TIN THỦY SẢN

Giải pháp nào cho con tôm trong thời bão giá?

Xã viên HTX Cái Bát thu hoạch tôm thẻ sau 2,5 tháng nuôi, lãi trên 70 triệu đồng. Diệu Lữ

Đến Hợp tác xã (HTX) Nuôi trồng thuỷ sản Cái Bát, ấp Cái Bát, xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước trong những ngày tôm mất giá như thế này vẫn thấy không khí lao động hăng say. Những hộ dân nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh thẻ chân trắng ở đây vẫn có niềm vui, không lo lắng như những nông dân khác vì vẫn có lãi khi thu hoạch tôm.

Hướng mở từ chuỗi liên kết

Đầu năm 2015, HTX Nuôi trồng thuỷ sản Cái Bát đã thực hiện mô hình liên kết chuỗi. Đến nay, HTX này được xem là thành công nhất, hiệu quả nhất trong liên kết bởi những lợi ích mà nông dân được hưởng. Giá trị của mô hình này đã được khẳng định trong lúc khó khăn nhất về giá tôm, vì trong khi khắp nơi nông dân điêu đứng, HTX này thu hoạch vẫn có lãi.

Anh Huỳnh Văn Phong, xã viên HTX, vừa thu hoạch tôm xong, đang chuẩn bị cho vụ nuôi mới. “Nhờ tham gia vào chuỗi liên kết nên vụ tôm này vẫn có lãi do chi phí của vụ nuôi chưa đến 65.000 đồng/kg tôm nguyên liệu. Nếu nuôi đơn lẻ như những nông dân khác thì coi như tiêu rồi. Tính hết chi phí, gia đình tôi còn lãi trên 60 triệu đồng sau 2 tháng nuôi. Mừng thiệt!”, anh Huỳnh Văn Phong phấn khởi cho biết.

Anh Nguyễn Văn Lâm, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc điều hành HTX Nuôi trồng thuỷ sản Cái Bát, cho biết: “Hiện tại, tôm của HTX được Công ty Cổ phần Chế biến và Xuất nhập khẩu Thanh Đoàn thu mua với giá 76.000 đồng/kg, cao hơn 6.000 đồng so với thương lái bên ngoài. Còn giá thuốc, HTX mua thấp hơn bên ngoài khoảng 20%, thức ăn thấp hơn từ 5-7%, con giống thấp hơn từ 10-15%. Nếu cộng hết các giá vật tư đầu vào thì anh em xã viên nhẹ phí lắm, tính ra khi thu hoạch vẫn có lãi, dù không cao”.

Theo anh Nguyễn Văn Lâm, trong tổng số 127 hộ hội viên HTX có 70 hội viên nông dân. Khi những hội viên này tham gia vào HTX, ngoài được tiếp cận giá vật tư đầu vào hợp lý còn được hưởng nguồn quỹ của hội nông dân thực hiện các mô hình kinh tế phụ như: nuôi tôm quảng canh 2 giai đoạn, nuôi cua, trồng màu, trồng thanh long, nuôi dê... 


Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Mã Huy (giữa) chia sẻ kỹ thuật nuôi tôm với nông dân xã Định Bình, TP Cà Mau.

Sự liên kết từ các mô hình kinh tế đối với nông dân trong bối cảnh giá cả thị trường biến động như hiện nay là điều tất yếu. Sự liên kết đó sẽ tạo thành chuỗi chặt chẽ từ khâu đầu vào đến đầu ra. Nó không chỉ giúp nông dân tiếp cận giá vật tư đầu vào bằng giá “gốc”, sản phẩm tôm bán ra được công ty đến tận ao thu mua không qua trung gian, mà thông qua đó, người dân còn được hưởng nhiều chính sách ưu đãi khác.

Giải pháp đa chiều

Anh Nguyễn Văn Lâm cho rằng: “Khi người dân tham gia vào HTX còn được ngành nông nghiệp, các công ty chuyển giao, tập huấn kỹ thuật, kiến thức mới về thị trường giá cả, lợi ích cộng đồng trong sản xuất. Đặc biệt, trong HTX có 70 hội viên nông dân nên một phần được nguồn vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân góp sức. Vì những lẽ đó, thu nhập, đời sống của nông dân xã viên khấm khá hơn trước”.


Nhờ tham gia chuỗi liên kết nên chi phí nuôi giảm, năng suất ổn định, được công ty ký kết thu mua với giá cao hơn thị trường.

Ông Châu Trung Trực, Giám đốc HTX Đoàn Kết, ấp Tân Long, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, cho rằng: “Theo tôi, nông dân phải tham gia vào HTX, và HTX phải làm tốt mô hình liên kết chuỗi; phải tiếp cận các loại vật tư đầu vào như thuốc, thức ăn, con giống, không thông qua trung gian. Từ đó mới giảm được giá thành, chắc chắn chi phí sản xuất sẽ thấp và lợi nhuận sẽ cao hơn”.

Đầm Dơi là vùng nuôi tôm công nghiệp trọng điểm của tỉnh. Trước tình hình giá tôm như hiện nay, ngoài giải pháp mà Phòng NN&PTNT huyện Đầm Dơi đang tuyên truyền người dân nuôi tôm thẻ chân trắng là thả với mật độ thưa nhằm dễ quản lý, kiểm soát được dịch bệnh, môi trường vùng nuôi. Qua đó, góp phần giảm chi phí cho vụ nuôi, đảm bảo có lợi nhuận.

Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đầm Dơi Võ Chí Linh cho rằng: “Hiện mô hình liên kết chuỗi được Sở NN&PTNT hỗ trợ huyện thực hiện đang cho hiệu quả cao, nên huyện sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động bà con tích cực tham gia chuỗi liên kết này. Theo đó, huyện cũng khuyến cáo bà con nuôi tôm cân đối lại diện tích tôm sú và tôm thẻ cho phù hợp với điều kiện nuôi ở từng nơi, đảm bảo nguồn cung giữa 2 đối tượng này”.  

Một trong những giải pháp chính mà người nuôi tôm cần quan tâm thực hiện trong thời gian tới chính là rào cản thị trường về dư lượng kháng sinh trên tôm nguyên liệu.

Ông Lê Giang Châu, Chủ doanh nghiệp thuỷ sản Giang Châu, Khóm 7, Phường 8, TP Cà Mau, với 6 cửa hàng thu mua tôm tại các tỉnh khu vực ĐBSCL, cho rằng: “Giá tôm giảm một phần do nguồn tôm nguyên liệu của Việt Nam bị nhiễm kháng sinh, không xuất khẩu sang được các thị trường Châu Âu, Mỹ, Úc... Chúng ta chỉ xuất sang các nước Châu Á và nội địa. Do đó, để giá tôm ổn định và người nuôi tôm có lãi, cần nói không với kháng sinh. Có như vậy con tôm của chúng ta mới có thị trường xuất khẩu rộng hơn và giá sẽ ổn định hơn...”.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cà Mau Trần Thị Quyết cho biết, đến nay hội đã thực hiện được 144 dự án, mô hình kinh tế với số tiền trên 24 tỷ đồng từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân. Từ đây đến năm 2020, hội sẽ dành số vốn từ quỹ này thêm 18 tỷ đồng để ưu tiên thực hiện các mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả; tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, nhất là mô hình liên kết chuỗi giá trị tôm được Sở NN&PTNT triển khai hiệu quả hiện nay”.

Diệu Lữ Báo Cà Mau