Giải pháp dựa vào thiên nhiên để quản lý nước thải nuôi tôm
Theo một dự án nghiên cứu mới, các giải pháp dựa trên thiên nhiên có thể được sử dụng hiệu quả trong chiến lược xử lý nước thải cho ngành nuôi tôm.
Các mô hình nuôi mở rộng có quy mô lớn, mật độ thấp có khả năng ô nhiễm môi trường thấp, trong khi các hệ thống nuôi chuyên sâu có mật độ nuôi cao và rủi ro ô nhiễm cao hơn.
Thông qua chương trình GREEN-GRAY INFRASTRUCTURE và BLUE PRODUCTION của Tổ chức Bảo tồn Quốc tế, các nghiên cứu mới đã được thực hiện nhằm so sánh hiệu quả, tính kinh tế, quy mô và việc mở rộng theo hướng hệ sinh thái của nhiều hệ thống xử lý nước thải tại các trại chăn nuôi tôm.
Kết luận cho thấy rằng phương pháp dựa vào thiên nhiên (NbS) để quản lý nước thải có thể là một cách khả thi để ngành nuôi tôm giải quyết các rủi ro ô nhiễm, đồng thời mang lại lợi ích cho toàn bộ hệ sinh thái tại khu vực.
Các giải pháp dựa vào thiên nhiên được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế định nghĩa là “các hành động nhằm bảo vệ, quản lý bền vững và khôi phục các hệ sinh thái tự nhiên hoặc hệ sinh thái bị biến đổi nhằm giải quyết các thách thức xã hội một cách hiệu quả và thích ứng biến đổi khí hậu, đồng thời mang lại lợi ích cho con người và đa dạng sinh học".
Sản lượng nuôi tôm đã tăng 10.000% trong bốn thập kỷ qua, từ 74.000 tấn năm 1980 lên 7,4 triệu tấn vào năm 2020 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng. Một bài báo mới có tiêu đề “Phương pháp tiếp cận giải pháp dựa vào thiên nhiên để quản lý nước thải nuôi tôm” đã đánh giá các rủi ro môi trường liên quan đến nước thải, đặc biệt ở châu Á - nơi ngành này đang có xu hướng mở rộng quy mô sản xuất thâm canh.
Phục hồi rừng ngập mặn ven biển có thể giúp giảm thiểu ô nhiễm nước thải đồng thời mang lại lợi ích về việc thích ứng và phục hồi khí hậu.
Việc phát triển ngành nuôi tôm vào cuối thế kỷ 20 đã gây thiệt hại cho các hệ sinh thái ven biển quan trọng, chẳng hạn như rừng ngập mặn đã bị chặt phá để tạo ra các ao nuôi tôm mới.
Trong khi tốc độ phá rừng đã chậm lại trong những năm gần đây, những rủi ro môi trường mới đã xuất hiện khi các trang trại ngày càng tăng cường thức ăn và thả tôm với mật độ cao hơn, làm tăng hàm lượng chất dinh dưỡng trong nước thải và tăng nguy cơ gây ô nhiễm hệ sinh thái thủy sinh gần đó.
Trong khi các tổ chức chứng nhận nuôi trồng thủy sản quốc tế yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn chất lượng nước và ghi chép dữ liệu thì đại đa số các nhà sản xuất tôm trên toàn cầu lại không làm vậy.
Việc thiếu dữ liệu về nồng độ sản xuất và chất dinh dưỡng trong nước thải đã tạo ra những rủi ro tiềm ẩn đối với chất lượng nước ven biển và hiện tượng phú dưỡng, đặc biệt là ở các khu vực sản xuất tôm mật độ cao.
Trong quá trình nghiên cứu NbS, kết quả cho thấy phương pháp này không chỉ có hiệu quả kinh tế hơn nhiều so với các phương pháp truyền thống như ao lắng mà còn thân thiện với hệ sinh thái tại khu vực. Tại vùng đất này, khi mô hình nuôi tôm được thiết kế phù hợp có thể giảm thiểu nước thải một cách hiệu quả đồng thời đáp ứng nhu cầu thâm canh của các nhà sản xuất nuôi trồng thủy sản.
Tuy nhiên, quy mô cần thiết để hệ thống NbS hoạt động hiệu quả được lớn hơn nhiều so với các hệ thống xử lý nước thải nuôi tôm thông thường.
Tổ chức Bảo tồn Quốc tế đang nỗ lực tăng cường áp dụng các phương pháp tiếp cận NbS để quản lý nước thải thông qua sáng kiến CLIMATE SMART SHRIMP, trong đó việc thâm canh trên một phần diện tích nuôi tôm năng suất thấp có thể phục hồi rừng ngập mặn trên phần còn lại.
Nghiên cứu NbS nhấn mạnh tính khả thi của việc mô hình nuôi tôm thông thường kết hợp với thiên nhiên nhằm phục hồi rừng ngập mặn. Với hệ thống NbS, nông dân không bị hao hụt lợi nhuận để quản lý nước thải hiệu quả và thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như tăng cường đa dạng sinh học.