Giải pháp hiệu quả chống biến đổi khí hậu trong nuôi trồng thủy sản
Đã qua, biến đổi khí hậu (BĐKH) làm thiệt hại nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản của nông dân huyện Cái Nước. Tuy nhiên, với cách làm sáng tạo của Tổ hợp tác 2/9 (ấp Kinh Lớn, xã Đông Thới), bằng hình thức bơm nước bổ sung để hạ nhiệt độ nước trong vuông tôm, không chỉ hạn chế tình trạng sò huyết bị thiệt hại do nắng nóng, mà còn giúp bổ sung nguồn thức ăn cho sò, rút ngắn thời gian thu hoạch và cho năng suất cao. Đây được xem giải pháp chống BĐKH trong nuôi trồng thủy sản.
Năm nay, do BĐKH nên xảy ra hạn hán và xâm nhập mặn vào những tháng mùa khô, mực nước các tuyến kênh rạch làm hạ thấp, bà con không thể lấy nước trực tiếp vào vuông tôm, dẫn đến nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản thường xuyên nằm trong tình trạng khô cạn. Cộng với tình trạng nắng gắt kéo dài, làm cho nhiệt độ nước trong vuông tăng lên rất cao, không thuận lợi cho các loài thủy sản phát triển. Đã có hàng ngàn hecta nuôi tôm của bà con bị hiệt hại; có khoảng 500ha sò huyết nuôi xen canh trong vuông tôm cũng bị ảnh hưởng với nhiều mức độ khác nhau. Cá biệt có trường hợp còn bị thiệt hại hoàn toàn, ước thiệt hại tiền con giống lên đến hàng tỷ đồng.
Sò huyết thương phẩm.
Để khắc phục tình trạng này, Tổ hợp tác 2/9 quyết định dùng máy bơm nước sông bổ sung vào vuông tôm, để tăng độ sâu trung bình của mực nước lên từ 30 - 40cm, nhằm hạn chế nhiệt độ nước tăng cao, giảm được độ mặn trong vuông do nước bị bốc hơi. Đồng thời, kết hợp với sử dụng vôi và men vi sinh để xử lý nhằm tạo môi trường nước trong vuông ổn định, giúp sò huyết phát triển. Cách làm sáng tạo này đã cứu được toàn bộ diện tích sò huyết nuôi xen canh trong vuông tôm của Tổ hợp tác 2/9 không bị thiệt hại. Những hộ liền kề trong khu vực, do không áp dụng biện pháp bổ sung nước vào trong vuông nuôi nên hầu hết đều bị thiệt hại.
Anh Mai Văn Màng, thành viên Tổ hợp tác 2/9, chia sẻ: “Khi bơm nước bổ sung, nâng mực nước trong vuông tôm lên cao, cho dù nắng hạn có kéo dài thì nhiệt độ nước cũng không biến động, không làm ảnh hưởng đến sò huyết đang nuôi. Mặt khác, khi bơm nước vào trong vuông còn tạo ra nguồn thức ăn tự nhiên, giúp sò phát triển nhanh”. Theo ông Nguyễn Minh Phồi, Tổ trưởng Tổ hợp tác 2/9: “Tổ hợp tác có 19 thành viên, chủ yếu nuôi cua kết hợp với nuôi tôm quảng canh truyền thống. Năm 2016, có 9 thành viên áp dụng mô hình nuôi tôm, cua kết hợp với sò huyết, trên diện tích khoảng 10ha. Nhờ áp dụng biện pháp bơm nước bổ sung vào những tháng mùa khô mà toàn bộ diện tích nuôi sò huyết của các thành viên trong Tổ đều phát triển tốt và hiện đang thu hoạch, năng suất đạt khá cao”. Trung bình mỗi thành viên có thu nhập trên 100 triệu đồng từ bán sò huyết, chưa kể đến nguồn thu từ cua và tôm được nuôi xen canh trên cùng một diện tích.
Để phát huy kết quả đạt được, năm 2017, Tổ hợp tác sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi cua, tôm kết hợp với nuôi sò huyết trên cùng diện tích. Đề cập đến vấn đề này, kỹ sư Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng trạm Khuyến nông huyện, cho rằng các loài thủy sản nuôi trồng rất dễ bị ảnh hưởng do môi trường biến động, trong đó có sò huyết nuôi trong vuông tôm. Khi vào mùa khô, mực nước trong vuông nuôi bị khô cạn, gặp thời tiết nắng nóng kéo dài làm cho nhiệt độ nước trong vuông tôm tăng lên khá cao, sò huyết thả nuôi trong vuông tôm rất dễ bị thiệt hại. Việc bơm nước bổ sung vào vuông nuôi là việc làm hết sức cần thiết, bà con nông dân nên áp dụng cách làm này trong nuôi trồng thủy sản.
Đây được xem là giải pháp chống BĐKH trong nuôi trồng thủy sản, được Tổ hợp tác 2/9 áp dụng thành công và ngành chuyên môn cũng khuyến cáo áp dụng rộng rãi, khi mà mùa khô năm 2017 đang đến gần.