Giải pháp nuôi tôm vụ 3 cho các tỉnh miền Bắc
Ở một số tỉnh phía Bắc, thông thường, nuôi tôm chỉ đạt 1 vụ/năm, nhưng mấy năm trở lại đây, bà con nông dân đã mạnh dạn nuôi cả vụ 3, tập trung vào hai đối tượng chính là tôm sú và tôm thẻ chân trắng, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng bởi nhiều ưu điểm như: thời gian sinh trưởng ngắn, tốc độ tăng trưởng nhanh, sức đề kháng tốt...
Ngày 16/8/2013 Tổng cục Thủy sản đã có công văn số 2181/TCTS-NTTS chỉ đạo nuôi tôm địa phương cho phép phát triển nuôi tôm chân trắng vụ 3 đối với các hộ, cơ sở nuôi tôm có khả năng đáp ứng điều kiện cần thiết như cơ sở hạ tầng đáp ứng với nuôi thâm canh, chủ động nguồn nước, có ao lắng, có hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt để tận dụng cơ hội thị trường trong bối cảnh các nước sản xuất tôm chủ yếu bị suy giảm sản lượng do bệnh chết sớm, đến nay đã có nhiều địa phương triển khai nuôi tôm trái vụ.
So với các tỉnh Nam Trung bộ và các tỉnh miền Nam, các tỉnh ven biển miền Bắc từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên Huế với đặc thù bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết (nhiệt độ thấp vào mùa đông, bão lụt) nên mùa vụ nuôi tôm khác với các tỉnh phía nam, thời vụ nuôi tôm ngắn, đối tượng nuôi chủ yếu là tôm trên chân trắng hình thức nuôi thâm canh, nuôi trên cát có lót bạt, mật độ nuôi cao từ 150-200 con/m2 cho năng suất và sản lượng cao (Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế) có điều kiện hạ tầng đảm bảo, phần lớn tập trung ở khu vực cao triều, ít chịu ảnh hưởng của lũ lụt, năng suất bình quân của hình thức nuôi này đạt 15 tấn/ha. Năng suất nuôi tôm vụ 3 đối với tôm chân trắng nuôi trong ao đất dao động trong khoảng 3-6 tấn/ha. Tôm sú nuôi qua đông thường có năng suất thấp, dao động trong khoảng 0,3-0,5 tấn/ha.
Theo đánh giá của các chuyên gia ngành thủy sản, nuôi tôm vụ đông rất khó khăn, yêu cầu kỹ thuật, chi phí đầu tư cao (khoảng 500 triệu đồng/ha), thời gian nuôi dài hơn chính vụ khoảng 1,5 lần nhưng bù lại hiệu quả kinh tế gấp 1 - 2 lần nuôi chính vụ và thị trường tiêu thụ khá thuận lợi.
Mặt khác, nuôi tôm vụ đông phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi, tính rủi ro cao do biến động của thời tiết. Nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm lớn, không thích hợp với sự phát triển của tôm nhưng lại thích hợp với điều kiện phát triển của một số mầm bệnh.
Để nuôi tôm vụ 3 đạt hiệu quả và phát triển bền vững, Tổng cục Thủy sản đã khuyến cáo các địa phương cần căn cứ vào điều kiện thời tiết từng năm làm cơ sở để xây dựng kế hoạch nuôi cho phù hợp. Nuôi tôm vụ 3 chỉ nên áp dụng đối với cơ sở nuôi có đủ điều kiện, chủ yếu là các doanh nghiệp, hộ nuôi có khả năng đáp ứng điều kiện cần thiết như cơ sở hạ tầng đáp ứng với nuôi thâm canh, chủ động nguồn nước, có ao lắng, có hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt, tăng cường các giải pháp tăng nhiệt cho tôm nuôi (có mái che, nuôi trong nhà…). Mật độ thả nuôi vừa phải, phù hợp với điều kiện của cơ sở, không quá 80con/m2. Khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp, hộ nuôi tôm chọn mua tôm giống tại các cở sở sản xuất giống có uy tín, chất lượng cao, giống có nguồn gốc rõ ràng đã được kiểm dịch để thả nuôi.
Để góp phần giúp các doanh nghiệp, bà con ở các tỉnh miền Bắc nuôi tôm vụ đông thành công, năng suất cao, giảm dịch bệnh, Tại Hội nghị giao ban nuôi trồng thủy sản các tỉnh phía Bắc ngày 24/4/2015 tại Nghệ An, Hội Nghề cá Việt Nam đã đưa ra một số kiến nghị đối với Bộ NN&PTNT. Cụ thể: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật nuôi tôm bên cạnh làm tốt công tác quản lý vật tư chất lượng đầu, công tác quan trắc môi trường và có thông báo kịp thời để người nuôi có biện pháp phòng ngừa kịp thời; Nên quy định các cơ sở nuôi phải đáp ứng đủ điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất mới tiến hành thả nuôi để tránh tình hình dịch bệnh có thể xảy ra trên diện rộng; Bên cạnh đó có chính sách hỗ trợ vay vốn đối với những hộ nuôi có nhu cầu nuôi tôm vụ đông, giao cho các đơn vị liên quan nghiên cứu đánh giá cơ sở khoa học và xây dựng quy trình nuôi tôm vụ đông phù hợp các tỉnh miền Bắc. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm định chất lượng tôm giống, tôm bố mẹ ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, thanh tra giám sát để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động nuôi.