TIN THỦY SẢN

Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ XIII năm 2013: Chữa bệnh cho tôm cá

Đặng Hồng Đức (phải) đi thực địa cùng nông dân. LINH ĐAN

Thời điểm năm 2008 trở đi, bà con nông dân thường nuôi thủy sản với mật độ dày nên cá, tôm dễ bị “stress”, cho sản lượng thấp. Thuốc dinh dưỡng để khắc phục tình trạng trên chủ yếu ngoại nhập, giá thành cao khiến nông dân khó kham nổi. Được sự ủng hộ của ban giám đốc, Đặng Hồng Đức, kỹ sư thủy sản Công ty Liên doanh Bio - Pharmachemie (quận 9, TPHCM) đã cùng đồng nghiệp nghiên cứu, tìm thuốc trị. Năm 2010, thuốc Nutrifish ra đời, giúp cá, tôm tăng sức đề kháng, lớn nhanh nhưng giá thành thấp, được nông dân tin cậy.

Đứa con của đồng ruộng

Sinh trưởng trong một gia đình thuần nông với 9 anh em, ngay từ khi còn nhỏ, Đặng Hồng Đức đã không ít lần được ba dẫn đi đánh cá trên đầm. Tuổi thơ của Đức trôi qua êm đềm trên những cánh đồng với những người nông dân chất phác chân lấm tay bùn như vậy. Tốt nghiệp kỹ sư thủy sản Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, Đức xin về làm việc tại Công ty Liên doanh Bio - Pharmachemie từ năm 2000. Thời gian này, phong trào nuôi cá basa, cá rô phi và nuôi tôm đang nở rộ, yêu cầu của thị trường về thuốc thú y phục vụ cho ngành thủy sản rất lớn. Ban giám đốc công ty tin tưởng và giao trách nhiệm cho Đức cùng các đồng nghiệp trong ban cố vấn bắt tay vào các dự án nghiên cứu yêu cầu của thị trường, tập quán, thói quen của bà con nuôi trồng thủy sản, những bệnh cá hay mắc phải… từ đó tạo ra sản phẩm phục vụ. 

Qua nhiều lần thử nghiệm của Đức và ê kíp, Công ty Liên doanh BIO đã đưa ra thị trường hàng loạt sản phẩm nuôi trồng và phòng ngừa, chữa trị các loại bệnh trên cá, tôm, giúp người dân có nhiều lựa chọn trong nuôi trồng thủy sản để đạt hiệu quả cao mà vẫn đảm bảo chất lượng tôm, cá trong xuất khẩu. Sản xuất thuốc dinh dưỡng đã khó, việc tìm ra thuốc phòng, trị bệnh cho cá, tôm còn khó hơn. Đức nhớ mãi quá trình tìm ra kháng sinh trị bệnh đường ruột cho tôm, cá. Để sản phẩm áp dụng hiệu quả trong thực tế, anh đã phải nuôi cá thí nghiệm trong thời gian dài, kiên trì nghiên cứu công thức, tìm kiếm các thành phần chính, chất phụ gia của thuốc để tìm ra “liều an toàn”. Các thí nghiệm đã được Đức lặp đi lặp lại ít nhất 6 lần/7 ngày, trong vòng hơn 3 tháng, rồi bỏ công khảo nghiệm trên ao nuôi trong 6 tháng nữa để kiểm soát được hiệu quả của thuốc. Kết quả cho những tháng ngày vất vả là thuốc phòng, trị bệnh đường ruột ở thủy sản do Đức và đồng nghiệp sản xuất được bà con nông dân tin dùng.

Trong 13 năm công tác ở công ty, Đức và các đồng nghiệp đã nghiên cứu ứng dụng thành công hơn 20 sản phẩm gồm các nhóm thuốc sát trùng, vitamin, kháng sinh và vi sinh để phục vụ cho nuôi trồng thủy sản, làm lợi hàng chục tỷ đồng cho công ty. Quan trọng hơn là đem lại lợi ích cho sản xuất, được nông dân tin dùng.

Rong ruổi những chuyến đi tình nguyện

Ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ tại đơn vị, Đức luôn trăn trở làm thế nào để những tiến bộ khoa học được chuyển giao rộng rãi đến địa phương. Không quản ngại khó khăn, anh còn tìm đến và tư vấn kỹ thuật tại ao nuôi cho bà con ở khắp các tỉnh, TP từ Quảng Ninh đến Cà Mau. Ở những nơi anh đến, bà con nuôi trồng thủy sản nhớ mặt, nhớ tên, nhớ những buổi tập huấn chuyển giao ứng dụng kỹ thuật của anh. “Đó là hình ảnh quá thân quen của ba má tôi, của các anh chị em tôi vẫn in đậm trong ký ức”, Đức chia sẻ về tình cảm dành cho những nông dân thật thà chất phác, chịu thương chịu khó ở những nơi anh đã đi qua.

Tích cực tham gia Chương trình xây dựng nông thôn mới của TPHCM, từ nhiều năm nay, Đức tham gia câu lạc bộ “Bác sĩ tình nguyện nông nghiệp” của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng cho nông dân huyện Nhà Bè, TPHCM. Ngoài ra, Đức còn góp phần giúp bà con tại đây thay đổi mô hình nuôi tôm sú truyền thống sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Năm 2012, anh chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng cho các hộ nuôi trồng thủy sản tại Cần Giờ, TP HCM. Đức còn phối hợp với Hội Nông dân TPHCM mở 4 lớp hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá điêu hồng, cá rô phi, cá chép, cá lóc, tôm càng xanh cho nông dân huyện Bình Chánh.

“Sở hữu” vài chục bằng khen, danh hiệu của các cấp trao tặng; dẫn dắt được hàng chục kỹ sư mới, nhân viên lành nghề nhưng điều khiến Đặng Hồng Đức cảm thấy vui sướng nhất chính là góp được phần mình tạo ra những sản phẩm thuốc thú y hiệu quả cho nghề nuôi trồng thủy sản trong nước với giá thành hợp lý, tiết kiệm không ít cho bà con nông dân.

LINH ĐAN Báo Sài Gòn Giải Phóng