TIN THỦY SẢN

Giải pháp nâng cao chất lượng thủy sản tại thị trường bán lẻ nội địa

Ngọc Hà

Trong khuôn khổ Hội chợ thủy sản quốc tế VietFish 2016, ngày 03/8/2016, tại T.P Hồ Chí Minh, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã tổ chức Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng thủy sản tại thị trường bán lẻ nội địa”.

Về thị trường bán lẻ Việt Nam, các tập đoàn phân phối nước ngoài đã bắt đầu thâm nhập từ hơn 10 năm nay dưới các mô hình khác nhau. Các tập đoàn này sẽ tăng tốc mở rộng nhanh mạng lưới và đa dạng hóa loại hình bán lẻ, tăng cường mua bán sáp nhập để gia tăng thị phần và chiếm lĩnh thị trường, tạo áp lực cạnh tranh lớn đối với các nhà bán lẻ Việt Nam ngay “sân nhà”. Sự xuất hiện của các nhà phân phối nước ngoài cũng đã giới thiệu những phương thức thương mại hiện đại mang tính chuyên nghiệp cao cùng những công nghệ, kinh nghiệm và kỹ năng quản lý mới, góp phần nâng cấp hạ tầng thương mại nội địa Việt Nam. Đồng thời, áp lực của các nhà phân phối nước ngoài đã tạo cú hích mạnh mẽ thúc đẩy các nhà bán lẻ Việt Nam cố gắng nâng cao tính năng động trong điều kiện cạnh tranh, hội nhập để tồn tại và phát triển. Ngoài ra, hệ thống phân phối nước ngoài cũng tạo cơ hội cho hàng hóa Việt Nam xâm nhập vào các hệ thống phân phối của họ ở các nước khác.

Trong khi đó, đại bộ phận nhà bán lẻ Việt Nam có qui mô vừa và nhỏ, chưa có kinh nghiệm điều hành và quản lý những mô hình phân phối hiện đại quy mô lớn theo chuỗi, đa dạng loại hình, địa bàn rộng khắp. Chính vì vậy, các nhà bán lẻ Việt Nam sẽ phải đối mặt với cuộc cạnh tranh không cân sức do năng lực tài chính giới hạn, thiếu tính chuyên nghiệp trong hoạt động, hạn chế về sức mua và các mối quan hệ có tính toàn cầu, cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống công nghệ thông tin và logistic yếu và thiếu, bị cạnh tranh quyết liệt trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Hơn thế nữa, các nhà bán lẻ Việt Nam thường không đủ điều kiện và khả năng thực thi những chiến lược mang tính dài hạn, đặc biệt tính liên kết không cao, tầm nhìn hạn chế. Rõ ràng nếu không nhận rõ tình hình và không có những giải pháp thích hợp, hiệu quả thì khả năng nước ngoài chiếm lĩnh hệ thống phân phối và thị trường nội địa rất lớn. Các doanh nghiệp Việt, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh, tiêu thụ sản phẩm.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận một số giải pháp để nâng cao chất lượng thủy sản tại thị trường bán lẻ nội địa. Theo đó, các nhà bán lẻ cần tiếp tục đầu tư mở rộng mạng lưới, tận dụng và nhanh chóng đưa vào khai thác các mặt bằng hiện có phù hợp phát triển thương mại. Liên kết các nhà bán lẻ Việt hình thành liên minh trên lĩnh vực phân phối với nhiều phương thức: hợp tác, liên doanh, nhượng quyền… Tăng cường liên kết giữa các nhà bán lẻ với các nhà sản xuất, nhà cung cấp trong chia sẻ thông tin, hoạch định chiến lược, phối hợp xây dựng và quảng bá thương hiệu, hợp tác đầu tư. Tăng cường nhân sự cấp cao chuyên sâu lĩnh vực kinh doanh chuỗi bán lẻ và thu hút nguồn nhận lực chất lượng cao. Nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động.

Đối với nhà sản xuất, cần tạo dựng năng lực cạnh tranh cốt lõi cho doanh nghiệp dựa trên cơ sở đầu tư đổi mới công nghệ để làm ra những sản phẩm chất lượng, có tính khác biệt, đáp ứng tốt nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng. Tiếp tục đầu tư xây dựng và mở rộng thị trường. Phát triển mạng lưới phân phối mạnh, chủ động không để bị động, lệ thuộc vào bất kỳ kênh phân phối nào. Quan tâm đầu tư xây dựng và phát triển thương hiệu. Tận dụng tốt sự ủng hộ của người tiêu dùng và chính quyền đối với thương hiệu Việt. Tăng cường thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp và tính chuyên nghiệp trong hoạt động. Đầu tư xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Tăng cường các mối liên kết ngang và liên kết dọc, hình thành liên minh giữa các doanh nghiệp Việt với nhiều phương thức linh hoạt: hợp tác, liên doanh…

Bên cạnh đó, nhà nước cần có chính sách cụ thể khuyến khích doanh nghiệp Việt tìm kiếm mặt bằng mở rộng nhanh mạng lưới, đầu tư đổi mới công nghệ. Đặc biệt quan tâm chiến lược cổ phần hóa các doanh nghiệp thương mại, ưu tiên chọn và hỗ trợ nhà đầu tư chiến lược Việt Nam tham gia. Nhanh chóng xây dựng và triển khai Đề án phát triển hệ thống bán lẻ Việt Nam. Hình thành những nhà bán lẻ mạnh có vai trò dẫn dắt, hỗ trợ phát triển thị trường cho doanh nghiệp Việt. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động ủng hộ hàng Việt, doanh nghiệp Việt. Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, xây dựng hệ thống phân phối, xây dựng và phát triển thương hiệu. Khuyến khích mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp. Phát huy vai trò của các Hiệp hội trong việc làm đầu mối tiếp nhận các thông tin từ doanh nghiệp hội viên để có những giải pháp hỗ trợ, đề xuất chính sách, can thiệp khi cần thiết. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, phân biệt đối xử, gây sức ép, lợi dụng ưu thế thị phần lớn.

Ngọc Hà Fistenet, 08/09/2016