệm bệnh tôm bằng máy PCR do các kỹ thuật viên của De Heus thực hiện, đảm bảo trách nhiệm đầy đủ. 

Đổi mới xây dựng mô hình nuôi tôm

Tiến sỹ Nguyễn Văn Tiến cũng cho biết, De Heus đã hợp tác với các đối tác xây dựng mô hình nuôi tôm bền vững, có trách nhiệm môi trường. Mô hình kết hợp với chương trình dinh dưỡng toàn diện, đảm bảo đạt được cả hai mục tiêu lợi nhuận và phát triển bền vững.

Theo mô hình này, một trại nuôi tôm được xây dựng đầy đủ 7 hệ thống: 1/Bể ương vèo; 2/Ao nuôi tôm thương phẩm; 3/Ao xử lý trồng rừng ngập mặn; 4/Ao lắng trồng rong tảo; 5/Ao sẵn sàng; 6/Hệ thống lọc sinh học; 7/Nhà kho và nhà làm việc.

Sáu Nghệ